Theo các chuyên gia môi trường đánh giá, khai thác than là hoạt động sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Do đó, nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của TKV là ưu tiên nguồn lực lớn cho công tác cải tạo, phục hồi, bảo vệ môi trường.
Thách thức trong xử lý chất thải mỏ
Một trong những thách thức lớn hiện nay của TKV trong hoạt động khai thác than là xử lý đất đá thải mỏ. Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm, TKV đổ thải khoảng 150 đến 180 triệu mét khối đất đá thải. Các bãi thải mỏ hiện nằm rải rác tại ba vùng Cẩm Phả, Hạ Long và Uông Bí-Ðông Triều. Việc tăng sản lượng khai thác than trong những năm qua cũng đồng nghĩa với sản lượng đất đá thải tăng theo. Chỉ tính riêng trong năm 2021, TKV đã đổ thải 177 triệu mét khối đất đá thải, trong đó tại vùng Quảng Ninh lượng đổ thải là hơn 153 triệu mét khối đất đá, chiếm hơn 86% sản lượng của toàn Tập đoàn.
Ðể bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng bãi thải mỏ đến môi trường chung quanh, các đơn vị của TKV đều tuân thủ đổ thải theo đúng quy định, thiết kế, phạm vi ranh giới đã được phê duyệt; đồng thời, tăng cường đổ thải phân tầng thấp theo trình tự từ dưới lên nhằm ổn định địa chất bãi thải, hạn chế tình trạng sạt lở sườn tầng, giảm bụi phát tán.
Ðặc biệt hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, TKV đang tái sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng các dự án, góp phần giảm áp lực độ cao, bảo đảm an toàn cho các bãi thải. Bên cạnh đó, TKV tiếp tục đầu tư nhiều chủng loại ô-tô chở đất, đá có tải trọng đến 130 tấn; khai thông các mỏ lộ thiên tạo ra những khai trường lớn và từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá, để giảm giá thành, chi phí sản xuất và tăng cường bảo vệ môi trường; tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và đồng bộ thiết bị công suất lớn trong khai thác hầm lò, góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên.
Năm 2021, ngành than đã chi 1.160 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường, riêng vùng Quảng Ninh là 1.076 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, nhiều dự án, công trình môi trường được đầu tư đưa vào hoạt động phục vụ hiệu quả bảo vệ môi trường bền vững. Ðiểm nhấn là ngành Than đã đầu tư nâng công suất năm trạm xử lý nước thải mỏ tại Mông Dương, Núi Nhện, Ðồng Vông, Núi Hồng, Mạo Khê, nâng tổng số trạm xử lý nước thải phục vụ trong hoạt động sản xuất than của toàn Tập đoàn lên 50 trạm; Tổng lượng nước thải mỏ đã qua xử lý trong năm 2021 đạt hơn 141 triệu mét khối và đều được xử lý bảo đảm quy chuẩn môi trường trước khi xả thải.
Ðiểm đáng chú ý là tất cả các trạm xử lý nước thải mỏ đều lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, kết nối thông số kỹ thuật, giám sát tự động vấn đề xử lý chất thải. TKV đã quan tâm đầu tư hệ thống phun sương cao áp để hạn chế bụi phát tán từ khai trường, khu vực đổ thải, bến bãi sàng tuyển than. Ðến nay, toàn Tập đoàn có 101 máy phun sương cao áp lắp đặt tại các vị trí có nguy cơ bụi phát tán cao. Tập đoàn cũng đã đầu tư hơn 253 tỷ đồng cho gần 40 công trình cải thiện môi trường, cảnh quan mặt bằng các khu sản xuất...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh Phạm Văn Cường cho biết, những năm qua công tác bảo vệ môi trường đã được ngành than quan tâm đầu tư từ việc chuyên môn hóa xử lý nước thải, chất thải nguy hại đến việc đẩy mạnh việc trồng cây phủ xanh các bãi thải tại vùng Quảng Ninh. Ðiều này đã được các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Ninh và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Thực hiện "xanh hóa" mỏ
Ðể "xanh hóa" hoạt động sản xuất than, TKV đã dành nguồn lực lớn đầu tư các dây chuyền hiện đại, nâng cao hiệu quả khai thác than hầm lò; đầu tư hệ thống lò chợ cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất khác nhau. Ðối với các mỏ lộ thiên, TKV cam kết thực hiện đúng lộ trình kết thúc khai thác đối với các dự án tại Hạ Long và Cẩm Phả. Ðồng thời, tiếp tục nghiên cứu khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng, đem lại "lợi ích kép", giúp giảm áp lực và chống sạt lở các bãi thải.
Ðến nay, tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường tại Quảng Ninh hơn 1.200 ha. Dự kiến đến năm 2025, mỗi năm, Tập đoàn sẽ phủ xanh thêm 1.000 ha và sẽ kết thúc đổ thải các bãi đổ thải ngoài có hướng về các khu đô thị và quốc lộ 18A để trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường, góp phần cùng tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế từ "nâu" sang "xanh".
Tổng Giám đốc TKV Ðặng Thanh Hải cho biết: Tập đoàn tiếp tục thực hiện các cam kết về môi trường với địa phương và dành các nguồn lực cho công tác bảo vệ, trồng cây cải tạo hoàn nguyên môi trường. TKV tập trung triển khai các phương án đối phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục đổi mới công nghệ sản xuất, thân thiện với môi trường.
Theo đó, các đơn vị trong Tập đoàn thường xuyên duy trì tốt công tác bảo vệ môi trường, tập trung xử lý các vấn đề về chống bụi, độ ồn, rác thải công nghiệp, khai thác tối đa chuỗi giá trị gia tăng, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đầu tư mở rộng nâng công suất sáu trạm xử lý nước thải mỏ và kết hợp triển khai nghiên cứu thực hiện công tác tái chế nước thải mỏ thành nước sinh hoạt, nâng cao chuỗi giá trị khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Ðồng thời, tiếp tục thu hồi đất đá thải sau khai thác tại các mỏ than và tro xỉ nhà máy nhiệt điện phục vụ làm vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng. Năm 2022, TKV đặt mục tiêu phấn đấu trồng một triệu cây xanh và cải tạo phục hồi môi trường hơn 210 ha; xử lý 156 triệu mét khối nước thải mỏ; tiếp tục đầu tư nâng công suất năm trạm xử lý nước thải mỏ; đẩy nhanh tiến độ thi công một số dự án môi trường trọng điểm, tiếp tục khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác trước đây để lại và xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh, từng bước nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan các khu vực có hoạt động sản xuất và các khu vực dân cư, đô thị lân cận theo tiêu chí môi trường sáng-xanh-sạch.
Với những giải pháp phù hợp và nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng xanh, TKV tiếp tục xây dựng mô hình "mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao" và thực hiện mục tiêu "đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy". Chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, nâng cao năng lực sản xuất phát triển hài hòa với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững của ngành công nghiệp khai khoáng và đáp ứng yêu cầu, mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh Quảng Ninh.