Chiếc lược sừng trâu

Duyên đến Pu San Sa vào một ngày đầu năm, ngang qua những triền núi chìm trong mưa phùn ẩm lạnh. Bản Tà Co nằm cách xa thị trấn hơn nửa ngày đường với mươi nóc nhà rải rác dọc theo thung lũng, hai bên lối đi mọc đầy cây mận rừng, hoa nở từng cánh trắng mỏng manh. Không khí mùa xuân còn vương lại trong tiếng sáo cất lên đâu đó phía sau ngọn đồi, chiếc đu quay đung đưa trong gió và những tấm vải nhà ai vừa giặt phơi trên bờ rào, óng ánh muôn màu sặc sỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Chiếc lược sừng trâu

Người phụ nữ chủ nhà còn khá trẻ, mái tóc dài mượt như rêu suối búi gọn lại phía sau. Duyên nhìn thấy chị khi tình cờ lướt qua một đoạn phóng sự ngắn được chiếu trên truyền hình vào dịp cuối tuần. Đó là một buổi tối buồn tẻ như rất nhiều buổi tối khác, Tùng nhắn tin báo bận tiếp đối tác nên về trễ, Duyên tan tầm muộn, mệt mỏi không muốn nấu nướng gì. Cô mở suất cơm hộp nhạt nhẽo để trên bàn, vừa ăn vừa lơ đãng lướt qua muôn vàn tin tức từ mạng xã hội liên tục đổ xuống như thác. Đúng vào khoảnh khắc vừa ngẩng đầu lên khỏi điện thoại, một đoạn nhạc trong trẻo từ chiếc ti-vi màn hình lớn bất chợt ngân lên thu hút sự chú ý của Duyên. Ở đó, người ta đang kể về ngôi làng nhỏ phủ đầy hoa mận, những đứa trẻ líu ríu chuyền tay nhau viên sỏi bảy màu, một người phụ nữ chải tóc bên khung cửa sổ, đôi mắt nhung huyền hướng về phía xa xăm.

Trên tay người đó có một chiếc lược sừng nâu sẫm.

Duyên nhớ mình từng có một chiếc lược giống y như thế. Hình như đã lâu lắm rồi, từ thuở cô còn con gái, mái tóc dài và đen bóng như đêm. Suốt buổi tối hôm đó, Duyên loay hoay lần tìm trong từng ngăn kéo của ký ức, cố nhớ xem mình đã bỏ quên chiếc lược bé nhỏ ấy ở quãng nào trong đời. Kỷ niệm vụn vỡ chồng xếp lên nhau khiến trái tim cô thắt lại vì khó thở. Cho đến tận quá nửa đêm, lúc Tùng về nhà, anh không giấu được vẻ ngạc nhiên khi thấy vợ vẫn còn đang thức:

- Sao em chưa đi ngủ, anh đã dặn không phải chờ rồi mà.

Duyên luồn tay vào mái tóc của mình, lắng nghe những sợi ngắn, sợi dài thong thả chảy qua tay:

- Em không chờ anh. Em đang tìm một thứ.

***

Buổi sáng ở Pu San Sa mù mịt sương bay. Con gà trống nhà ai cất lên tiếng gáy lục cục trong cổ, tưởng chừng như âm thanh bị cái lạnh vít lấy nửa chừng. Người phụ nữ chủ nhà đang nhóm bếp để đun nước nóng, ngọn lửa bùng lên soi bóng chị in trên tấm vách gỗ. Duyên chợt nhớ những ban mai lúc còn thơ bé, khi cô sống cùng cha mẹ và các anh trai trong một ngôi nhà nhỏ trên rẻo cao. Xứ ấy dù sang xuân trời vẫn rét lạ lùng. Mẹ luôn là người dậy sớm đun một nồi gang lớn để cả nhà thức dậy có nước ấm rửa mặt mũi, chân tay. Riêng với cô con út bé bỏng là Duyên, sau khi lau mặt xong, bao giờ mẹ cũng dịu dàng bảo:

- Chải tóc đi con.

Mái tóc của Duyên được mẹ chăm chút cẩn thận nên rất mềm và dày, lúc nào cũng thơm ngát mùi hương nhu, lá chanh, lá sả. Dù vội vàng đến mấy, mẹ cũng chưa bao giờ để Duyên tóc tai bù xù hay buộc túm cẩu thả mà đến trường. Ban đầu, Duyên rất chán khi phải ngồi yên trên chiếc ghế gỗ chờ mẹ chải tóc, trong khi chúng bạn xách cặp í ới gọi nhau bên ngoài hàng rào. Nhưng rồi dần dần, mọi thứ trở thành thói quen. Duyên thích cảm giác vừa đưa lược lướt qua từng mớ tóc vừa nghe mẹ thủ thỉ dặn dò.

Chiếc lược của mẹ Duyên là lược sừng đã lên nước bóng loáng, trên thân chạm trổ những đường hoa văn lượn sóng thanh thoát. Mẹ kể thuở xa xưa, có một nàng công chúa theo cha về tuần thú miền biên ải này, do không quen thủy thổ nên chẳng may ngã bệnh, thái y chạy chữa mãi không khỏi. Cụ cố ngoại mấy đời của mẹ, lúc đó là thầy lang nổi tiếng trong vùng, liền được vời đến kê đơn. Một thời gian ngắn sau, công chúa hồi phục sức khỏe, trước khi về kinh đô, nàng cho gọi người thầy thuốc già đến, ban tặng nhiều vật phẩm để cảm ơn. Trong những thứ quý giá đó, có một chiếc lược sừng tuyệt đẹp, về sau được cụ cố dùng làm của hồi môn cho con gái mang theo khi xuất giá.

- Vậy là công chúa cũng chải tóc bằng lược sừng trâu hả mẹ?-Duyên tò mò hỏi.

Mẹ Duyên khẽ mỉm cười gật đầu, ánh mắt sáng lấp lánh như có ngọn lửa nhỏ. Ngày mẹ đi lấy chồng, bà ngoại cũng đặt vào tay mẹ chiếc lược sừng trâu. Đến lượt Duyên, mẹ cũng làm như vậy. Mỗi khi đi qua những buồn vui sóng gió trong đời, Duyên lại nghe thấy lời mẹ dịu dàng: Chải tóc đi con.

Tiếng nước reo trên bếp kéo Duyên rời khỏi dòng ký ức xa xôi. Người phụ nữ chủ nhà cẩn thận múc từng gáo nước pha vào chiếc chậu đồng, giặt khăn rửa mặt cho hai đứa trẻ lít nhít đang ngồi chờ bên cạnh. Mặc áo ấm cho các con xong xuôi, quay sang đứa bé gái nhỏ nhất, chị dịu dàng bảo:

- Chải tóc đi con.

Duyên nhìn đứa trẻ cầm chiếc lược lên tay luồn qua suối tóc, tự nhiên thấy dâng lên một nỗi niềm tiếc nhớ xa xôi.

***

Sau khi kết hôn, Duyên đã thôi để tóc dài bởi mái tóc ấy khiến cô thấy vướng víu mỗi khi gần gũi chồng. Hồi đó ít ra họ còn có nhiều thời gian dành cho nhau, còn sau này, hầu như tối nào về nhà, Tùng chỉ kịp hỏi han vài câu chiếu lệ rồi lăn ra ngủ, lấy cớ quá mệt vì áp lực công việc cơ quan. Duyên cũng bận rộn triền miên với các dự án nối tiếp nhau nên nhiều đêm thức trắng bên phòng làm việc, nếp nhăn đằng sau đuôi mắt càng lúc càng hằn thành vệt sâu hơn, mái tóc thiếu sức sống, trở nên xơ xác. Sáng ra, hai vợ chồng đều vội vã, Duyên trang điểm qua loa rồi xịt lên tóc mớ dưỡng chất giữ nếp để kịp đi làm. Chiếc lược sừng bỏ quên ở góc nào, không còn dùng tới nữa.

Lần này, khi nghe Duyên rủ cắt phép từ đầu năm để đi nghỉ một tuần ở Pu San Sa, ban đầu, Tùng có đôi chút ngạc nhiên. Duyên nói chừng này, hoa mận có lẽ đã tàn rồi nhưng trời vẫn còn rét ngọt, biết đâu còn sót lại vài bông nở muộn cuối mùa.

- Anh có thể đi cùng em không? - Duyên nhìn chồng với vẻ chờ đợi.

Đã lâu lắm rồi Duyên mới bứt ra khỏi mớ công việc bận rộn để đi đâu đó thật xa, thế nhưng Tùng lại có một hội nghị quan trọng cần chuẩn bị. Cuối cùng anh đành để cô lên đường một mình. Pu San Sa ở sâu trong thung lũng núi, sóng điện thoại chưa phủ đến nơi, thỉnh thoảng, Duyên mới ra ngoài trung tâm để liên lạc với chồng. Cô gửi cho anh ảnh chụp đứa trẻ đang chơi trước hiên nhà phủ đầy hoa mận.

Những đứa trẻ con ở đây nhanh chóng thân thiết với Duyên, chỉ có đứa bé gái nhỏ là vẫn giữ vẻ lặng im xa cách. Duyên không dám hỏi gì thêm người phụ nữ chủ nhà về hoàn cảnh riêng của chị. Nhưng nhìn căn nhà ba mẹ con không có dấu vết nào cho thấy từng có bóng dáng đàn ông, Duyên nghĩ có lẽ, người đó đã rời đi từ lâu lắm.

- Cô đến từ đâu?-một đứa trẻ chạm vào chiếc vòng lấp lánh trên tay Duyên rồi hỏi.

Duyên khẽ mỉm cười:

- Chỗ cô ở xa lắm. Phải đi qua mấy quả núi, mấy dòng sông mới tới được cơ.

- Ở đó có gì thế ạ?

Duyên định kể cho lũ trẻ nghe một vài điều về thành phố nhưng bất chợt nhận ra, tất cả những thứ thuộc về cô bỗng trở nên quá nhạt nhẽo, nghèo nàn. Làm sao có thể so sánh vạt cỏ trong công viên được chăm tưới kỹ càng với những triền xanh bát ngát nơi đây. Mấy con ngựa gỗ sơn màu nơi sân chơi trẻ em thật bé nhỏ so với chiếc đu quay khổng lồ được dựng trên đỉnh đồi đầy gió. Duyên nhìn vào bàn tay trắng xanh của mình đã phai đi màu nắng thuở ấu thơ, tự nhiên thấy giọng chùng xuống:

- Có nhiều thứ lắm nhưng không thể nào đẹp bằng chỗ này đâu.

***

Ngày Duyên lấy chồng về thành phố, mẹ chải tóc cho Duyên lâu thật là lâu. Đó là lần cuối cùng Duyên được mẹ chải tóc bằng chiếc lược gỗ sừng trâu cũ kỹ mang theo về nhà chồng từ hồi con gái. Thời gian mẹ ốm, phải nằm một chỗ, Duyên đang công tác ở nước ngoài. Sau này, cô cứ băn khoăn tự hỏi, không biết những ngày đó có ai chải tóc cho mẹ không. Tóc mẹ Duyên dài và đen óng ánh. Tới lúc mẹ nhắm mắt rồi, mái tóc dài nặng được cha cuộn lại như chiếc gối phía sau. Cha kể, phút cuối, mẹ nói không cần mang theo gì ngoài một chiếc lược nhỏ.

Người phụ nữ chủ căn nhà nơi Duyên ở lại cũng có mái tóc đen dày như thế. Mỗi sáng thức dậy, thấy chị chải tóc cho mình rồi chải tóc cho con, tự nhiên Duyên thấy lòng êm đềm đến lạ.

- Chồng tôi bỏ đi với người ta qua biên giới từ lâu rồi - người phụ nữ kể cho Duyên vào một lần vừa chải tóc xong, bên ngoài trời đổ mưa buồn thật là buồn - Hai đứa trẻ này không phải con đẻ của tôi đâu, chúng là con anh ấy với người vợ sau đấy. Cũng tại tôi không có con nên anh ấy chán, đi tìm người khác. Sau này, hai vợ chồng họ bỏ lại con cho ông bà nội già yếu rồi cùng nhau đi biệt, thấy lũ trẻ bơ vơ, thương lắm, nên tôi xin mang về nuôi.

- Một mình chị như thế này vất vả quá.

Người phụ nữ bỏ thêm một gộc củi vào bếp lửa, ánh mắt nhìn về phía hai đứa trẻ say ngủ trên giường:

- Ban đầu, bọn trẻ cũng không chịu đâu, nhất là con bé út ấy. Nó cứ lẳng lặng chả nói gì. Thế rồi một lần, tôi tỉ mẩn chải tóc cho nó xong, nó tự nhiên buột miệng gọi tôi là mẹ. Lúc đó, tôi cảm động quá, nước mắt cứ thế chảy ra.

Hai đứa trẻ trở dậy líu ríu gọi mẹ. Duyên khoác áo, bước ra ngoài. Bên kia đồi, trời bắt đầu hửng dần lên, bầy chim sẻ chuyền cành qua những cây mận già rải rác vài bông hoa nở muộn. Hôm qua, Duyên gọi điện cho chồng, thấy anh bảo hội nghị kết thúc sớm hơn dự kiến nên sẽ lên Pu San Sa với cô vài ngày. Anh muốn cùng Duyên ngắm lũ trẻ chơi trước hiên nhà có cây mận trắng.

Duyên luồn tay vào mái tóc của mình, lắng nghe những sợi ngắn, sợi dài thong thả chảy qua tay.