Chính phủ Thụy Điển sẽ trình lên quốc hội nước này dự luật về việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong tháng 3 tới.
Đây là nội dung được Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom công bố ngày 15/2 trong bài phát biểu về các ưu tiên chính sách ngoại giao của chính phủ trong năm 2023.
Tuy nhiên, thời gian mà Thụy Điển có thể được NATO tiếp nhận hiện đang phụ thuộc vào quyết định của các nước thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Cũng trong ngày 15/2, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận Phần Lan và Thụy Điển cùng gia nhập liên minh quân sự này.
Phát biểu với các phóng viên, ông Stoltenberg cho biết đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận cho cả 2 nước Bắc Âu cùng gia nhập NATO. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận quyết định cuối cùng vẫn nằm ở phía Ankara.
Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Mikko Savola ngày 15/2 cũng cho rằng, sẽ tốt hơn cho tất cả các quốc gia thuộc NATO nếu Stockholm và Helsinki gia nhập liên minh cùng lúc.
Phát biểu trước cuộc họp với các quan chức từ các quốc gia NATO và Thụy Điển tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Savola bày tỏ sẽ tốt hơn cho Phần Lan, tốt hơn cho Thụy Điển và cả NATO nếu cả hai nước đều trở thành thành viên trong thời gian sớm nhất.
Việc lập kế hoạch sẽ thuận lợi hơn trong bối cảnh Phần Lan luôn duy trì liên lạc với Thụy Điển - đối tác thân cận của Helsinki.
Năm 2022, Thụy Điển và Phần Lan cùng xin gia nhập NATO nhưng quy trình gia nhập hiện đang bị trì hoãn.
Đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển cần phải được tất cả các thành viên NATO hiện tại phê chuẩn, song Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đến nay vẫn chưa thông qua.
Ankara muốn Stockholm có quan điểm cứng rắn hơn với Lực lượng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Trong khi đó, Quốc hội Hungary chưa thảo luận về việc chấp thuận tiếp nhận các nước Bắc Âu.
Hồi tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phát đi tín hiệu rằng Ankara có thể nhất trí để Phần Lan gia nhập NATO trước Thụy Điển, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Stockholm.