Chủ động phòng chống tội phạm mua bán vũ khí qua mạng internet

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để hoạt động ẩn danh, nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; trong đó, hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ súng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã gây tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Trước tình hình này, Công an tỉnh Bình Dương đã tăng cường công tác quản lý, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời các điểm mua bán vũ khí qua mạng và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.
0:00 / 0:00
0:00
Một số đối tượng và tang vật súng bị Công an tỉnh Bình Dương phát hiện, bắt giữ.
Một số đối tượng và tang vật súng bị Công an tỉnh Bình Dương phát hiện, bắt giữ.

Một trong những vụ mua bán vũ khí qua mạng mà Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng phát hiện triệt phá trong sáu tháng đầu năm 2023, đó là, hai đối tượng Phạm Văn Minh (sinh năm 2004, ngụ quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) và Lâm Tấn Thịnh (sinh năm 1995, ngụ Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) khi có hành vi Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí số lượng lớn qua mạng xã hội.

Hai đối tượng này bị bắt khi mang súng đạn đi giao ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tiến hành khám xét nơi ở của các đối tượng Minh và Thịnh, lực lượng công an thu giữ hai khẩu súng dài, 17 khẩu súng ngắn loại Rulo ổ xoay, hơn 350 viên đạn và nhiều dụng cụ dùng để chế tạo súng. Làm việc với cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã đặt mua linh kiện súng trên qua mạng xã hội rồi về lắp ráp thành súng hoàn chỉnh, sau đó đăng bán trên mạng xã hội.

Mới đây, thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát phòng chống tội phạm, khoảng 16 giờ ngày 20/6, Tổ tuần tra đặc biệt 171 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương) khi tuần tra đến đường Đại lộ Độc Lập, khu phố Bình Đường 1, phường An Bình, thành phố Dĩ An thì phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Khá (sinh năm 1995, hộ khẩu thành phố Cần Thơ) đang điều khiển xe mô-tô, biển kiểm soát 66M1-420.07 có dấu hiệu khả nghi nên ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra. Qua kiểm tra, công an phát hiện trên xe có một khẩu súng ngắn ổ xoay kiểu dáng súng Rulo cùng 17 viên đạn.

Qua làm việc, đối tượng Khá khai nhận thông qua mạng xã hội Facebook đã đặt mua một khẩu súng kiểu dáng Rulo trên mạng xã hội Facebook với giá 2,3 triệu đồng và 17 viên đạn với giá 120 nghìn đồng/viên. Sau đó, Khá đăng hình ảnh cây súng và đạn lên trang Facebook cá nhân để bán lại kiếm lời. Chiều 20/6, khi Khá mang khẩu súng và 17 viên đạn đi bán thì bị Tổ tuần tra đặc biệt 171 phát hiện bắt giữ cùng toàn bộ tang vật.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương, có nhiều trường hợp các đối tượng mua súng để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Có người mua để sưu tầm theo sở thích, có người mua với mục đích để phạm tội. Đáng lưu ý, có nhiều trường hợp thanh, thiếu niên do tò mò và thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã lên mạng (Zalo, Facebook, YouTube...) để tìm kiếm và đặt mua các loại súng quân dụng hoặc các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng. Thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Dù là mục đích gì thì những hành vi mua bán, tàng trữ trái phép súng, vũ khí quân dụng đều là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Hệ lụy từ việc mua bán, sử dụng vũ khí, súng, công cụ hỗ trợ… có thể được thấy rõ qua việc gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của con người. Thời gian qua, đã có một số vụ án xảy ra liên quan đến vũ khí gây bất an dư luận. Nguy hiểm hơn là việc các đối tượng đặt mua súng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội. Điển hình là vụ việc đối tượng sử dụng súng để cướp ngân hàng xảy ra trên địa bàn huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương vào tháng 4/2023.

Thượng tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng Công an huyện Bàu Bàng cho biết: Do thiếu nợ và không có khả năng chi trả, đối tượng Nguyễn Tấn Phát (sinh năm 1997, hộ khẩu thường trú huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đã đặt mua một khẩu súng và đạn qua mạng xã hội với giá năm triệu đồng để chuẩn bị đi cướp ngân hàng. Khi có súng và đạn, Phát mang theo trong người đến một ngân hàng trên địa bàn huyện Bàu Bàng. Khi ngân hàng chuẩn bị đóng cửa để nghỉ trưa, quan sát thấy trong quầy giao dịch vắng người, Phát bất ngờ rút súng thủ sẵn trong người bắn chỉ thiên lên trần nhà và đe dọa nhân viên ngân hàng để cướp số tiền hơn 800 triệu đồng. Trong lúc tẩu thoát, Phát tiếp tục nổ súng, khiến nhân viên bảo vệ của ngân hàng bị thương. Lợi dụng sơ hở của đối tượng Phát, các nhân viên bảo vệ và người dân cùng nhau khống chế được đối tượng giao công an xử lý.

Để không xảy ra các vụ việc mất an ninh trật tự liên quan đến việc mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, thời gian qua, Công an tỉnh Bình Dương đã chủ động tăng cường kiểm tra, phát hiện các website quảng cáo, Facebook đang rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép để kịp thời ngăn chặn nguồn cung cấp, phòng ngừa từ sớm các hệ lụy xấu xảy ra. Theo thiếu tá Võ Văn Sơn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương, dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm về chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng còn diễn biến phức tạp.

Do đó, để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, ngoài sự quyết tâm vào cuộc của lực lượng công an, thì mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, làm tốt công tác quản lý, giáo dục con, em trong gia đình. Khi phát hiện đối tượng chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, người dân cần nhanh chóng báo tin đến cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn hoạt động của loại tội phạm này.

Trong năm 2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã thụ lý 13 vụ, 23 bị can; riêng trong ba tháng đầu năm 2023 đã thụ lý sáu vụ liên quan đến vũ khí, gồm: “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”, “Chế tạo, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Tang vật thu giữ gồm 24 khẩu súng và hơn 200 viên đạn các loại, đã đề nghị Viện Kiểm sát, Tòa án truy tố, xét xử tám vụ với 19 bị can theo quy định của pháp luật.