Chủ động khắc phục tình trạng suy thoái cây ăn quả có múi

Nhiều năm qua, trồng cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi...) là hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương trong cả nước. Việc trồng loại cây này đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng suy thoái vườn cây có múi đang diễn ra ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng loại cây này.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tỉnh Hòa Bình thu hoạch cam.
Người dân tỉnh Hòa Bình thu hoạch cam.

Cây có múi là cây ăn quả phổ biến, có mặt trong sản xuất tại khắp các vùng, địa phương trong cả nước. Đến nay, diện tích cây có múi đạt khoảng 256 nghìn ha với sản lượng khoảng 3,78 triệu tấn, chiếm khoảng 27% tổng sản lượng cây ăn quả cả nước; trong đó cam, bưởi là hai loại cây trồng nhiều nhất. Nông dân đã chủ động ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; một số địa phương đã quy hoạch các vùng trồng cây có múi theo hướng hàng hóa, tập trung; chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Mạnh: “Thời gian gần đây, tình trạng suy thoái cây có múi đang xảy ra khá nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Qua tổng hợp ở 20 địa phương (Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Nghệ An…), diện tích cây có múi bị suy thoái hơn 16,5 nghìn ha”.

Nguyên nhân là do biến động của thị trường tiêu thụ, giá bán giảm cho nên vườn cây không được đầu tư thâm canh; một số địa phương để xảy ra tình trạng phát triển cây có múi ngoài vùng quy hoạch đã được phê duyệt; một số diện tích trồng mới không đủ điều kiện về đất đai, nguồn nước để sản xuất gây tăng chi phí đầu tư, dẫn đến cây được chăm sóc kém, suy thoái nhanh. Quá trình canh tác lâu năm, người trồng sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc hóa học, phân chuồng chưa được xử lý đầy đủ... dẫn đến đất bị chai cứng, cây khó hấp thụ dinh dưỡng; sâu, bệnh gây hại xuất hiện tại nhiều vùng trồng.

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, theo thống kê diện tích cây ăn quả có múi đạt 10.091 ha; trong đó diện tích cam 3.810 ha, bưởi 5.668 ha, quýt 380 ha... Giai đoạn từ năm 2018 đến 2021, diện tích cây ăn quả có múi bị suy thoái diễn ra mạnh; trong đó, năm 2021 diện tích cây có múi bị suy thoái phải cải tạo và trồng mới lại khoảng 1.500 ha.

Chủ động khắc phục tình trạng suy thoái cây ăn quả có múi ảnh 1

Mô hình trồng bưởi của Hợp tác xã Dân Tiến (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) giúp các thành viên có thu nhập ổn định. (Ảnh MỸ HÀ)

Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, mức độ suy thoái đã giảm nhiều. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong Bùi Văn Dán: Từ nhiều năm qua, cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả cao cho người dân trên địa bàn. Nhiều gia đình đã làm giàu từ loại cây này, có thời điểm mỗi ha đạt hàng tỷ đồng/năm. Nếu trước đây, diện tích trồng cam của huyện còn ít, thì từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý năm 2014, diện tích tăng lên hơn 3.000 ha vào năm 2019.

Song, việc phát triển nóng, ồ ạt, đã khiến loại cây này cũng bị suy thoái nhiều với khoảng 30% trong tổng số hơn 3.000 ha. Từ giai đoạn 2021-2022, do giá cam giảm, tiêu thụ khó khăn, nhân dân ít đầu tư, cộng với sâu, bệnh gây hại cho nên diện tích cam giảm nhiều, còn khoảng 900 ha và diện tích suy thoái cũng ít đi”. Ông Đặng Văn Rồng, xã Tây Phong, huyện Cao Phong chia sẻ: “Những năm trước, trồng cam thường ít bị thoái hóa, sâu, bệnh gây hại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có một số hộ dân khi chặt bỏ cam hết chu kỳ thu hoạch, trồng lại sau bốn năm cam thường bị vàng lá. Chúng tôi cũng không biết nguyên nhân do giống hay bị bệnh”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết: “Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã hỗ trợ nguồn giống cây ăn quả có múi chất lượng cao, sạch bệnh để trồng tái canh trên địa bàn huyện Cao Phong. Hiện nay địa phương đang triển khai các thủ tục hỗ trợ cây giống cam với diện tích 42,306 ha cho 115 hộ dân đăng ký trồng trong năm 2024. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phổ biến áp dụng đồng bộ quy trình tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh”.

Những diện tích cây có múi già cỗi, chặt bỏ không thực hiện trồng tái canh ngay mà trồng luân canh với cây hằng năm, ngắn ngày từ 24 đến 36 tháng để cải tạo đất, cắt đứt nguồn sâu, bệnh gây hại. Các diện tích tái canh thực hiện phân tích mẫu đất xác định thành phần dinh dưỡng, mật độ sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ ngay từ ban đầu. Đồng thời, nâng cao kiến thức canh tác cây ăn quả có múi thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, mô hình trình diễn cánh đồng mẫu tái canh tại huyện Cao Phong...

Nhằm khắc phục tình trạng này, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Mạnh cho rằng: “Thời gian tới, các địa phương và người dân cần hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển nóng “theo phong trào” đối với cây cam, bưởi, nhất là tại các vùng không phù hợp. Cần tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung, tại các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, có khả năng đầu tư thâm canh”.

Các chuyên gia khuyến cáo: Đối với diện tích trồng phân tán, tại các vùng không phù hợp, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây có múi mới, có năng suất, chất lượng, không hạt hoặc có ít hạt, rải vụ thu hoạch, thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh... để kịp thời bổ sung cho sản xuất.

Đồng thời, các địa phương cần quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây có múi chất lượng, sạch bệnh; khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại; khắc phục, giảm thiểu tình trạng canh tác thiếu bền vững, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Các đơn vị chức năng cần ưu tiên nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây có múi vùng tập trung theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, cải thiện năng suất, chất lượng, mẫu mã và bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện quy trình kỹ thuật xử lý ra hoa, đậu quả, rải vụ thu hoạch và phòng trừ sâu, bệnh hại trong điều kiện biến đổi khí hậu.