Chính phủ Lào xác định 5 chính sách phục hồi kinh tế

NDO -

Để giải quyết những tác động tiêu cực về kinh tế do dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ Lào đã xác định 5 chính sách nhằm mục tiêu khôi phục kinh tế đang bị chững lại trong thời gian qua.

Hàng hóa sản xuất trong nước đang được Chính phủ Lào khuyến khích nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa, phục vụ chính sách tự lực, tự cường. (Ảnh: Xuân Sơn)
Hàng hóa sản xuất trong nước đang được Chính phủ Lào khuyến khích nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa, phục vụ chính sách tự lực, tự cường. (Ảnh: Xuân Sơn)

5 chính sách đó là: chính sách nới lỏng về mặt tài chính; chính sách về tiền tệ; chính sách quản lý giá, cung ứng, lưu thông hàng hóa; chính sách khuyến khích sản xuất và du lịch; chính sách đối với xã hội và người dân.

Phát biểu tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội Lào khóa IX đang diễn ra tại Thủ đô Vientiane, Lào, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh cho biết, cần có sự thay đổi để phù hợp tình hình thực tế nhằm khôi phục kinh tế, phát triển đất nước, coi việc tiêm chủng vaccine cho đa số người dân là cơ sở để thúc đẩy và phát triển kinh tế.

Thủ tướng Lào cũng kêu gọi các đại biểu Quốc hội giúp Chính phủ trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin cho người dân tại các khu vực bầu cử của mình biết, hiểu, thay đổi tư tưởng, hợp tác trong việc tiêm vaccine để sống chung an toàn với dịch Covid-19.

Về phục hồi kinh tế trong tình hình dịch Covid-19, Chính phủ Lào đã giao Ban Chuyên trách Covid-19 về lĩnh vực kinh tế tập trung vào việc nghiên cứu và xác định 5 chính sách nhằm phục hồi kinh tế, giải quyết những tác động ảnh hưởng khác. Trong đó, về chính sách nới lỏng tài chính, Ban Chuyên trách đã nghiên cứu, giám sát việc miễn thuế - phí nhập khẩu hàng hóa thiết yếu; về chính sách tiền tệ, Ban Chuyên trách đã nghiên cứu chính sách cắt giảm thanh toán nợ của ngân hàng thương mại, trung tâm tài chính và các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại; về chính sách và biện pháp quản lý giá cả, cung ứng và lưu thông hàng hóa, Ban Chuyên trách đã theo dõi di biến động của giá cả hàng hóa và nghiêm cấm đầu cơ hàng hóa; về chính sách khuyến khích sản xuất và du lịch, Ban Chuyên trách đã có chính sách khuyến khích tăng cường sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu hàng hóa theo các hợp đồng đã ký kết; về du lịch, đã tổ chức kế hoạch thí điểm tiếp nhận du khách nước ngoài (Hàn Quốc) đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 sang Lào nghỉ và chơi golf; về chính sách đối với xã hội và người dân: hỗ trợ người bị ảnh hưởng, giảm giá điện, nước sạch, internet.

Ngoài ra, Chính phủ Lào đã tập trung khuyến khích đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển các khu vực dọc theo đường sắt, đặc khu kinh tế, khu Logistics, sản xuất nông nghiệp thành hàng hóa có trọng điểm hơn như có các dự án cấp quốc gia, cấp địa phương và nhóm sản xuất của người dân.

Đối với kế hoạch trong tâm trong 2 tháng cuối năm 2021, Chính phủ Lào tiếp tục nghiên cứu và xác định chính sách khuyến khích, nới lỏng, hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn để thúc đẩy sản xuất trong nước và hộ gia đình bị tác động ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Chính phủ Lào sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách đi kèm với việc khuyến khích các cơ sở kinh doanh, sản xuất của người dân được cải thiện hơn.

Ngoài ra, Chính phủ Lào cũng tiếp tục phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội cho vững mạnh, mở rộng quản lý bảo hiểm xã hội đối với các cơ sở kinh doanh và hoàn thành chi trả tiền hỗ trợ ngắn hạn cho lao động, đồng thời tăng cường các biện pháp hỗ trợ người nghèo, khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho các ngành nghề kinh tế cũng như trong xã hội.

Trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục bùng phát tại Lào, Chính phủ Lào sẽ tiếp tục tập trung chuẩn bị sẵn sàng như kiểm tra lại các kế hoạch, dự án, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục để có thể tiến hành mở cửa dạy học bình thường và học trực tuyến; với các hoạt động cộng đồng, du lịch; nỗ lực để các hoạt động diễn ra phù hợp với điều kiện “bình thường mới”.

Chính phủ Lào coi việc giải quyết vấn đề thất nghiệp, lao động Lào trở về từ nước ngoài là vấn đề quan trọng bởi vì kết quả giải quyết các vấn đề này gắn liền với đời sống của người dân và ổn định xã hội, do đó, đây là công việc mà các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải quan tâm, giải quyết.