AstraZeneca hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành dược phẩm, phòng chống Covid-19

NDO -

AstraZeneca và các đối tác Việt Nam đã đạt được 2 thoả thuận bước ngoặt nhằm góp phần phát triển ngành sản xuất dược phẩm sinh học trong nước và hỗ trợ nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam.

Ảnh: Thanh Giang
Ảnh: Thanh Giang

Sáng 2/11 (giờ địa phương), tại Trung tâm Engine Works, TP Glasgow,  Scotland, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Pascal Soriot, Tổng Giám đốc điều hành công ty AstraZeneca và chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa AstraZeneca và Bộ Y tế Việt Nam và hợp đồng mua bán 25 triệu liều vaccine và sản phẩm dự phòng Covid-19 với Công ty cổ phần vacxin Việt Nam (VNVC). 

AstraZeneca và các đối tác Việt Nam đã đạt được 2 thỏa thuận bước ngoặt nhằm góp phần phát triển ngành sản xuất dược phẩm sinh học trong nước và hỗ trợ nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam. AstraZeneca sẽ đầu tư khoảng 2 nghìn tỷ đồng (90 triệu USD) nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với các thuốc chất lượng cao được sản xuất ngay tại Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn 2022-2030, sẽ có 3 sản phẩm thuốc quan trọng được Công ty sản xuất gia công trong nước. 

Bên cạnh đó, AstraZeneca và VNVC cũng đã ký thỏa thuận cung ứng thêm một số lượng vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca và hỗn hợp kháng thể đơn dòng có tác dụng kéo dài của AstraZeneca mang tên AZD7442. Nếu được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp, liệu pháp kháng thể này có khả năng vừa phòng ngừa lẫn điều trị bệnh Covid-19. AD7442 được thiết kế dành cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc cơ thể không đáp ứng đầy đủ với vaccine.

Dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, AstraZeneca sẽ lựa chọn một đối tác tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất và cung cấp những kiến ​​thức chuyên môn, quy trình kỹ thuật cần thiết nhằm bảo đảm các sản phẩm thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm của AstraZeneca được sản xuất trong nước sẽ có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn toàn cầu của tập đoàn.

AstraZeneca hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành dược phẩm, phòng, chống Covid-19 -0
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Giang 

Phát biểu tại Lễ ký thỏa thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của AstraZeneca trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ cảm ơn những đóng góp của AstraZeneca đối với ngành y tế Việt Nam trong việc cung ứng gần 20 triệu liều vaccine AstraZeneca - là vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được Việt Nam cấp phép. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng Chính phủ đề nghị AstraZeneca tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh, đề nghị sớm bàn giao vaccine theo hợp đồng và hợp tác cung ứng vaccine, thuốc điều trị Covid-19 năm 2022. Thủ tướng đề nghị AstraZeneca phối hợp hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực y tế, bao gồm đào tạo đội ngũ y tế, hợp tác vaccine chống các chủng mới, vaccine cho trẻ em và các thuốc chống các bệnh ung thư, tim mạch…

Tổng Giám đốc điều hành AstraZeneca đánh giá cao nỗ lực và kết quả phòng chống dịch của Việt Nam và cam kết sẽ bàn giao số vaccine còn lại trong hợp đồng đã ký trong tháng 11 năm nay. Ông Pascal Soriot cho biết AstraZeneca cam kết lâu dài tại Việt Nam, không chỉ trong hoạt động cung ứng vaccine mà còn đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Ông cho biết ngoài khoản đầu tư 220 triệu USD Mỹ trong giai đoạn 2020-2024 đã cam kết trước đó, AstraZeneca sẽ đầu tư thêm 90 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước, trước mắt sẽ có 3 sản phẩm thuốc phòng chống các bệnh không lây nhiễm trong giai đoạn 2022-2030.

Tổng Giám đốc điều hành AstraZeneca cho biết đang xem xét hợp tác gia công hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam, đặt các nhà máy sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế tại Việt Nam. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất dược phẩm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành y.