Chính sách tín dụng giúp người dân vượt khó

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm, đưa công tác tín dụng chính sách xã hội vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; gắn việc huy động và sử dụng nguồn vốn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên giải ngân vốn vay ưu đãi cho người dân thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng chính sách xã hội.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên giải ngân vốn vay ưu đãi cho người dân thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng chính sách xã hội.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, quy mô các chương trình tín dụng chính sách ở tỉnh Hưng Yên ngày càng được mở rộng, chất lượng và hiệu quả hoạt động được bảo đảm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Hằng năm, cùng nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách của Trung ương, tỉnh Hưng Yên đã cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 4.321 tỷ đồng; trong đó, có hơn 3.218 tỷ đồng là nguồn vốn từ Trung ương; đạt hơn 806 tỷ đồng do Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên tự huy động; hơn 295 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương.

Đến nay, tỉnh đang triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách, với tổng doanh số cho vay giai đoạn 2014-2024 đạt hơn 8.530 tỷ đồng, với gần 252.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã góp phần khôi phục một số làng nghề truyền thống, nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả, mô hình thoát nghèo bền vững được nhân rộng.

Chị Vũ Thị Hợi, thôn Nho Lâm, xã Mai Động, huyện Kim Động cho biết: Trước kia, gia đình tôi khó khăn, chỉ chăn nuôi một vài con bò sữa. Khi được Chi hội Nông dân thôn Nho Lâm giới thiệu và được vay vốn ưu đãi 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm ở Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kim Động, gia đình tôi đã mở rộng quy mô chăn nuôi, làm ăn ngày càng hiệu quả, có tích lũy, nhân đàn bò sữa lên 15 con, giúp gia đình tôi cải thiện cuộc sống.

Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Doãn Thị Nguyệt khẳng định: Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã phát huy vai trò trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ phụ nữ, nhất là hộ gia đình phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ yếu thế có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Hội phụ nữ các cấp đã triển khai lồng ghép các chương trình, phối hợp với các ngành chức năng, công ty, doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo quản nông sản sau thu hoạch... cho hơn 180.000 hội viên phụ nữ.

Hơn 200 mô hình ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật mới đã được xây dựng như: Mô hình lúa chất lượng cao; mô hình bí xanh, bí đỏ, dưa xuất khẩu; mô hình đậu tương; mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, gà siêu trứng; mô hình trồng khoai tây, trồng rau an toàn theo hướng sinh học; mô hình trồng cây dược liệu từ rác... đã giúp hơn 17.000 hội viên sử dụng vốn vay ưu đãi thoát nghèo.

Các chương trình tín dụng chính sách đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng các tổ chức chính trị-xã hội ở tỉnh Hưng Yên chỉ đạo, triển khai hiệu quả trong nhiều năm qua, đã giúp hơn 35.500 hộ ở tỉnh vượt qua ngưỡng nghèo; gần 37.000 lao động có việc ổn định; hơn 6.100 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng hơn 1.800 ngôi nhà cho hộ nghèo, nhà ở xã hội và hơn 246.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn; qua đó, góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng dân cư và giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hưng Yên xuống còn 0,86%.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Trần Quốc Toản cho biết: Tỉnh Hưng Yên tiếp tục chỉ đạo Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền trong việc cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, bảo đảm theo hướng năm sau cao hơn năm trước.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội cũng như tuyên truyền về phong trào “Vì người nghèo-Không ai bị bỏ lại phía sau”, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” để kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Các cấp chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên trong việc thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác, bảo đảm cho vay chính sách đúng đối tượng; trong đó, cần chú trọng hướng dẫn người nghèo, các đối tượng chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, cải thiện đời sống và có nguồn vốn trả nợ ngân hàng.

Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội hiệu quả và các mô hình giúp nhau vượt khó, làm giàu, góp phần đẩy nhanh chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống...