Chính sách bồi thường hợp lý giúp bảo đảm tiến độ dự án

Hiện nay, đa số người dân bị thu hồi đất thực hiện dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều đồng tình bàn giao mặt bằng để thi công tuyến đường. Các địa phương cũng đang tích cực đền bù và tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng, bảo đảm sớm ổn định cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Sóc Trăng đồng tình giao đất cho dự án và nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.
Người dân Sóc Trăng đồng tình giao đất cho dự án và nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tuyến cao tốc là dự án quan trọng cấp quốc gia, dài 188 km được chia làm bốn dự án thành phần; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh An Giang dài hơn 57 km; qua thành phố Cần Thơ hơn 37 km; qua tỉnh Hậu Giang khoảng 37 km và qua tỉnh Sóc Trăng hơn 57 km. Đây là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia và là một trong sáu tuyến cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.

Khi người dân đồng thuận

Nhờ sự đồng thuận của người dân và chính sách bồi hoàn hợp lý, đến nay, diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cơ bản đã hoàn thành. Giá đền bù diện tích đất bị thu hồi để thi công cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dao động từ 56.900 đồng/m2 đến mức cao nhất là 7.875.000 đồng/m2. Tại thành phố Sóc Trăng, việc thu hồi đất liên quan đến 24 hộ gia đình, cá nhân và một tổ chức trên địa bàn Phường 10 với tổng diện tích hơn 18.751m2.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, 100% hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đồng thuận và đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Ông Trương Tâm Kiệt, ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên tán thành khung giá đền bù cho từng loại đất, nhà ở, vật kiến trúc và cho rằng mức giá đáp ứng được nguyện vọng của ông. Phần đất gia đình nằm ngay điểm tổ chức khởi công dự án, dù chưa nhận tiền bồi thường, nhưng ông Kiệt đã chủ động bàn giao mặt bằng sớm cho địa phương, chủ đầu tư.

Còn ông Trương Minh Đức ở ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề đã giao 8.000 m2 đất bao gồm nhà ở và đất nông nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 2.000 m2 đất nền. “Dự án này có lợi cho địa phương, được mọi người mong đợi, vì vậy khi Nhà nước cần thu hồi đất chỗ nào là gia đình tôi giao ngay, để bảo đảm thi công đúng tiến độ”, ông Đức chia sẻ.

Dự án này có lợi cho địa phương, được mọi người mong đợi, vì vậy khi Nhà nước cần thu hồi đất chỗ nào là gia đình tôi giao ngay, để bảo đảm thi công đúng tiến độ.

Ông Trương Minh Đức ở ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề

Tại An Giang, tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường gần 1.524 tỷ đồng cho 1.404/1.530 hộ, diện tích khoảng 373,0/388,7 ha, đạt tỷ lệ 96%; chi tiền bồi thường 1.322,3/1.523,9 tỷ đồng cho 1.284/1.404 hộ, còn lại 126 hộ dân đang tiếp tục phê duyệt phương án bồi thường và phấn đấu xử lý dứt điểm công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng đến hết ngày 31/12/2023.

Ông Huỳnh Hữu Duyên, ngụ khóm Phước Thành, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Châu Thành có hơn năm công đất ruộng cùng hơn 300m2 đất thổ cư nằm ngay tuyến tránh dự án đã nhận tiền bồi thường hơn hai tỷ đồng và chủ động bàn giao mặt bằng sớm cho chủ đầu tư. Tương tự, ông Huỳnh Viết Bính, ngụ ấp Vĩnh Hiệp 1 có hơn sáu công đất ruộng được bồi hoàn hơn hai tỷ đồng.

Theo ông Bính, ruộng của ông nằm ở vị trí bồi thường với các mức giá khác nhau tùy theo vị trí đất, nhưng vẫn cao hơn giá thị trường hiện nay, cho nên ông đã bằng lòng nhận đền bù và sớm bàn giao mặt bằng. Khi cao tốc hoàn thành, các khu công nghiệp sẽ mọc lên, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Với đoạn đi qua địa bàn tám xã, thị trấn thuộc huyện Châu Thành A và Phụng Hiệp, đến nay, tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt phương án bồi thường cho 1.120 hộ, với số tiền hơn 745 tỷ đồng; trong đó, 1.040 hộ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 247 ha, đạt hơn 95% diện tích phải thu hồi.

Đối với số hộ còn lại, ngành chức năng đang kiểm tra lại nguồn gốc, quá trình sử dụng đất để phê duyệt phương án bồi thường, bảo đảm đến tháng 11/2023 sẽ giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công. Ông Trần Văn Mến ở ấp 3A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A có hơn 4.000 m2 đất bị ảnh hưởng, cho biết: “Người dân ở đây không phải ai cũng hiểu rõ các quy định của pháp luật, do đó khi nghe có quy hoạch, có đất bị thu hồi, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng thì nhiều người cũng lo lắng.

Tuy nhiên, sau khi được các cấp chính quyền phổ biến về ý nghĩa, quyền lợi thì bà con ai cũng phấn khởi, sẵn sàng bàn giao mặt bằng vì sự phát triển chung của quê hương, đất nước”. Còn ông Nguyễn Tấn Phương ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp tâm sự: “Gia đình rất sẵn lòng giao hơn 2.000 m2 đất cho dự án do các chính sách liên quan đến bồi thường, giải tỏa thỏa đáng, nhất là trong thời gian chờ tái định cư, Nhà nước có hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư trong thời gian sáu tháng và ba tháng xây dựng nhà”.

Lo tái định cư cho dân

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, đoạn cao tốc đi qua địa bàn thành phố Sóc Trăng và các huyện Mỹ Tú, Trần Đề, Mỹ Xuyên của tỉnh có diện tích các loại đất phải thu hồi là hơn 3,5 triệu m2; tổng mức đầu tư dự án khoảng 11.961 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã đo đạc kiểm đếm và áp giá 1.811 hộ dân; phê duyệt phương án đền bù 1.750/1.811 hộ, đạt 96% và chi trả cho 1.724/1.811 hộ bị ảnh hưởng toàn dự án, đạt 95%. Tổng diện tích đã chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng là 313,6/331 ha diện tích thu hồi đất, đạt 95%. Sóc Trăng đã thành lập bốn khu dân cư để người dân bị di dời có thể tái định cư lâu dài, ổn định.

Chủ tịch UBND huyện Trần Đề Nguyễn Trọng Sơn cho biết, có đến bảy xã, một thị trấn của huyện bị ảnh hưởng với chiều dài gần 26 km. Huyện đã đền bù, hỗ trợ và bàn giao 80,48% diện tích đất cho dự án. Sau lễ khởi công, huyện tiếp tục thực hiện tuyên truyền, tăng cường công tác vận động, đối thoại trực tiếp, lên phương án, áp giá đền bù cho các hộ còn lại.

Qua đó, các hộ dân ở huyện Trần Đề đã nhận đền bù, hỗ trợ cho diện tích 125,01/134,22 ha, với tổng số tiền hơn 224 tỷ đồng, đạt 93% tỷ lệ diện tích đất bàn giao cho dự án. Riêng hai xã Viên An và Liêu Tú đã hoàn thành 100%. Đồng thời, huyện Trần Đề cũng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu tái định cư; phấn đấu đến cuối năm 2023 thực hiện xong và bàn giao 100% diện tích đất cho dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thông tin, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố có đường cao tốc đi qua phải cam kết nâng cao trách nhiệm; giữ nguyên hiện trạng phục vụ công tác giải tỏa, đền bù. Việc xác định giá đất được bảo đảm theo quy trình chặt chẽ. Các cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác nắm tình hình các hộ dân bị tác động, bồi thường, tái định cư; đồng thời, trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, phải tính toán đầy đủ, bảo đảm công bằng, khách quan, công tâm, bồi thường thỏa đáng, kịp thời, vì quyền lợi của người dân; bảo đảm tái định cư để các hộ dân có chỗ ở ổn định; quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực trong việc bố trí nền tái định cư.

Các cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác nắm tình hình các hộ dân bị tác động, bồi thường, tái định cư; đồng thời, trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, phải tính toán đầy đủ, bảo đảm công bằng, khách quan, công tâm, bồi thường thỏa đáng, kịp thời, vì quyền lợi của người dân; bảo đảm tái định cư để các hộ dân có chỗ ở ổn định; quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực trong việc bố trí nền tái định cư.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình

Người dân được bố trí tái định cư nếu còn vướng mắc có thể gửi đơn đến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo 2168 để được giải quyết thỏa đáng. Giá đền bù giải phóng mặt bằng dự án cao tốc tại An Giang thấp nhất là 171.000 đồng/m2, cao nhất là 5.600.000 đồng/m2. Tỉnh cũng xây dựng một khu tái định cư thuộc huyện Châu Phú với 68 nền nhà giúp dân an cư.

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, tỉnh đã xây khu tái định cư tại xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp với 82 nền, giải quyết cho những hộ bị ảnh hưởng bởi cao tốc trục ngang đang thực sự bức xúc về chỗ ở, nếu những hộ này đồng ý. Nguyên tắc giao nền tái định cư là phải bảo đảm hạ tầng như: điện, đường, nước, các hộ dân phải sinh sống được ở đây và có đủ điều kiện sinh hoạt, nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ sinh kế, giải quyết việc làm theo nguyện vọng của người dân trong vùng dự án.

Cùng với các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long đã và đang triển khai, cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ- Sóc Trăng hoàn thành sẽ giúp các địa phương khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội. Thấy được lợi ích này, các địa phương trong vùng đang tích cực vào cuộc bảo đảm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, phát huy hiệu quả của dự án vào sự phát triển chung của đất nước.