Như những mầm cây

Chuyến xe khách cuối ngày xình xịch lao vào chiều chạng vạng, nhả lại một luồng khói xám. Thư kéo va-li dừng lại trước cổng bệnh viện. Lọc xọc, đơn độc. Bệnh viện phố núi lọt thỏm giữa một vùng ngàn ngạt xanh. Mấy dãy nhà cũ kỹ, tường vôi tróc lở, mầu ve vàng sậm không thể khiến không gian ấm lên chút nào, ngược lại càng thêm vẻ thê lương. Chiều xuống sầm sập. Ngày cuối tuần nên mọi thứ dường như co mình lại trong không gian heo hắt.
0:00 / 0:00
0:00
Như những mầm cây

Thư nhấn máy gọi chị Thanh. Tình cờ quen nhau trong một lớp tập huấn cách đây hơn năm, hai chị em quý mến nhau nên thường hay nhắn tin qua lại. Khi Thư bảo muốn xin về học việc ở bệnh viện của chị, chị còn ngỡ Thư nói đùa. Nhưng nghe cô rỉ rả tâm sự, chị nhỏ nhẹ: "Em cứ về đây làm hợp đồng một thời gian với các chị rồi tính tiếp nhé!".

Chị dẫn Thư đến căn phòng cuối cùng của khoa Ngoại. Đây là phòng chờ dành cho khách, cũng là phòng nghỉ của nhân viên liền ca mà nhà ở xa. Mở cửa phòng, mùi cồn sát khuẩn vẩn cả mùi ẩm mốc xộc lên khiến mắt mũi Thư cay xè. Chị Thanh đưa cho cô chiếc chìa khóa, dặn dò cẩn thận rồi tất tả đi vì có điện thoại của trưởng khoa. Đặt chiếc va-li vào góc phòng, Thư ngồi xuống chiếc ghế lạnh ngắt gọi điện thoại về cho mẹ, vừa nói được hai câu đã bật khóc rưng rức. Mẹ cô, người đàn bà có khả năng lớn nhất là phục tùng chồng, nghe điện thoại của con mà phải cố nén nỗi thương vào lồng ngực.

Khi Thư cầm tấm bằng đại học về báo cáo với bố mẹ, bố Thư điềm nhiên bảo: "Tuổi trẻ là phải dấn thân xông pha, học hỏi kinh nghiệm của nghề và của đời rồi tự chọn cho mình chỗ đứng phù hợp". Thư giận dỗi bỏ cơm, thực ra cô không yếu đuối đến mức cứ phải dựa dẫm mãi vào bố mẹ, nhưng cô đang ở tình cảnh chông chênh nhất. Suốt cả tuần sau đó bà mẹ tội nghiệp hết khóc lóc ỉ ôi năn nỉ chồng, đến ngọt nhạt khuyên nhủ con gái mà vẫn chỉ nhận được câu trả lời gằn giọng từ người đàn ông gia trưởng: "Nếu nó nghe tôi theo học ngành kế toán thì giờ ung dung vào công ty. Đằng này cứ nằng nặc đòi học y. Tất cả là do bà chiều con quá. Giờ cứ để nó đến bất kì nơi nào nó muốn, bao giờ nếm trải được sự đời tất sẽ ngộ ra". Bà mẹ gào lên: "Nó là con gái, tại sao ông lại muốn con mình phải đánh đổi tuổi xuân để lấy kinh nghiệm sống?".

Thư lẳng lặng bỏ vào phòng và nhắn tin cho chị Thanh. Cô ở nhà thêm vài ngày, hẹn hò đám bạn thân một buổi rồi lụi cụi đi, hiểu rằng, từ đây mình cần biết tự chịu trách nhiệm về cuộc sống.

Đêm đầu tiên ở phòng trực bệnh viện, Thư thấu hiểu một điều: Sự cô đơn còn đáng sợ hơn cả cái chết. Đã mấy lần chứng kiến những cái chết đau đớn, cô thoáng co người lại, thấy xa xót bối rối trước những tiếng khóc thảm thiết của người nhà bệnh nhân. Bạn bè cô vẫn bảo: Sự lạnh lùng cần thiết sẽ làm nên bản lĩnh nghề nghiệp. Nhưng Thư nghĩ, chính sự ấm áp của trái tim mới nuôi dưỡng tình yêu nghề. Khi Thư chọn học điều dưỡng, cả nhà cô đều ngạc nhiên, nhất là mẹ. Một đứa con gái nhút nhát như Thư lại muốn theo ngành y, hằng ngày đối mặt máu me, đau đớn, thương vong. Tất cả là vì Phong, mối tình đầu của Thư. Cả hai quyết tâm thi đậu Đại học Y. Những tháng ngày sinh viên ăm ắp kỷ niệm. Nhưng trước ngày thi tốt nghiệp ba tháng, một tai nạn bất ngờ đã cướp Phong khỏi những dự định tươi đẹp của hai đứa. Thư tự hứa với lòng mình sẽ sống thay cả phần của Phong để lại…

Đêm đặc quánh. Tiếng côn trùng gọi bạn tình cứ rỉ rả khắc khoải như cứa vào đêm. Thư thao thức trở mình, lần xem từng tấm ảnh trong điện thoại. Nụ cười ấm áp hồn hậu của Phong lại như bào vào tim cô, nhoi nhói, xa xót, quặn thắt nhưng cũng mơn man ấm áp khích lệ. Cô chìm trong cơn mộng mị chập chờn. Trong giấc mơ, cô thấy Phong cầm tay mình dạo chơi dưới một vòm trời lấp lánh những tia pháo hoa rực rỡ. Tỉnh dậy, mắt cô mọng nước. Trời tang tảng sáng. Không khí ẩm ướt và lành lạnh. Thư tự nhủ mình sẽ phải bắt đầu một ngày mới bằng một việc làm cụ thể chứ không phải bằng nỗi cô đơn.

Chị Thanh gõ cửa và đưa cho cô gói xôi bọc trong lá sen già. Chị bảo: Hôm nay chủ nhật, em chưa phải đến khoa đâu, ăn nhanh rồi đi với chị. Em có mua bánh kẹo như chị dặn không vậy? Không phải để ra mắt khoa đâu mà để mang tới chỗ này…

Thư xách túi bánh kẹo lấp xấp đi theo chị Thanh vòng ra phía sau khoa. Bước qua cánh cửa hẹp của bức tường mốc thếch, không gian đột nhiên vắng lặng đến rờn rợn. Những bước chân thập thững trên con đường trải đá lạo xạo, một chút hồi hộp, cả một chút lo lắng vẩn vơ. Thi thoảng có vạt gió lay động vòm nhãn cổ thụ xanh rì, vài hạt sương rơi xuống má Thư, lành lạnh.

Hai chị em dừng lại trước một dãy nhà cấp bốn cũ hoen. Trên khoảnh sân khá rộng, vài chiếc đu quay đã bạc mầu, bức tường vàng nhạt được trang trí bằng những hình vẽ hoa lá muông thú, những vệt mầu đã có viền tróc lở. Ngồi xuống chiếc ghế đá nhẵn thín dưới gốc cây nhãn góc sân, chị Thanh kể: Cách đây hơn chục năm, khu nhà này từng được sử dụng như nhà đại thể của bệnh viện, nhưng công năng ấy rất ít khi được dùng đến. Và tất cả đã thay đổi bắt đầu từ việc chỉ trong vòng hơn nửa tháng mà có tới hai trẻ sơ sinh bị bỏ lại bệnh viện. Hồi ấy thủ tục hành chính còn phức tạp, dân trong vùng đa phần thuần nông nên chẳng ai có ý muốn nhận nuôi. Các cô y tá điều dưỡng của khoa Nhi và khoa Sản thay nhau nuôi hai đứa nhỏ bằng những giọt sữa non của các sản phụ, gửi người nhà họ trông đỡ đến khi họ xuất viện. Ban giám đốc họp bàn định đưa chúng về làng trẻ S.O.S dưới thành phố. Nhưng việc đó cũng cần có thời gian hoàn tất các thủ tục mới có thể tiến hành thì tình cờ có một đoàn sinh viên tình nguyện của trường Cao đẳng Y tế cộng đồng về thực tập, đề xuất với Ban giám đốc bệnh viện xin được cải tạo khu nhà này thành nơi tập trung nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi, trẻ em tật nguyền hay những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ trong vùng. Ban đầu nhiều cán bộ phản đối, đưa ra đủ lý do từ thiếu thốn cơ sở vật chất đến mỏng nhân lực, thậm chí cả lý do tâm linh nữa. Nghe đoàn sinh viên trình bày kế hoạch với những phương án khả dĩ, thuyết phục, giám đốc đã họp bàn với công đoàn và các trưởng khoa. Và khu nhà vắng vẻ đã trở thành một trung tâm bảo trợ xã hội thu nhỏ, bắt đầu xao động bởi tiếng cười nói của trẻ nhỏ. Các khoa cắt cử các nữ điều dưỡng, y tá luân phiên chăm sóc các con. Thi thoảng các bạn trong đoàn trở lại trao quà thiện nguyện, hỗ trợ bệnh viện chăm sóc bọn nhỏ.

Giờ thì trung tâm bảo trợ xã hội nhỏ bé nhộn nhịp mười tám đứa lớn nhỏ. Một nửa trong số đó là những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc mới chào đời vì những lỡ lầm bồng bột của tuổi trẻ. Thôi thì dù sao chúng cũng còn có cơ duyên được làm người, chứ nhiều sinh linh bị tước quyền làm người từ khi mới tượng hình, hoặc có khi được sinh đủ ngày tháng mà vẫn bị bọc trong túi ni-lông ném vào đống rác. Đến khi được phát hiện thì thân thể đã tím đen. Chẳng hiểu những người mẹ ấy có bị lương tâm dày vò cắn dứt không em nhỉ? Hồi đầu gặp những chuyện này, chị thấy bức xúc và ám ảnh lắm, sau rồi quen dần, chẳng hiểu vì chai lì cảm xúc hay cố gắng động viên mình nên hy vọng về những gì còn được coi là "sự sống". Có mấy cháu bị dị tật bẩm sinh, cũng vì hoàn cảnh cơ cực mà cha mẹ phải đưa vào đây, thời gian đầu còn đến thăm con, sau rồi cũng mất hút.

Cánh cửa mầu xanh nhạt mở ra. Một bé gái chừng mười tuổi dẫn theo bốn năm đứa nhỏ hơn, trên tay mỗi đứa có một chiếc cốc xanh đỏ, một bàn chải đánh răng và chiếc khăn mặt thổ cẩm. Thoáng nhìn thấy chị Thanh, đứa lớn reo lên: A mẹ Thanh, con tưởng tuần này mẹ không phải trực ạ? Chị Thanh kéo tay Thư tiến lại hồ hởi: Đây là cô Thư, cô mới về đây nhận công tác, hôm nay cô ấy có quà cho các con đấy.

Chị điều dưỡng đi sau dắt theo mấy đứa trẻ lũn cũn như những cây nấm, mỉm cười nhìn Thư: Mẹ Thanh mang đến cho các con một cô tiên xinh đẹp đấy à? Rồi một chị khác đi ra, dìu cậu bé có cái đầu to quá khổ gắn trên một khung người gầy gò, tay kia bế cô bé có khuôn mặt bầu bĩnh như búp bê nhưng đôi chân thì teo tóp lủng lẳng.

Bọn trẻ líu ríu kéo nhau về phía bể nước phía cuối sân. Thư vào phòng đặt túi bánh kẹo lên bàn rồi cùng chị Thanh đi ra phía ấy. Những khuôn mặt ngái ngủ ngơ ngác, những ánh mắt đen láy lấp lánh tia vui, những câu hỏi ngồ ngộ mà thân thương quá đỗi.

Chị Thanh cầm lấy tay Thư: Chị xin lỗi vì đã không kể trước với em về khu nhà đặc biệt với những đứa trẻ đặc biệt này. Chị muốn tất cả cảm xúc của em sẽ đến thật tự nhiên. Ngoài thời gian làm trên khoa, em tranh thủ xuống đây phụ giúp mấy chị chăm sóc các bé nhé. Chị tin một cô gái có trái tim ấm áp như em sẽ đem lại cho các bé những nụ cười.

Nhìn ánh mắt chị Thanh tha thiết tin tưởng, nhìn những đứa trẻ ngây thơ đáng thương kia, Thư bỗng thấy tất cả những tủi thân giận dỗi, những hoang mang, chông chênh, những tính toan bon chen bỗng nhiên tan loãng như màn sương dưới ánh ban mai.

Ở ngoài kia, chỉ cách một bức tường là những căn phòng sực nức mùi cồn, loảng xoảng panh kéo, là nhăn nhó đau đớn, là sự sống chật vật hồi sinh. Còn ở nơi đây, những đứa trẻ sinh ra như một món quà bất đắc dĩ vẫn ngày ngày vui sống hồn nhiên như những mầm cây. Những ánh mắt ngơ ngác ấy đã thắp lên trong Thư niềm vui ngày mới, niềm tin về những điều giản dị mà ăm ắp yêu thương.

Thư nắm chặt tay chị Thanh, mỉm cười. Nắng vừa lên, lấp lóa trên những vòm lá xanh non.