Chơi tranh Tết - nét đẹp văn hóa mỗi độ Xuân về

NDO -

Xuân Quý Tỵ 2013 đã đến, khi phố phường dần bừng lên sắc thắm hoa đào cũng là lúc mọi người sắm sửa tranh Tết để trang hoàng nhà cửa, đồng thời gửi gắm ước vọng vào một năm mới thịnh vượng, tốt lành. Tranh Tết vừa là thú chơi tao nhã, vừa góp phần không nhỏ bảo tồn văn hóa dân tộc.

Chơi tranh Tết, một thú vui tao nhã của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Chơi tranh Tết, một thú vui tao nhã của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Dân gian có câu "Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc" ý nói đến những thú chơi hàng đầu trong dịp Tết truyền thống của người Việt tự bao đời nay. Chơi tranh Tết nổi bật nhất phải kể đến các dòng tranh dân gian như tranh Ðông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế)... Tranh dân gian có thể chơi quanh năm nhưng thịnh hành nhất là trong mỗi dịp Tết Nguyên đán. Ðó cũng là một phong tục đẹp lâu đời của dân tộc ta. Không có tài liệu chính xác ghi song nhiều người cho rằng chơi tranh Tết đã có từ rất sớm, từ thời Lý, thời Trần. Mỗi độ Tết đến xuân sang, nhân dân ta lại đi chợ mua những bức tranh tươi sáng rực rỡ, mang về gỡ tranh năm cũ ra, treo tranh mới vào, với hàm ý "tống cựu - nghinh tân", xua đi những rủi ro, bất hạnh, đón vinh hoa phú quý vào nhà.

Tại một cửa hàng nhỏ trưng bày và bán tranh dân gian Ðông Hồ trên phố Chân Cầm (Hà Nội), từ đầu tháng Chạp lượng khách tham quan và mua tranh đã tăng lên khá nhiều. Không chỉ có người Việt Nam mà du khách nước ngoài cũng tỏ ra thích thú với những hình ảnh rất thuần Việt với nhiều mầu sắc tươi tắn, sống động, được thể hiện trên chất liệu tự nhiên. Tranh Ðông Hồ có nhiều đề tài, hình tượng phong phú. Các mẫu được ưa chuộng năm nay như "Cá chép", "Tiến tài", "Tiến lộc", "Vinh hoa", "Phú quý"... với ý nghĩa cầu tài lộc, sung túc, mong cho việc làm ăn thuận lợi, kinh tế vững vàng hơn năm vừa qua. Chị Hồng, một khách mua tranh vui vẻ chia sẻ: "Bây giờ ngoài thị trường tràn ngập các loại tranh in sẵn của Trung Quốc, mầu mè bắt mắt cầu kỳ, hình thần tài cầm xâu tiền, tiên đồng ngọc nữ ôm thỏi vàng, vân vân, nhưng tôi vẫn thích tranh dân gian của người Việt mình hơn. Mầu sắc không lòe loẹt mà rất tinh tế, nhẹ nhàng. Phòng khách đơn giản hay sang trọng cũng có thể treo được". Ðó có lẽ cũng là suy nghĩ chung của nhiều người đam mê chơi tranh dân gian, yêu cái đẹp giản dị mà đầy mỹ cảm, chứa đựng lòng tự hào dân tộc.

Tranh dân gian Ðông Hồ, Hàng Trống được bàn tay tài hoa của người nghệ nhân vẽ theo quan điểm "sống" chứ không phải là "giống". Nghĩa là những họa sĩ dân gian đã thể hiện tất cả cuộc sống chung quanh, từ cảnh đến người, từ các con vật gần gũi đến cảnh sinh hoạt đời thường bằng những đường nét ước lệ mềm mại, vui tươi, gợi trí tưởng tượng, chứ không phác họa giống hệt như thật một cách cứng nhắc, vô hồn. Từ mầu vẽ, giấy vẽ đều làm bằng nguyên liệu có xuất xứ thiên nhiên. Những em bé, những cô thiếu nữ, chú gà, đàn lợn, con mèo, con chuột... hiện lên trên giấy điệp óng ánh không chỉ đẹp, bắt mắt mà còn gửi gắm nhiều ước mơ, nhiều triết lý sâu sắc, tế nhị. Chẳng hạn như tranh "Ðàn lợn", "Ðàn gà" tượng trưng cho gia đình đông con cháu, sung túc, thuận hòa; tranh "Lý ngư vọng nguyệt" (Cá chép trông trăng) thể hiện rõ nét triết lý âm dương hòa hợp; tranh "Ðám cưới chuột" ngầm nói đến mối quan hệ kẻ mạnh - kẻ yếu trong xã hội...

Trải qua thời gian với nhiều biến động thăng trầm của lịch sử, tranh dân gian từng có lúc không mấy được quan tâm, duy trì, dẫn đến sự mai một hết sức đáng tiếc (như dòng tranh đỏ Kim Hoàng ở Hoài Ðức đã bị thất lạc hết các bản khắc, dòng tranh Hàng Trống chỉ còn duy nhất một nghệ nhân theo nghề). Tuy nhiên, may mắn là nhiều gia đình Việt vẫn giữ được nếp sinh hoạt truyền thống với các phong tục tập quán tốt đẹp, hướng về các giá trị văn hóa nguồn cội thiêng liêng. Thú chơi tranh là một trong số đó. Làng Ðông Hồ (Bắc Ninh) ngày nay mặc dù không được quanh năm tấp nập nhộn nhịp như xưa, nhiều hộ đã chuyển sang nghề làm vàng mã, song dịp cận Tết vẫn đón cả nghìn lượt khách về thăm làng, mua tranh, đồng thời người làng này cũng mang sản phẩm của mình đi khắp bốn phương. Có cơ sở sản xuất đã nhanh nhạy nắm bắt tâm lý khách hàng và xu thế thị trường để cải tiến mẫu mã như đóng khung tre, làm trục gỗ cuốn cho bức tranh vừa đẹp mắt, vừa dễ bảo quản. Với những nghệ nhân nơi đây còn bám trụ với nghề, làm tranh không chỉ là kế sinh nhai mà còn là sự đam mê chảy trong huyết quản mà cha ông để lại, là một cách thể hiện sự trân trọng, mong muốn bảo tồn đối với một loại hình nghệ thuật dân tộc đáng quý. Cụ Nguyễn Hữu Sam, người lưu giữ được hơn 600 bản khắc cổ, một nghệ nhân luôn tâm huyết với nghề của làng cho biết: "Ngày Tết, người ta chuộng tranh Ðông Hồ không chỉ vì đây là một trong những dòng tranh hiếm, mà còn bởi tranh phản ánh đậm nét cuộc sống gắn liền với văn hóa người Việt như trò chơi dân gian đánh vật, múa sư tử... Bên cạnh đó còn biểu lộ mong ước một năm mới mưa thuận gió hòa, cầu tài lành, phúc ấm cho gia chủ".

Hiện nay trên thị trường, ngoài tranh dân gian trên giấy dó, giấy điệp, còn có một số loại tranh bằng nhiều chất liệu khác cũng được ưa chuộng, nhất là đối tượng dân thành thị, như: tranh khắc gỗ, tranh đồng, tranh sơn mài, tranh gốm. Chủ đề của những xu hướng tranh này cũng rất đa dạng: tranh chữ thư pháp, hoa đào, hoa mai, tứ quý, tứ bình, vinh quy bái tổ, v.v. Ðặc biệt, sự sáng tạo và tỉ mẩn của con người còn cho ra đời các loại tranh như tranh đá quý, tranh thêu tay, tranh kính. Những loại tranh này đều độc đáo, đắt tiền, kỳ công, song không phải là xu hướng đại chúng.

Chơi tranh Tết đã có từ bao nhiêu thế kỷ nay, qua bao nhiêu thế hệ người Việt. Trong làn khói hương trầm bảng lảng, bên cành đào, cây quất ngày xuân, hình ảnh những bức tranh thấm đượm hồn Việt được treo ở ví trị trang trọng thật là đẹp. Dù cho nhịp sống ngày một hiện đại, con người ta vẫn không quên cái thú đi ngắm tranh, thưởng thức nghệ thuật, tìm mua những bức vẽ hài hòa để trưng bày trong nhà, để biếu tặng nhau tỏ tấm lòng thành. Với ý nghĩa đó, thú chơi tranh là một nét đẹp văn hóa quý báu, xứng đáng được tôn vinh, đồng thời bảo tồn và phát huy cho muôn đời sau.