Về may áo lụa

Trăng trải thành thảm vàng, bao phủ cả làng mạc, bãi dâu. Anh hòa mình vào ánh trăng với ngàn ngạt hương dâu, như sợ nay mai vùng Ngàn Hương sẽ bị cày xới.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: Nguyễn Minh
Minh họa: Nguyễn Minh

Bất chợt, Hinh cảm giác như có tiếng ai đó thì thào với mình. Khuya thế này ra đây làm gì, về mà nghỉ, mai hẵng hái lá. Rồi anh bị ánh trăng dẫn dụ vào một vùng huyền ảo như mơ, như thực.

Người ơi người hỡi, kẻ “ăn cơm đứng” là tôi sống với đời tằm, đời lụa, nếu thương nhau thì về kéo sợi, dệt lụa. Sau này có tấm lụa đẹp, ta cùng may áo, đan bện ước mơ yên bình. Hinh quài tay ra hứng cho trăng chảy lên, gió hất vào mặt. Anh chênh chao bước, bất ngờ bị hụt chân làm cơ thể chới với…

Trời khuya khoắt. Sương buông lạnh. Anh tha tấm thân về nhà trong ớn lạnh. Những ngày hái dâu, đầu óc mông lung nhớ trong niềm chênh chao chẳng thể định hình. Yến Chi dứt áo theo gã buôn trong lần về làng lấy hàng, nghe nói gã giàu kinh khủng. Cô là mối tình đầu, nhưng đã để lại một vùng hoang hoải trống vắng cho Hinh. Ước gì gió cứ thổi đều mãi, xoa dịu những nỗi đau và vỗ về bãi dâu vẫn xanh ngắt trong bao mòn mỏi ngóng chờ. Làng ngày càng vắng. Người trẻ rủ nhau lên thành phố tìm việc, có đứa nhảy vào mấy khu công nghiệp sáng chiều nườm nượp xe cộ. Có ông bố bà mẹ đốt nong nia, khung cửi đi làm giúp việc nơi thành phố. Những ngôi nhà ở quê vắng lặng, im ỉm. Ngõ quê buồn, nhớ làng thời thịnh vượng nườm nượp khách mua kén, tơ buộc từng bó chở về xa. Đầu làng có mấy cửa hàng to vật vã bán những tấm lụa được dệt cầu kỳ, tỉ mỉ, nay đã teo tóp lại. Ông Cả Đại có cô con gái giỏi giang, may áo dài nay cũng ra phố lập nghiệp. Làng không còn Yến Chi. Cũng chẳng còn những cô gái chăm làm, dáng cao, dẫu vất vả mà đôi tay cứ nuột nà, má ửng hồng duyên dáng. Ông Cả Đại giờ giữ nghề với vài người làm cho đỡ nhớ chứ chẳng trọng lời lãi. Ngày trẻ ông là bạn thân với bố Hinh. Năm ấy, bố Hinh vào chiến trường, Cả Đại cũng lên đường vào vùng khói lửa ác liệt sau hai năm học mỹ thuật. Bố Hinh hy sinh trước ngày non sông thống nhất. Ông Cả Đại xuất ngũ về quê làm lụa, không học tiếp mỹ thuật nữa.

Mỗi khi Cả Đại thấy lòng chơi vơi, liền gọi Hinh sang trà nước, chuyện trò. Ông đọc được nỗi buồn trong mắt Hinh, một người ôm nỗi buồn ở lại làng, hòa vào thế giới của tằm và công việc bận rộn. Có lúc ông thở dài, bảo: “Biết thế ngày đó, tôi cứ gả con Giang cho cậu”. Ông nói vậy vì không biết tình cảm sâu nặng của Hinh và Yến Chi. Anh tự tiếp trà vào chén mình và ông, để xóa bớt bối rối trong lòng mình. Rồi ông khỏa không khí nặng nề bằng một câu động viên: “Thôi thì, làng vẫn còn vài người như cậu, như tôi. Thế cũng đủ làm lửa nghề âm ỉ cháy”.

Hinh thấy miệng đắng ngắt. Thời buổi công nghệ, mọi thứ đổi thay đến chóng mặt mà lửa chỉ âm ỉ thì ăn thua gì.

Sau tuần trà, Hinh về đến ngã tư làng thì gặp mẹ của Yến Chi. Bà Thuộc mời anh về nhà chơi. “Ông nhà tôi cũng có nhà đấy”. Hinh thưa: “Vâng ạ”. Đằng nào hôm nay lòng dạ cũng nôn nao, anh theo bà. Ông Thân, bà Thuộc quý Hinh. Chuyện anh và cô con gái khiến ông bà âm thầm tiếc nuối. Ông bà cũng chỉ nghe con gái nói mình đi buôn lụa ở phố, nhưng là lụa của những ngôi làng khác. Con gái ông bà đi theo người ta, hạnh phúc đâu chẳng thấy nhưng cả năm chẳng ngó ngàng về nhà…

Hinh cố không để bật ra tiếng thở dài.

Căn phòng hoang hoải. Hinh ngồi lướt mạng trong đêm vắng, anh bỗng giật thót vì thấy một trang facebook trưng bày hàng lụa đính nhãn hiệu Tân Long. Anh tự hỏi: Những mẫu hàng này của làng mình chứ không phải Tân Long. Ai là kẻ treo đầu dê bán thịt chó, trà trộn lụa của làng mình với hàng của ngôi làng đang giàu xổi? Làng chỉ còn mươi hộ làm kén kéo sợi, với vài tấm lòng tâm huyết còn trụ nghề chứ đâu. Cũng chỉ có vài mối về lấy. Lẽ nào chính họ đã mang lụa làng anh, gắn nhãn Tân Long rồi rao bán? Hôm sau, chắp nối thông tin, sau cùng Hinh biết, người đứng sau những thương nhân vẫn về làng cất hàng chính là Yến Chi. Yến Chi xấc xược phản bội làng, buôn bán bất chính mà chắc có lẽ gã đàn ông được gọi là đại gia buôn lụa kia ở phía sau giật dây. Buổi gặp của anh và Yến Chi trở nên sượng sùng quá đỗi. Cô người yêu cũ bỗng trở nên xa lạ, ăn nói sặc mùi thực dụng. Cả chặng đường về nhà, anh vẫn chẳng thể nào hiểu được, vì sao mình đã yêu và tiếc nhớ một con người như thế!?

Ông Cả Đại bàng hoàng khi biết tin này. Cả đời ông và những nghệ nhân chân chất giữ thương hiệu, bám nghề, cốt để một ngày nào đó ngọn lửa bùng lên, ai ngờ chính cô gái trong làng chạy theo lợi nhuận đang vấy bùn vào nền nếp của làng cũng như những kỹ thuật điệu nghệ bao đời truyền lại. Cả làng đóng cửa không tiếp các thương lái cũ. Trưởng họ lại cử Hinh và một thanh niên nữa lên phố tìm hiểu mánh khóe của người ta. Hinh biết, khi trộn hàng của làng anh với những tấm lụa nơi khác người ta sẽ bán được giá cao hơn nhiều lần.

Hinh vừa về thì ông Cả Đại sang tìm, vẻ mặt nghiêm trọng. Ông mời anh và những người giỏi nghề, đã cất khung dệt ra đình làng họp. Ít hôm sau ông và Hinh khăn gói vào mấy tỉnh phía nam gặp những người bạn nghề, nghệ nhân đang dày công làm thương hiệu. Sau chuyến đi mười ngày, Hinh mường tượng ra con đường đi của làng. Làng còn nhiều lắm những đôi tay khéo léo, chỉ chờ một luồng gió mới để lại hay lam hay làm, cần mẫn như đời ong. Anh bắt thân với vài mối tiếng tăm để gây dựng cơ hội cho lụa làng. Rồi làng xây dựng nhà trưng bày để khách thập phương thưởng lãm những tấm lụa tuyệt đẹp, ủ ướp ước mơ của người yêu quê. Những thanh niên còn ở lại làm thêm kênh trên mạng xã hội, hình ảnh, video cứ gọi là đẹp mỹ mãn. Làng xây dựng thương hiệu, tên làng được đưa vào hành trình tham quan trên tuyến du lịch về miền danh thắng. Đường sá không thênh thang nhưng cũng đủ để xe cộ nối đuôi nhau, dẫn khách thập phương về vãn cảnh, ngắm con sông với đàn cò sải cánh, những bãi dâu xanh ngắt và rất nhiều đường hoa nhỏ nối đồng với đồng, xóm với xóm.

Phòng trưng bày lụa ở góc đình, dưới tán cây gạo hơn hai trăm năm, là chứng nhân, soi thấu bao công lập xóm làng của tiền nhân… Khách xa bảo làng lụa đang lột xác nhanh chóng. Ông Cả Đại bảo làng hồi sinh nhờ các con dân đã biết may tấm áo thế nào cho hợp, biết đi học hỏi người ta làm điều tốt cho làng, cho lụa. Mấy hộ làm ăn ở phương nam về cùng trồng lại dâu, nuôi tằm, mua máy kéo sợi. Họ có vốn liếng tích lũy nên xây nhà xưởng rộng. Hinh mừng vì trong số đó có những người anh, người bạn giờ tâm đầu ý hợp, xắn tay vào việc lớn. Anh bận hơn, nhưng niềm vui cũng tăng nhiều. Làng nhộn nhịp từ các nếp nhà, con ngõ đến cả bãi dâu xanh. Tiếng của làng lên cao, vài làng lụa tận đẩu tận đâu cũng về học tập.

Ngày kia, chiếc xe hơi về đỗ sân đình. Chủ xe là một ông chủ hãng buôn lớn, trong đó có lụa, nghe nói đã giúp nhiều nơi phát đạt, về gặp ông Cả Đại. Ông Cả Đại gọi Hinh sang. Sau cuộc nói chuyện cởi mở, tất cả đi đến thống nhất về một đơn đặt hàng sẽ thổi thêm sức sống vào làng. Lụa của làng sẽ ra nước ngoài nhiều hơn, đến những vùng văn hóa lớn. Ông Cả Đại gọi Giang về. Cô con gái sống trong tự ti bao năm vì thấy mình thất bại với lụa, giờ tái khởi nghiệp trong lúc vận làng đang lên. Hinh quay như chong chóng nên việc hái lá dâu giao cho những người khác. Anh tươi vui trong những ngày giới thiệu cho khách gần xa đến thăm nhà trưng bày, chụp ảnh kỷ niệm. Xưởng dệt và may áo của Giang ngay phía bên kia đường nên hai người tiện bề chuyện trò, tình cảm thắm thiết khi nào không hay. Nhờ vốn liếng ngoại ngữ, khả năng ăn nói lưu loát, nên có những đoàn khách quốc tế về làng, Giang trò chuyện trôi chảy. Khách cứ gọi là mê mệt với nào khăn, áo với bao họa tiết, cỏ hoa được cô khéo léo thêu trên nền lụa. Làng tự hào vì có Giang.

Trời xốn xang nắng. Hoa tường vi, hoa đại nở ngát sân đình. Hinh vừa tiếp xong đoàn khách nước ngoài thì bà Thuộc đi ngang qua. Thấy Hinh, bà rẽ vào tâm sự. Bà bảo: “Con Yến Chi khổ đời rồi cháu ạ. Nó đi theo kẻ đó…”. Rồi bà kể. Gã đàn ông mà Yến Chi đi theo đã phá sản. Hắn cờ bạc, bê tha, bỏ bê công việc, lại bị đàn em lừa nên gần như tay trắng. Hắn đánh đập Yến Chi, rồi đuổi cô ra khỏi nhà. Khi bước chân ra khỏi ngôi nhà quanh năm sực mùi khói thuốc và bia rượu đó, Yến Chi vẫn chẳng có một thân phận. Cô như cánh bèo gá vào gốc cây mục, rồi khi nước chảy mạnh, cô bị đẩy trôi. “Nó bảo, nó ân hận vì bỏ cháu, và vì tin người nên bán rẻ lương tâm”. Nói xong, bà đứng dậy, mắt rơm rớm. Hinh cũng thấy tim mình đang nghẹn lại.

Làng mở tiệc tri ân những người có công với lụa. Trong số những đoàn khách, có những vị sẽ mang khăn lụa tơ tằm vươn xa. Cuối chiều, Hinh ngồi nghỉ dùng trà thì nhận được một bức thư tay của Yến Chi. Cô viết: “Mấy ngày qua, em chỉ dám nhìn anh từ xa, và thấy cuộc sống của anh đang rất tốt. Em là kẻ lạc loài, có lỗi lớn, không đáng được tha thứ. Nhưng em xin hãy cho em được làm nghề, sau này được mua lụa của làng đi may áo. Em đã vay anh chị để mở một hiệu may nhỏ trên huyện. Em cũng sẽ may áo, để nhớ về một thời, và chuộc lỗi với chính bản thân mình…”.

Hinh đặt lại lá thư, lòng chùng xuống. Một làn gió mát vừa thổi lại. Yến Chi đã làm anh day dứt, ngẫm ngợi. Tiếng Giang gọi kéo anh về thực tại. Cô khoe, mình vừa tạo xong một mẫu hoa văn mới trên áo lụa, rất đẹp.