Các hộ kinh doanh chỉ mua bán hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng; không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, phải thực hiện việc niêm yết giá bán và bán hàng theo giá niêm yết... Đó là những nội dung cụ thể trong bản cam kết mà các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân vừa ký kết với Đội Quản lý thị trường số 2 và Ban Quản lý chợ. Kèm theo bản cam kết còn có hướng dẫn cụ thể về các nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ để các hộ kinh doanh nhận biết. Đội trưởng đội QLTT số 2 Lưu Bách Chiến cho biết: "Tổ chức ký cam kết là một phương thức tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động buôn bán. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp Ban Quản lý chợ tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh trong chợ".
Từ nhiều năm nay, chợ Đồng Xuân là địa chỉ kinh doanh sầm uất, tấp nập nhất Thủ đô, với khoảng 2.300 tiểu thương kinh doanh cố định tại chợ. Các mặt hàng kinh doanh tại đây rất đa dạng, từ các loại bánh kẹo, nông sản khô đến các loại vải vóc, quần áo thời trang, đồ lưu niệm, đồ gia dụng, đồ điện tử... Phần lớn các mặt hàng đều là hàng sản xuất tại Trung Quốc. Khảo sát qua các gian hàng tại chợ, không khó để bắt gặp những chiếc điện thoại "na ná" điện thoại của các hãng nổi tiếng như Apple, Samsung...; các loại túi xách, quần áo đính mác LV, D&G... được bán với giá rẻ hơn hàng chính hãng nhiều lần. Nhiều loại bánh kẹo, mứt, hạt ngũ cốc... không đóng trong bao bì hoặc bao bì không ghi đầy đủ thông tin. Các loại vải vóc bày bán tràn lan không niêm yết giá bán, nguồn gốc...
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân Đỗ Xuân Thủy nhận định, việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa tại chợ Đồng Xuân gặp rất nhiều khó khăn. Bởi các tiểu thương ở chợ đều nhập hàng từ các mối quen. Các mối này thường "đánh" hàng số lượng lớn, sau đó xé nhỏ ra giao cho tiểu thương trong chợ. Do đó, các tiểu thương tại đây thường không có chứng từ, hóa đơn gốc của hàng hóa. Không những vậy, các hộ kinh doanh ở đây thường buôn bán theo sự quen biết, giao hàng, kiểm hàng, nhận tiền mặt trực tiếp, ít khi xuất hóa đơn hoặc chỉ là những hóa đơn viết tay sơ sài.
Ngoài tình trạng mập mờ về nguồn gốc hàng hóa, việc niêm yết giá bán hàng hóa tại chợ cũng không được các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc. Chị Nguyễn Thị Thảo, chủ ki-ốt bán phụ kiện và đồ nữ trang cho biết: "Chúng tôi chủ yếu bán buôn số lượng lớn, nhưng cũng có bán lẻ. Nếu phải niêm yết giá các sản phẩm thì không biết niêm yết kiểu gì, vì giữa giá bán buôn và giá bán lẻ chênh lệch rất lớn. Số lượng chủng loại hàng hóa nhiều, mà diện tích ki-ốt lại chật hẹp, không dễ để niêm yết giá trên từng sản phẩm". Mặt khác, lâu nay, hình thức bán hàng kiểu "nói thách, mặc cả" vẫn diễn ra phổ biến tại đây.
Nhiều lần kiểm tra hàng hóa tại chợ Đồng Xuân, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, tịch thu, xử lý nhiều hàng hóa vi phạm luật sở hữu trí tuệ, không có hóa đơn, nguồn gốc rõ ràng. Chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, qua kiểm tra các quầy hàng tại chợ Đồng Xuân và các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Bông, Hàng Gai, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện, xử lý 632 vụ, phạt bốn tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá 2,79 tỷ đồng.
Từ chợ đầu mối Đồng Xuân, hàng hóa các loại được các tiểu thương đưa đến khắp các chợ, các cửa hàng lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội và cả các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc. Với khối lượng hàng hóa giao dịch lớn như vậy, việc chống kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại đây vô cùng quan trọng. Mặc dù Đội Quản lý thị trường số 2 triển khai các đợt kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với các hộ kinh doanh ở chợ Đồng Xuân, kết hợp với xử lý là tuyên truyền, nhắc nhở qua hệ thống loa phát thanh, ký cam kết..., nhưng tình trạng buôn bán hàng nhái, hàng nhập lậu vẫn diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở việc ký cam kết, mà không có các biện pháp quản lý chặt choe, mạnh tay hơn, thì tình trạng kinh doanh hàng lậu, hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng ở khu chợ này vẫn luôn là một thách thức lớn đối với các lực lượng chức năng.