Chống lợi ích nhóm trong tính phí dự án BOT

NDO -

NDĐT - Những ngày đầu tháng 11-2015, người dân địa phương hết sức bức xúc và có nhiều hành động quyết liệt phản đối hoạt động thu phí dự án BOT đường giao thông tại trạm Lương Sơn (Hòa Bình) ở Km42+730 theo Thông tư 122 ngày 18-8-2015 của Bộ Tài chính, với các lý do: Giá vé thu phí quá cao (5 loại vé, thấp nhất là 25.000 đồng với xe dưới 12 chỗ, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng; cao nhất là 180.000 đồng/vé/lượt với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container chở hàng 40 feet), khi mà, đường đi từ Xuân Mai tới TP Hòa Bình, dài 30km, chỉ là dạng nâng cấp cải tạo đường vốn có, chứ không phải là do chủ tự đầu tư xây dựng mới ho&

Địa điểm đặt trạm thu phí cũng khiến người dân địa phương không có sự lựa chọn đường đi thay thế; họ buộc phải đi và trả tiền cho sự đi lại trên con đường vốn không mất tiền như người dân bao địa phương khác; đó là chưa kể người dân phàn nàn rằng có việc dịch chuyển biến báo đánh dấu khu vực động dân cư ra xa điểm dặt trạm thu phí cho có vẻ hợp lý.

Tình hình trật tự xã hội ở địa phương này chỉ tạm yên khi chủ đầu tư đơn phương thỏa thuận mới với người dân, theo đó người dân địa phương nếu có bằng chứng là người địa phương (có chứng minh thư, hộ khẩu và xác nhận của chính quyền địa phương…) sẽ được miễn phí qua lại trạm Lương Sơn, còn giá thu phí cũng được giảm từ 20-40% so với mức ghi trong Thông tư.

Quy trình có vẻ hợp lệ khi việc thu phí được thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính; còn thỏa thuận trên với người dân địa phương sẽ có hiêu lực thi hành khi Bộ Tài chính cho phép. Tuy nhiên, sự minh bạch về pháp lý và đồng thuận của người dân ngay từ đầu sẽ cao hơn, nếu trong quy trình tính và thông qua dự án thu phí BOT này có công đoạn công khai lấy ý kiến người dân địa phương và đối tượng liên quan để thẩm định và phản biện những thông số quan trọng về giá thu, đối tượng thu và địa điểm đặt trạm thu phí; chứ không phải giành quyền tự quyết cao như vậy cho chủ đầu tư trên thực tế…

Bên cạnh đó, dư luận cũng đang quan ngại về khả năng từ năm 2016, hàng loạt các trạm thu phí dự án ODA khác cũng rục rịch tăng giá (từ 20-30%), như các trạm thu phí trên QL5; trạm Cầu Rác, QL1 thuộc địa phận Hà Tĩnh; trạm thu phí bắc hầm Hải Vân, quốc lộ 1, tỉnh Thừa Thiên - Huế; trạm Mỹ Lộc, Nam Định. Từ năm 2017 trở đi, cứ ba năm sẽ lại điều chỉnh tăng giá phí thu một lần, với mức tăng 18% so với mức giá vé đang áp dụng. Nếu tỷ lệ tăng này mà áp dụng hết cho 19 trạm thu phí trên hành trình di chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng đường bộ, cũng như cho tất cả 45 trạm đang thu và 51 trạm sẽ thu phí dự án BOT đã ký… thì chi phí vận chuyển đường bộ và giá cả hàng hóa dịch vụ xã hội sẽ chịu áp lực tăng mạnh, khiến kỳ vọng kiểm soát lạm phát chung cả nước khó được như nhiệm vụ mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra!

Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải, tăng đầu tư xã hội phát triển các tuyến đường cao tốc, các con đường mới theo nhiều hình thức, trong đó có BOT là đúng đắn, cần thiết. Nhưng ý nghĩa của các dự án BOT giao thông này chi phát huy tối ưu khi bảo đảm hài hòa lợi ích dựa trên tính đồng bộ, tổng thể trong quy hoạch và dự án giao thông có chất lượng cao; tạo sự lựa chọn cho người dân và không áp đặt, nhập nhằng cơ sở tính giá.

Đặc biệt, cần kiên quyết xóa bỏ hoặc di dời những trạm thu phí không hợp pháp, không hợp lý, không đúng đối tượng và mức chi phí không hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn và thiệt hại cho xã hội từ động cơ lợi ích nhóm và thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Dự án BOT là động lực phát triển giao thông vì lợi ích quốc gia và cộng đồng xã hội chung, chứ không thể là cơ hội vàng cho ai đó tranh thủ “đục nước béo cò”…