Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII; các văn bản của Ðảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư về phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tham nhũng, tiêu cực, ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, ngành kiểm tra Ðảng đã thể hiện những bước tiến vững vàng, kết quả rõ nét, tiếp tục phát huy vai trò "thanh bảo kiếm", góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của Ðảng.
Quyết tâm đi đôi với hành động
Với tinh thần quyết liệt, không dừng, không nghỉ, không chùng xuống, khẳng định trách nhiệm, quyết tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã khẩn trương kiện toàn bộ máy và tiến hành thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Ðiều lệ Ðảng. Trong đó, việc xử lý có kết quả nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm đã góp phần quan trọng thúc đẩy hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tại chín kỳ họp từ sau Ðại hội XIII của Ðảng đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên tại: Ban Thường vụ Ðảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021; Ban Thường vụ Ðảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020; Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025; một số tổ chức đảng và đảng viên liên quan ba vụ án xảy ra tại TP Hà Nội và bốn vụ án xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021... Các vi phạm được kết luận là đã gây hậu quả nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng lớn đến chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, tổn hại uy tín của tổ chức đảng, đơn vị và ngành. Một số cán bộ, đảng viên liên quan bị thi hành kỷ luật là Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, sĩ quan cấp tướng, người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, với các hình thức từ cảnh cáo đến khai trừ ra khỏi Ðảng.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, công tác kiểm tra, giám sát đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, các mặt đều tăng so cùng kỳ, với chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Nổi bật là, ủy ban kiểm tra các cấp đã tham gia, phục vụ có hiệu quả Ðại hội XIII của Ðảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và cấp ủy các cấp ban hành nhiều văn bản quan trọng, xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình kiểm tra năm 2021 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp. Ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, trọng tâm là kiểm tra dấu hiệu vi phạm, tập trung những vi phạm về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm các nguyên tắc, quy chế, quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập 10 đoàn kiểm tra do các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng làm trưởng đoàn, kiểm tra đối với 20 tổ chức đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, học tập quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, Quy định về trách nhiệm nêu gương; thành lập 59 đoàn kiểm tra, giám sát, trong đó 18 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, đã thi hành kỷ luật 12 tổ chức đảng và 74 đảng viên, 11 đảng viên trong số đó là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Năm qua, nhiệm vụ giám sát tổ chức đảng tiếp tục được coi trọng gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Nội dung giám sát tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị y tế, quy hoạch phát triển năng lượng, quản lý cửa khẩu, lối mở biên giới… Trong chín tháng đầu năm, cấp ủy các cấp đã giám sát 18.498 tổ chức đảng và gần 62 nghìn đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp giám sát gần 12.500 tổ chức đảng và 17.500 đảng viên. Qua giám sát, đã chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 108 tổ chức đảng và 37 đảng viên. Một trong những bài học kinh nghiệm luôn được nhấn mạnh, đó là phải đặc biệt chú trọng công tác giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các vi phạm từ lúc manh nha, không để quá đà thành những vi phạm, tham nhũng lớn như một số vụ việc vi phạm thời gian qua. Nhiều lĩnh vực mới và khó, cần tiếp tục được nghiên cứu sâu sắc, toàn diện; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành.
Bên cạnh những thành tích, kết quả được ghi nhận, thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực đồng thời chỉ ra thực trạng đáng lo ngại, đó là nguy cơ gia tăng về số lượng, phức tạp và nghiêm trọng về mức độ, tính chất vi phạm. Hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lạm quyền, lộng quyền, vi phạm nguyên tắc tổ chức đảng, vi phạm đạo đức, lối sống còn diễn biến khó lường; năng lực của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp ủy một số nơi còn hạn chế.
Xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo đột phá
Ðổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng Ðảng nhiệm kỳ này. Trong đó, chú trọng xây dựng và hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, tạo đột phá trong phòng, chống vi phạm, tiêu cực. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu Trung ương, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 22-QÐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Ðảng; Quy định số 37-QÐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Quyết định số 35-QÐ/TW về ban hành quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thay thế các quy định, quy trình đã thực hiện trước đó. Các quy định, quy trình mới kế thừa những nội dung còn phù hợp, bổ sung một số nguyên tắc, nội dung quan trọng và những vấn đề nảy sinh trong nhiệm kỳ qua. Việc sửa đổi, bổ sung nhằm phát huy đầy đủ hơn nữa chức năng kiểm tra, giám sát của Ðảng, thể hiện sự phát triển về lý luận, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Với các quy định hiện hành của Ðảng, công tác kiểm tra, giám sát có thêm cơ sở để chủ động, đi trước, làm tiền đề cho xử lý kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Có những vi phạm của đảng viên chưa đến mức xử lý vi phạm hành chính, hình sự nhưng vẫn có thể xem xét, xử lý theo quy định của Ðảng do các vi phạm đó được quy định tại Quy định về những điều đảng viên không được làm và quy định về trách nhiệm nêu gương. Ðây là "đường dẫn" và cách làm mới để cấp ủy đảng có cơ sở chỉ đạo xử lý hàng loạt các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc ban hành Quy định số 22 với nhiều điểm mới, nhiều điểm lần đầu được thể chế hóa đã khắc phục cơ bản bất cập, lúng túng trong kiểm tra, xem xét kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên. Ðó là phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng "bao gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể hoặc thay đổi do chia tách, sáp nhập về mặt tổ chức; đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu". Quy định số 22 bổ sung một nguyên tắc rất quan trọng, đó là: "Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe, giáo dục". Nội dung này cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, đồng thời thể hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Ðảng nhằm phát huy ưu điểm, lấy "xây" là chính. Tại Quy định số 22, quyền hạn của ủy ban kiểm tra cấp trên được mở rộng "chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Ðảng"…
Việc điều chỉnh, bổ sung, ban hành các văn bản mới, một lần nữa khẳng định, Trung ương đã xác định rõ hơn vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Ðảng, tăng thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Ðảng.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến ngành kiểm tra Ðảng mới đây, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, Nghị quyết Ðại hội của Ðảng đã xác định, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong các đột phá. Nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo phải tập trung kiểm tra, giám sát trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các đột phá, phòng, chống vi phạm tiêu cực, nhất là các vi phạm trong xây dựng thể chế, chính sách cục bộ, lợi ích nhóm với phương châm: chủ trương, chính sách pháp luật đến đâu thì kiểm tra, giám sát tới đó. Ủy ban Kiểm tra Trung ương giám sát để tổ chức đảng khắc phục, chứ không phải để xử lý, sau giám sát nếu không khắc phục, tái phạm thì phải kiểm tra, xử lý vi phạm…
Bước vào giai đoạn mới, với động lực lớn là những thành tựu của nhiệm kỳ trước, là vị trí, vai trò, uy tín của ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương được đề cao; quyền hạn, trách nhiệm được mở rộng, đội ngũ những người làm công tác kiểm tra của Ðảng đã có năm đầu nhiệm kỳ thành công. Ðó là cơ sở, tiền đề, động lực quan trọng để ngành kiểm tra Ðảng thêm quyết tâm, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có bản lĩnh vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, đủ năng lực gánh vác trọng trách trong cuộc đấu tranh nhiều cam go, thử thách và không ít cám dỗ này. Hành động kết thành niềm tin để cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục tin tưởng vào những đột phá về xây dựng Ðảng trong giai đoạn cách mạng mới.