Chủ động phòng, chống mưa dông, lốc xoáy, vòi rồng khi chuyển mùa

Chủ động phòng, chống mưa dông, lốc xoáy, vòi rồng khi chuyển mùa

Do vị trí địa lý Việt Nam đối mặt với biển cả gần suốt chiều dài, tùy vùng mà mùa mưa chịu ảnh hưởng gió mùa Tây Nam hoặc gió Ðông Bắc mạnh, nhưng rừng ven biển, rừng trên núi cao mang tính phòng hộ không còn nhiều, nội đồng lại rất trống trải nên tình hình mưa dông sẽ càng phức tạp và nguy hiểm hơn, vì thế cần phải có ý thức cảnh giác và chủ động tổ chức phòng, chống các hiện tượng tự nhiên nguy hiểm ấy mọi lúc mọi nơi ngay từ trước những cơn mưa đầu mùa thì mới giảm được thiệt hại.

Các loại cây gỗ lớn, nhất là vườn dừa, vườn cây ăn trái, nhất là cây rừng có tác dụng phòng, chống, ngăn chặn các hiện tượng mưa dông, lốc xoáy rất tốt. Nhưng do tình trạng phá rừng, do chuyển dịch từ trồng lúa và cây con hệ ngọt sang nuôi tôm, môi trường đất, nước bị nhiễm mặn, nhiều vùng ven biển (cả ba miền) hầu như không còn bao nhiêu cây cối có khả năng phòng hộ, ngăn chặn gió lớn, khiến nhà cửa nhân dân đứng trơ trọi giữa không gian trống trải.

Vườn cây không còn, cây rừng bị tàn phá nặng nề nên sinh cảnh trở nên trống trải là điều kiện rất tốt cho dông, lốc, vòi rồng hình thành, phát triển mạnh nên gây hại. Ðiều này nhiều năm qua đã được chứng minh bằng những tổn thất vật chất không nhỏ, thậm chí cả sinh mạng nhiều người mỗi khi có những cơn mưa chuyển mùa. Cơn lốc ở xã Ðại Hồng (Ðại Lộc, Quảng Nam) ngày 14-4-2007 là lời cảnh báo về một năm mưa bão gay go sắp tới.

Ðể chủ động phòng, chống dông, lốc, vòi rồng vào đầu mùa mưa cần thực hiện các công việc sau đây:

Ngành điện lực cần khẩn trương tổ chức kiểm tra độ an toàn của hệ thống truyền tải điện, dọn vệ sinh đường dây, chằng néo những nơi cột điện yếu có khả năng không chịu nổi gió lớn, chú ý cắt tỉa những cây cối có thể đổ ngả, cành, nhánh lên đường dây gây mất an toàn cho lưới điện.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các sở, ngành cần chủ động kiểm tra cơ sở mình quản lý, khắc phục ngay những hỏng hóc khiếm khuyết của nhà xưởng, kho tàng, trụ sở cơ quan... kịp thời sửa chữa, chằng néo cho thật chắc chắn để đón mùa mưa được an toàn.

Những hộ dân nhà riêng lẻ giữa cánh đồng trống trải làm bằng cây gỗ tạm hoặc xây dựng bán cơ bản nên dùng các loại cây gỗ địa phương như cừ tràm, gốc tre, trâm bầu... đóng cọc chắc chắn và dùng dây chì loại lớn, hay dây sắt chằng néo bốn phía cột nhà để có thể chịu được dông gió lớn bất ngờ khi có những cơn mưa đầu mùa. Mái nhà dù lợp bằng vật liệu gì thì cũng nên chằng buộc bằng dây chì hoặc dùng bao chứa đất, cát xếp phía trên để chống gió lớn làm tốc mái; còn cửa và vách nên làm, hoặc thật kín gió không lọt được vào nhà, hoặc nếu gió vào tự do thì cũng phải chừa có lối ra thông thoáng, bằng không gió sẽ dỡ cả mái, bốc cả vách nhà càng thêm thiệt hại, không nên làm cửa và đóng vách với tình trạng nửa kín nửa hở, khiến gió mạnh vào được mà không có lối ra sẽ rất khó tránh khỏi sập nhà, tốc mái.

Ðối với nhà dân liền kề hay xây cất thành cụm thì những căn hộ đầu, hoặc tốt nhất là tất cả cũng cần chằng néo như nhà riêng lẻ, còn trên mái lợp thì mọi nhà đều phải buộc hoặc giằng bằng bao chứa đất cát, và nếu hộ nào cửa, vách không ngăn được gió vào thì cũng phải cho gió ra.

Những vùng, những nhà và các tuyến đường dây điện nào còn cây cối lớn sum suê chung quanh mà tán lá sẽ ảnh hưởng đến một khi bị gãy nhánh hay trốc gốc thì cần phải khẩn trương chặt, tỉa bớt cành nhánh để đạt được độ an toàn, nhằm giảm bớt sức cản gió, tránh cho cây khỏi bị gãy đổ, trốc gốc. Những vườn cây, bờ liếp, bờ vuông tôm có nhiều cây cối quá tốt tươi, dày đặc tán lá mà bờ đất nhỏ bé liệu chừng không giữ nổi cây khi có gió lớn thì cũng nên chặt đừng để cây chịu không nổi phải trốc gốc.

Về lâu dài, người dân nên trồng nhiều lớp cây gỗ lớn chung quanh nhà ở, cụm dân cư theo một cự ly, khoảng cách an toàn và được xén tỉa cành nhánh hợp lý, bởi khi các cụm nhà ở đường trồng cây một cách phù hợp sẽ có tác dụng che mát, ngăn cản bớt sức gió mạnh nhằm hạn chế sự tàn phá, hoặc cũng có khả năng làm lệch hướng đi của các cơn dông, gió lốc, vòi rồng rất tốt, có thể giúp tránh được nhiều thiệt hại.

Trước tình hình nắng hạn khốc liệt năm nay các hiện tượng mưa dông, lốc xoáy, vòi rồng có thể sẽ xuất hiện nhiều và mạnh hơn khi mưa chuyển mùa đúng như dự báo của các nhà chuyên môn. Tuy các thảm họa này không ai muốn, cũng rất khó phòng, chống một cách hữu hiệu được, nhưng nếu biết đề phòng, chuẩn bị trước mọi thứ cần thiết, chắc chắn sẽ giảm được thiệt hại đáng kể.