Đại biểu Quốc hội đầu tiên của sân khấu tuồng cách mạng

Trước năm 1945, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Nho Túy (tên thật là Nguyễn Thủ, trong ảnh) thường được công chúng yêu mến tuồng miền trung gọi là Đội Tảo. Sở dĩ có tên gọi này bởi ông từng được triều đình nhà Nguyễn mời ra Huế biểu diễn và phong cho chức Đội trưởng đội tuồng cung đình. Sinh ra và lớn lên trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, quê Quảng Nam, nhưng sống ở Đà Nẵng, Nguyễn Nho Túy là học trò ưu tú của thầy Nguyễn Hiển Dĩnh, một nghệ sĩ tuồng xuất sắc nhất miền trung thời kỳ đó.

Đại biểu Quốc hội đầu tiên của sân khấu tuồng cách mạng

Hoạt động tuồng trong cung đình, nhưng với lòng yêu nước Đội Tảo - Nguyễn Nho Túy đã hăng hái hòa vào không khí sục sôi của những ngày Cách mạng Tháng Tám. Đến cuối năm 1951, ông cùng các nghệ sĩ: Sáu Lai, Ngô Thị Liễu, Văn Phước Khôi... tập hợp lại thành đoàn và mang nghệ thuật tuồng đi phục vụ, động viên bộ đội, nhân dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là những hạt nhân đầu tiên xây dựng nên Đoàn tuồng Liên khu V, đoàn tuồng cách mạng đầu tiên của cả nước được các cấp lãnh đạo hết sức quan tâm. Hoạt động của đoàn đã gây được tiếng vang rộng khắp khu vực miền trung và riêng Nguyễn Nho Túy được nhân dân yêu mến đặt cho biệt danh “Con rồng trên sân khấu”. Ông cũng là nghệ sĩ thành công nhất trong kỹ thuật lướt hia mũi cong trên sàn gỗ và đã đội gần hết dàn mão các loại kép trên sân khấu hát bội (tuồng).

Nguyễn Nho Túy là người thầy đã trực tiếp đào tạo nhiều NSND, NSƯT, như: Võ Sĩ Thừa, Minh Ngọc, Tiến Thọ, Đình Bôi, Đình Sanh, Đình Quả, Vĩnh Phô, Hưng Quang, Quang Hạnh, Nguyễn Kiểm... Ông nổi tiếng không chỉ có hát hay mà còn rất giỏi về múa tuồng, nhất là nghệ thuật sử dụng đôi hia mũi cong của ông thì đến nay vẫn không có ai bì kịp. Kỹ thuật này được ông khổ luyện trong 10 năm. Nhà thơ Chế Lan Viên sau này khi đọc cuốn 55 năm trên sân khấu tuồng của Nguyễn Nho Túy đã có bài trên báo Văn Nghệ, trong đó khuyên các nghệ sĩ trẻ nên đọc cuốn sách để học tập tấm gương khổ luyện thành tài của một nghệ sĩ tuồng.

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy có nhiều lần được diễn cho Bác Hồ xem. Điều đáng nói, ông cũng là nghệ sĩ sân khấu tuồng đầu tiên được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội. Và một kỷ niệm không thể nào quên khi có lần Bác Hồ đã gặp riêng nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy trong lúc giải lao, Bác ân cần nói với ông: Nghệ thuật tuồng rất hay, nhưng phải cải tiến, đừng giẫm chân tại chỗ; tuy nhiên cũng đừng "gieo vừng ra ngô”. Nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy xúc động tiếp thu từng lời căn dặn vô cùng sâu sắc của Bác và từ đó với ông cũng như nhiều nghệ sĩ sân khấu truyền thống khác, điều này đã trở thành phương châm chung trong kế thừa và phát huy nghệ thuật dân tộc. Bản thân NSND Nguyễn Nho Túy và lớp nghệ sĩ cao niên, chuyên diễn và dạy tuồng cổ, vẫn thường khuyên đồng nghiệp và học trò của mình vừa phải nắm vững vốn truyền thống, vừa phải cải tiến, phát triển và đổi mới. Ông cho rằng, bản thân nghệ thuật truyền thống có tính sáng tạo, tính thẩm mỹ rất cao, đã trở thành những hình mẫu mực thước, nhưng trong đó vẫn còn yếu tố lạc hậu, cần loại bỏ hoặc cách tân cho phù hợp tư tưởng, thẩm mỹ của người xem trong xã hội ngày nay và dĩ nhiên là “không biến vừng ra ngô” như Bác Hồ đã căn dặn. Sau này, trong những lần gặp gỡ, NSND Nguyễn Nho Túy cũng thường nhắc tới lời dạy của Bác Hồ để định hướng cho các học trò và đồng nghiệp trước thực trạng sân khấu tuồng đang có xu hướng lai căng, kịch nói hóa. Ông thường tâm sự với chúng tôi: “Sân khấu truyền thống nói chung và tuồng nói riêng đang phát triển mạnh, nhưng tôi rất lo xu hướng cách tân quá đà, xa rời truyền thống. Làm như vậy sẽ “biến vừng ra ngô”, làm mất đi bản sắc dân tộc”.

Lần hội tụ tuồng đất Quảng tại TP Đà Nẵng năm 1977, sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, cũng là lần cuối cùng NSND Nguyễn Nho Túy lên sân khấu diễn để quay phim. Ông rất vui và nói với các bạn đồng nghiệp rằng: “Đời tôi chỉ còn một ước mơ lớn nhất nhưng chưa thực hiện được, đó là việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu tuồng. Nhưng tôi tin thế hệ diễn viên trẻ sẽ thực hiện được nhiệm vụ vinh quang này...”. Lòng tin của người nghệ sĩ bậc thầy này đã được thực hiện, đó là các học trò của ông như NSND Võ Sĩ Thừa thể hiện hình tượng Bác Hồ trong vở tuồng Sáng mãi niềm tin và NSND Lê Tiến Thọ cũng đã thành công với hình tượng Bác Hồ trong vở Không còn đường nào khác.

NSND Nguyễn Nho Túy đã đi xa gần 20 năm, nhưng ngành tuồng (hát bội) cả nước vẫn mãi nhắc tên ông, một nghệ sĩ có biệt tài, một bậc thầy của sân khấu tuồng, đại biểu Quốc hội đầu tiên của ngành sân khấu tuồng Cách mạng, có may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nghe những lời căn dặn quý báu của Người và đã truyền lại một cách đầy đủ cho các thế hệ nghệ sĩ tiếp bước.