Những chậu hoa giấy

Kể từ ngày vợ chồng đứa con trai giao khoán hai đứa cháu nội cho ông bà chăm sóc, đưa đón, bà Nhàn không còn có cả chút thời gian soi gương, nhìn lại cái tuổi năm mươi của mình xem nó tàn tạ đến mức nào.
0:00 / 0:00
0:00
Những chậu hoa giấy

Vì thế, nghe ông Dân gọi - Nhàn ơi, có điện thoại, bà từ dưới bếp chạy lên, chống nạnh, xỉa cả đầu đũa về phía mặt chồng mà gào lên - Tôi cấm. Tôi cấm ông từ giờ gọi tôi là Nhàn. Quần quật từ năm giờ sáng đến mười giờ đêm, lợn gà cám bã, hai đứa cháu, bảy sào lúa, tôi còn nhàn với ai hả giời? Nửa đêm cháu quấy khóc, các người nằm im, ông còn đá tôi dậy dỗ cháu cho các con ông ngủ để mai còn đi làm. Tôi còn nhàn hay sao? Từ mai gọi tôi là nhục cho tôi nhờ.

Bà Nhàn gào lên một thôi một hồi mà không biết chồng mình đã bấm nút xanh điện thoại, không biết là ông Quảng, anh trai bà gọi tới, chắc là thông báo về đám giỗ mẹ đẻ của bà. Ông Dân ái ngại nói vào điện thoại: Nhà em đang bận, chốc em gọi bác ạ. Bà Nhàn vội vàng chạy xuống bếp. Mùi đậu phụ rán cháy khét tỏa khắp nhà. Ông Dân không nói gì, vì nói bất cứ lời nào bây giờ cũng là đổ dầu vào lửa. Mà "ngọn lửa" mang tên Nhàn trong nhà ông vốn lúc nào cũng hừng hực ra rồi. Đúng là sai một ly, đi một dặm. Tất cả là tại ông. Khi thằng Thuần, đứa con trai út của ông bà học hết phổ thông. Lực học của con ông thế nào ông biết, dù nó không thể thi đỗ vào nhóm những trường đại học lớn nhưng top những trường loại hai thì hoàn toàn có thể. Nhưng thay vì hướng con học hành, thoát ly nông nghiệp thì ông Dân lại động viên con đi nghĩa vụ quân sự. Ông bảo cứ hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã, sau đó trở về, chín chắn hơn, lúc ấy xác định học nghề gì cũng chắc chắn. Chứ không như làng này, có đứa học sư phạm xong thì bỏ nghề đi buôn, đứa học dược xong thì đi làm may vá, cứ loạn cả lên. Thằng Thuần nghe bố nói thì thấy hợp lý nên đi nghĩa vụ quân sự. Khi trở về, bà Nhàn lục lại chuyện cũ, bảo con nộp hồ sơ xét tuyển đại học thì nó kêu ngại, giờ đi học thì học cùng đàn em. Chần chừ được nửa năm thì nó quen con Hoài vợ nó bây giờ. Thế rồi, chỉ vài tháng sau ngày quen biết là chúng đòi cưới. Bà phản đối cực lực, ông lại vun vào. Ông bảo ai rồi cũng phải lấy vợ, giờ con trai ế đầy, con mình có người yêu là may rồi, không phải kén chọn nữa. Như rắn thêm chân, thằng Thuần được bố hậu thuẫn thì bỏ ngoài tai mọi lời can gián của mẹ. Nó bảo hai chị nó có học đại học đâu mà vẫn ngon lành. Thế là cưới. Đã thế còn đẻ sinh đôi, hai thằng cháu trai. Vui mừng đấy nhưng nhọc nhằn trăm nỗi. Vì còn trẻ nên chúng nó chưa biết cái gì. Con khóc mẹ không biết. Con ốm sốt mẹ không biết. Một tay bà lo liệu hết. Đêm nào cũng nằm cái đệm trải dưới đất trong phòng con dâu. Lúc thì ông cắp một đứa bà cắp một đứa cho mẹ nó nấu cơm, tắm giặt. Khi hai thằng cháu được mười lăm tháng thì mẹ nó cai sữa và đòi đi làm cho thoải mái. Ở nhà bí bách có khi trầm cảm, lại còn không có tiền tiêu. Mà trẻ con bây giờ tiền sữa, bỉm tốn vô chừng. Thế là con Hoài xin nốt vào công ty của thằng Thuần. Hai vợ chồng cùng làm may mặc, khỏi phải ghen tuông tra khảo nhau, khỏi phải tị nạnh nhau. Chúng nó đi từ bảy giờ sáng đến tám giờ tối mới mò về, cơm sẵn, đá ghế, ăn no rồi bế con một lúc xong là lăn ra ngủ. Ngày nào cũng như ngày nào. Bà hao gần yến thịt, ông cũng thế, làng cứ ngỡ ông bà mắc trọng bệnh, giục đi khám. Bà phờ phạc bảo, khám cái gì. Bệnh thiếu ngủ, bệnh lao lực. Vào vụ gặt thì thuê máy gặt rốt ráo hai ngày là xong, nhưng phơi phóng nhặm nhuội khổ chưa từng, hai thằng bé cũng bị nhặm theo bà vì bà cứ mò về đến nhà là chúng bám lấy, chưa kịp tắm rửa gì cả. Ông hai nách hai đứa đứng cổng hóng bà còn hơn cả hạn mong mưa. Nhưng ngày cấy thì bà phải tự cấy, tiền đâu mà thuê? Thuê thì hạt lúa thành đắt quá. Ở đây, người ta cấy năm trăm bạc một sào. Bảy sào thì bằng nửa tháng lương con dâu à? Nên bà cứ túc tắc cấy một mình, bằng nào xong thì xong. Giữa hai vụ lúa là vụ ngô đông. Đất không nghỉ thì người nghỉ làm sao. Bỏ ruộng người ta cười cho chứ. Mỗi lần nhọc quá, bà lại đay nghiến ông. Bố nào con nấy, nứt mắt đã vợ con, làm khổ cha mẹ chưa biết sung sướng ngày nào.

Mấy hôm nay, việc vãn, không có để tăng ca nên chúng về sớm hơn. Bảy giờ đã ở nhà rồi. Nhưng mà cơm bưng nước rót lên tận miệng quen rồi. Về sớm mà không biết đường cho gà lợn ăn, tắm giặt cho con hay cơm nước, tưới rau giúp đỡ bố mẹ. Cứ lóng ngóng đi ra đi vào, cái sân không quét, đồ chơi của con nó bày bừa phứa ra không dọn dẹp. Lại còn nô đùa dồn đuổi nhau nữa chứ. Bà lên tiếng thì thằng chồng thoắt cái chạy tót ra cổng, con vợ dẫn hai đứa con ra theo. Bà ức lắm. Vừa nấu nướng vừa dọn dẹp quần áo vương vãi, đồ chơi ngổn ngang của con nó.

Vừa gắp đậu cháy ra khỏi chảo, bà vừa gào lên. Ông dung dưỡng con ông vừa thôi. Làm khổ tôi đến bao giờ? Không biết đường xúc thóc ra cho nó đi xát à? Mai lấy gì đổ vào nồi hả? Mà tôi nói cho mà biết, mai giỗ mẹ tôi, mình tôi đi, tôi không khiến cái mặt ông sang đấy. Ở nhà mà coi hai báu vật của ông. Ông Dân nghe vợ cắt đặt thế thì vội vàng đi đến cái quây bằng tôn, tháo chốt lấy ra hai bao tải thóc, buộc tử tế xong vần ra hè. Bà Nhàn chạy ra cổng, ngó sang bên kia đường, thấy con dâu dắt hai đứa con đứng ngoài cánh cổng sắt ủy ban mà ngó vào. Cái ủy ban xã để hoang ba năm nay sau ngày sáp nhập ba xã làm một, cỏ mọc lút. Có gì hay hớm mà nhìn vào. Rồi bà chột dạ. Mấy hôm nay, có vẻ như thằng Thuần vượt tường ủy ban cũ, chui vào trong ấy làm gì. Ngu thế không biết, rồi mất gì, người ta gô cổ vào. Bà te tái chạy sang, ngó vào mặt con dâu hỏi - Bố thằng Ti thằng Toe làm gì trong ấy? Con Hoài nhoẻn miệng cười - Anh Thuần tưới hoa mẹ ạ. - Anh mày chứ anh tao à? Sao không trồng hoa ở nhà mà lại trồng hoa ở ủy ban xã? Hoài bảo - Nhà mình có cây hoa nào sống được với cháu bà đâu. Mà hoa này của ủy ban xã chứ không phải hoa của bọn con trồng. - Ô hay, con mày chứ con tao à? Nó còn phá bao nhiêu thứ cốc chén kia kìa, chứ hoa đâu không. Mà hoa của nhà nước, ai mượn chúng mày tưới. - Không tưới thì nó chết mẹ ạ. Bà Nhài đến gần cánh cổng, ngó qua song sắt, thấy thằng con trai đang xách xô nước từ bể nước mưa lên để tưới vào chậu cây hoa giấy. Ừ nhể. Ba chậu hoa giấy sai bông quá, đẹp quá. Sao xã chuyển người, chuyển giấy tờ sổ sách mà người ta không chuyển ba chậu hoa đi nhỉ? Hay người ta quên?

Bà Nhàn cùn cụt đi về. Hoa mấy chả hoét, có mài được ra mà ăn. Từ ngày ủy ban xã rời đi, con đường vắng hẳn. Cái tiệm photo đóng cửa luôn, còn mấy hàng quán nước nôi bún bánh thì ngắc ngoải. Làm gì còn ai đến đó công việc mà ăn uống nước nôi gì nữa. Tuy nhà bà Nhàn không buôn bán gì nhưng xưa giờ, nhà ngay đối diện với cổng ủy ban, đi đâu bà cũng thấy oai lắm. Giờ thì hoang hết cả rồi. Hồi chúng nó mới lấy nhau, cứ chập tối là hai đứa biến mất cả giờ. Bà Nhàn cứ bóng gió - Nhà này có ma thì phải. Nhưng tịnh không thấy biến chuyển gì. Ông Dân nói - Chúng nó vợ chồng trẻ, cần có không gian riêng để trò chuyện tâm sự, bà quản làm gì? Bà Nhàn giãy lên - Ô thế hai đứa nó cả một cái phòng to thế trên tầng hai, không đủ riêng tư à? Sẵn nong sẵn né chỉ có việc sinh con đẻ cái thôi, không phải lo lắng gì. Đâu có khổ như tôi với ông ngày trước hả, cái màn tử tế không có mà giăng. Nhà thì dột nát. - Bà thật là, không gian của tình yêu không phải là căn phòng mấy chục mét vuông. Bà làm sao biết được chúng nó thật sự cần gì. Bà ấy, xưa, mỗi khi căng thẳng chuyện gì đều ra bờ đầm ngồi đến cả canh giờ mới về đấy thôi. Bà Nhàn nhớ lại những lần con Hoài bảo mẹ trông cháu cho con lát rồi chạy đi. Hóa ra là thế. Chúng ra ngoài là để tìm không gian riêng. Và cái không gian ấy là sân nhà ủy ban xã để hoang. Mà Nhà nước đến lạ. Người thì không có nhà cao cửa rộng để ở, mà Nhà nước thì bỏ không tòa ngang dãy dọc. Cứ thế này, chả mấy hỏng hết, cả đống của. Tiếc tiếc là. Người ta qua đường thì không nói làm gì. Như nhà bà, mở cổng bước ra đường, nhìn sang bên kia, thấy cánh cổng sắt khóa im ỉm và han gỉ mỗi ngày, thấy chán lắm. Thi thoảng bà nắm lấy cánh cổng lay lay, lớp sơn trắng bong ra rơi xuống. Những bụi cỏ hoa trắng nở đầy trên những ô đất trồng hoa. Một số bụi râm bụt còn sống thì lặng lẽ nở. Những cây trong chậu nhỏ người ta bê đi, chỉ ba chậu giấy lớn quá không ai bê đi là còn đấy, cứ hồng rực. Giấy mới chả tờ, ai biên gì lên đấy mà gọi là hoa giấy nhỉ? Lúc thì người ta bảo ủy ban sẽ được bán cho doanh nghiệp. Lúc thì bảo sẽ bán cho dân. Tóm lại là bán cho ai cũng được. Chứ để không thế khác nào trong nhà có một gian phòng để không, khóa kỹ, không bao giờ mở ra. Sự hoang vu lạnh lẽo là một thứ phong thủy xấu. Bà cứ nghĩ vẩn vơ thế thôi.

Buổi tối, bà Nhàn hỏi con trai. Mấy năm nay, là chúng bay tưới hoa đấy hả? Thằng Thuần đang sửa đồ chơi cho con nên chỉ vâng một tiếng cụt lủn. Con vợ nó nhanh nhảu. Vâng, đều là bọn con tưới, còn mua phân bỏ cho nó và những cây khác đấy mẹ. Bà Nhàn lườm con dâu. Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Nói thế thôi, nhưng trong lòng bà lại thấy nhẹ nhõm chừng nào. Những nhọc nhoài của một ngày dài cũng như tan biến.