Mắt trong

Chằng đụp xong các loại hoa vào chiếc xe đã mòn cả hai lốp, Thụy quay sang bảo chủ vườn: “Chiều nay về lấy chuyến nữa nhé”.
0:00 / 0:00
0:00
Mắt trong

Hiền mải tưới cho những chậu dạ yến thảo treo trên giá, phải hỏi đến lần thứ hai mới nghe thấy. Dẫu chiếc khẩu trang đeo kín nửa khuôn mặt nhưng Thụy vẫn nhận ra ánh mắt cô đang rất vui. Chủ vườn nào chẳng vui khi vất vả gieo trồng, mỗi lứa hoa đều được bán hết. Hàng làm ra không có người rước đi, hoa vẫn cười đấy, nhưng người thì khóc. Trên đường chở hàng về chợ Cái đổ buôn, Thụy nhẩm tính xe hàng thuận lợi, anh nhận về gần bảy trăm nghìn tiền lãi. Chăm chỉ, chiều anh mang chuyến nữa về rìa thị xã, coi như hôm nay được hơn triệu, hơn nhiều lần sang phố bán rong. Đi qua cống Mộc, làn gió mát rượi thổi ngang vai, những kỷ niệm thời học sinh ùa về. Năm đó, Hiền học lớp chuyên văn còn Thụy chuyên toán. Hiền xinh xắn nên luôn được các bạn nam săn đón. Tuy rất quý cô bạn cùng làng nhưng Thụy chỉ dám đứng từ xa tơ tưởng. Ngôi nhà của mẹ con Hiền khá yên ắng, sâu trong con ngõ nhiều hoa giấy. Người làng chẳng biết bố đẻ cô là ai và vì sao chỉ có hai mẹ con. Thụy càng chẳng tò mò muốn biết điều đó. Sau này, Hiền thi đỗ trường kế toán, Thụy ở lại làng trồng hoa. Mỗi khi cô về nhà, có gặp thì Thụy chỉ dám lân la hỏi vài câu chuyện, mà cứ ngắc ngứ như có gì vướng trong cổ họng. Càng ngày, Hiền càng như đóa hoa xuân buổi sớm mỗi khi về làng. Đám thanh niên làng chỉ biết ngơ ngác, khó chịu khi các anh chàng từ thành phố đánh xe con về đón đi.

Thời gian thấm thoắt trôi. Bố Thụy mất vào năm hoa cúc đồng làng trổ rực rỡ. Nhà đông con, khi mẹ chia đất, Thụy chỉ được một mảnh nhỏ. Để trồng hoa, anh phải thầu đất của hai hộ đi làm ăn xa. Anh cần mẫn làm bạn với đất đai, hoa lá. Hôm Hiền tổ chức đám cưới, đám bạn cùng khóa cấp ba ngày đó về đông đủ. Thụy đến một lúc rồi xin phép về sớm. Anh sợ chạm thêm vào đôi mắt to đen, sâu thẳm của Hiền. Những lời định nói với Hiền, bao năm qua, cứ chực thốt lên, giờ sẽ mãi mãi im lìm trong đáy sâu tâm khảm. Người ta lên xe hoa, xa xứ hoa, còn anh gắn với ruộng vườn, sao mơ mộng đến một đóa hoa rực rỡ nhường ấy.

Hai năm sau Hiền bế con về làng, nương nhờ mẹ, với bên tay trái còn bó bột. Nhà Hiền có trẻ con nên bớt yên ắng hơn. Nghe nói chồng Hiền là kẻ nghiện ngập, cờ bạc, nhiều lần đánh đuổi cô. Lần gần nhất, hắn đánh cô gãy cánh tay trái, rồi đi “bay đêm”. Gã bị bắt vì tàng trữ trái phép chất ma túy. Hiền về nương nhờ, đỡ đần mẹ, ngày đêm làm lụng, nuôi con. Cuộc sống vất vả, nhưng gái một con vẫn mòn con mắt. Đôi mắt của Hiền vẫn to đen và quyến rũ như ngày nào. Chuyện cô gặp trắc trở, về làng làm Thụy nghĩ ngợi. Đúng ra, suýt nữa anh đã nghe lời bố mẹ, cưới đại một cô làng bên rồi. Trong lúc đang lấn cấn thì vỡ ra chuyện của Hiền nên anh gác lại chuyện riêng…

Mùa nào làng cũng xốn xang thương lái về mua bán. Làng chẳng thiếu người như Thụy, thiếu đất thì làm nghề thu gom, buôn hoa, buôn giống. Hoa lan ra chợ, hoa tấp nập về tỉnh, về phố bằng những chiếc xe máy, xe đạp giản dị. Hằng ngày, Thụy ưu tiên lấy hàng của mẹ con Hiền. Mỗi khi ở gần cô, tim Thụy đập thình thịch. Mặt anh còn đỏ bừng khi có người trêu “ngày xưa cô Hiền lấy chú Thụy lại hay”. Thụy sẽ chữa ngượng, rằng cô ấy phải lấy đại gia, chứ để ý gì đến gã buôn hoa…

★★★

Thụy đổ buôn cho một đại lý ngoài thị xã, chuẩn bị về thì vị khách tiến lại. Ông bảo muốn mua số lượng nhiều. Để Thụy biết nhà, tiện mang hàng đến, ông mời anh đến. Ông cần những thứ hoa trang trí khuôn viên, sân vườn và đặt ngoài lán trước cổng để kinh doanh. Thụy thầm nghĩ, mình đang được gặp một vị khách sộp. Anh sẵn sàng cung cấp những loài hoa ông cần. Dựng xe máy, mắt anh như hoa lên. Cổng căn biệt thự được xây dựng cầu kỳ, hoành tráng. Những chậu hoa giấy ngũ sắc bung nở, trổ vào không gian kiệt cùng vẻ rực rỡ. Sao lại có người giàu thế, mà cũng có người thật nghèo? Chủ căn biệt thự khá đẫy đà, hay cười nhưng đôi mắt không giấu được vẻ đờ đẫn. Trong không gian rộn ràng, sắc hoa tươi thắm, Thụy nghĩ, vị khách có cuộc sống đáng ngưỡng mộ. Nhiều người sao mà sướng thế. Thụy hơi tủi cho phận mình, khi bao năm anh làm đẹp cho không gian ngôi nhà, chăm sóc cho nụ cười người khác, còn mình mãi đầu tắt mặt tối. Lần thứ hai mang hoa đến, bắt gặp hai người trẻ, một nam một nữ, béo ục ịch, đầu múp, mắt híp tịt, mỗi người đứng một góc. Thấy anh sững lại, ông Nên, chủ biệt thự bảo: “Tội lỗi của đời tôi đấy”. Thấy vẻ của Thụy ra điều chưa hiểu, ông nói lại: “Hai đứa là con tôi, khổ, tôi bị trừng phạt nên sinh ra những đứa con không được bình thường”.

Thụy thấy nhói ở tim. Anh vừa tự nghĩ, ông có cuộc sống sung túc, đáng ngưỡng mộ. Giờ, ông Nên bảo mình khổ. Cuộc sống thật chẳng biết đâu mà lần. Rồi ông đưa Thụy bước vào câu chuyện đời mình. Ông là con trai dòng họ giàu có nhất vùng, khi sinh ra đã ngậm thìa vàng. Lớn lên, Nên muốn gì được nấy. Thời thanh niên Nên thả phanh ăn chơi, yêu đương, đã làm một người phụ nữ hy vọng rồi rơi vào tuyệt vọng… Bao của nả gia đình đã đội nón ra đi theo những đêm ngày trác táng của “cậu ấm”. Lúc người phụ nữ cần Nên nhất, gã đàn ông bỏ đi.

- Sau này, bệnh tật tấn công tôi, nhưng gia đình tôi vẫn còn chút tiền của - ông Nên nói - Tôi vẫn lấy được vợ, mà gia đình có vai vế hẳn hoi. Nhưng vợ tôi sinh được hai con, thì cả hai đứa mắc bệnh down. Vợ chồng tôi đã cố gắng chạy chữa, nhưng tác dụng không nhiều. Tôi đã cố gắng trồng nhiều hoa…

Mắt ông Nên rơm rớm, trong ngôi nhà mà người bình thường nhìn vào sẽ thấy chủ nhân có cuộc sống sung sướng. Anh ngửa mặt lên trời thầm nghĩ. Đúng là chẳng ai tròn trịa hết, mỗi người đều có một nỗi đau nào đó phải gánh chịu, như cuộc đời đã sắp đặt.

★★★

Con gái Hiền sốt mãi không hạ. Mẹ Hiền sốt ruột nhờ người ra vườn gọi con gái. Lúc này Thụy cùng cô đang chuẩn bị sắp một chuyến hàng.

- Để anh chở Hiền. Hiền ngồi sau bế cháu, chứ gọi xe ô-tô lúc này phải đợi khá lâu. Từ đây xuống bệnh viện huyện cũng gần.

Hiền quýnh quáng rửa tay rồi ào về nhà. Thụy gỡ giá hàng khỏi xe rồi phi sang chở Hiền. Cháu bé được bác sĩ cấp cứu, truyền nước. Con đỡ sốt, Hiền quay ra bảo Thụy về nhưng anh muốn ở lại. Tự nhiên anh thấy thương cô, lòng dâng lên một niềm mến khó tả.

Hôm sau, Hiền bưng sang nhà Thụy một cặp lồng đựng canh cá. Cô bảo:

- Mẹ em nấu, bảo em mang sang biếu anh. Em cảm ơn anh, nếu không có anh…

Thụy gãi đầu. Lúc này sao anh thấy luýnh quýnh quá đỗi. Hiền đi rồi, anh còn đứng lại, ngẩn ngơ nghĩ. Suốt cả vụ hoa, Thụy ưu tiên lấy hàng, không để Hiền phải đi chợ. Mà hàng do ông chủ biệt thự Nên chỉ định mua. Ông bảo, lấy hoa của cô Hiền bán chạy. Các loại dạ yến thảo, phăng, cẩm chướng, đèn lồng… đều ngời sức sống. Chính Thụy còn chẳng nhận ra hoa Hiền trồng thì khác những người khác ở điểm gì, nhưng ông Nên đã ưng thì cứ thế mà làm. Mà ông Nên bán hàng chạy quá. Ba ngày đã hết một chuyến hàng Thụy chở đến. Hỏi khách ở đâu mua, ông Nên cười khềnh khệch, bảo tôi sống chẳng ra gì, nhưng vẫn còn người quý, nên họ mua. Thụy chẳng muốn hỏi sâu chuyện đó. Giờ anh tò mò, vì sao hai người con bị bệnh của ông Nên ngồi vạ vật ngoài cổng, cứ luôn miệng đọc: “Quên quên quên là quyên quyên quyên…”. Người con trai còn có vẻ tăng cân hơn lần đầu Thụy gặp.

Ánh nắng nhẹ nhàng chan trên sân vườn. Những đóa hoa đẹp hơn khi tiếng chim hót líu lo dội lại. Ông Nên pha trà, rót nước mời Thụy. Ông chỉ vào hai đứa con, nén tiếng thở dài:

- Chúng nói luyên thuyên, đến tôi cũng chẳng hiểu gì. Nếu chúng khôn ngoan thì tôi đã có cháu bế rồi.

Trong giây lát, lòng Thụy như đông cứng lại. Anh nhớ lời cha mẹ anh từng bảo: “Mày mà như người ta, chúng tao đã có cháu bế”. Ai đó đã nói, hôn nhân là duyên số. Duyên chưa tới thì ép cũng chẳng được. Đột nhiên, ông Nên bảo muốn nói với Thụy một chuyện hệ trọng. Rằng người phụ nữ ông bỏ rơi, đã có con chính là mẹ của Hiền. Nhiều năm qua ông không có cách nào để cầu xin sự tha thứ. Giờ ông muốn nhờ cháu kết nối? Thụy hỏi. Nhưng ông Nên lắc đầu: “Chắc lẽ, tôi sẽ phải tự làm lấy việc này”. Bây giờ, với những điều đã diễn ra, cả chuyện mua hoa của ông Nên có thể xâu chuỗi được rồi. Ông Nên muốn bù đắp cho Hiền nên đã ưu tiên mua hoa, cho đời cô bớt vất vả. Hôm Hiền hỏi, sao hoa của em bán được giá thế, Thụy đã thấy có gì đó gờn gợn.

Một sáng nọ, ông Nên tìm về nhà Hiền. Không biết bà Yến có tha thứ cho ông không, nhưng lúc trở ra vườn Thụy thấy đôi mắt Hiền vui hơn. Thụy ngẩn ra, trong giây lát. Ông Nên đã tự sửa chữa lỗi lầm, anh nghĩ, còn mình sẽ làm gì khi yêu mà cứ ngắc ngứ mãi. Anh hỏi hoa, hoa còn mải khoe sắc không trả lời. Thụy hỏi cánh chim. Chim mải bay trong chiều gió nhẹ. Rồi anh tự hỏi lòng, đã thật sự muốn, và có làm người ta hạnh phúc không? Quả tim đập gần bốn mươi năm, lúc này sao hồi hộp quá. Thụy bỗng thấy Hiền đẹp hơn cả trong giấc mơ mình. Anh tiến lại, trong khi Hiền vờ quay sang hướng khác.

- Hiền ơi, anh vụng về, nhưng chân chất. Em đồng ý cho anh một cơ hội nhé?

Câu hỏi mộc mạc như hương sắc lên vườn. Mây sà xuống thấp. Nắng nhẹ tưới lên mỗi cánh hoa. Hiền không trả lời, nhưng nụ cười như là tín hiệu, rằng ngôi vườn đang mở cửa, chờ anh.