Khoảng trời tím biếc

Nghe tiếng, tôi biết ông Đúc đến tìm bố, nên hờ hững bảo “họa sĩ ở trong phòng”. Tôi phụng phịu quay lại bức tranh đang vẽ dở.
Minh họa THU HÀ
Minh họa THU HÀ

Cây khế lúc lỉu quả và hoa với lích chích tiếng chim kêu chẳng làm tôi tĩnh tâm được, có lẽ vì thế các bức vẽ chẳng bao giờ ra hồn. Chiều qua bố trúng gió nên có hơi sốt, tôi chỉ mua thuốc rồi đặt lên bàn mà không nói gì. Suốt bao năm qua tôi cứ tự đẩy bố xa khỏi mình.

Bố trở về từ chiến trường với bàn tay trái bị cụt, nhưng ông trời lại phù cho bố cánh tay còn lại tài hoa với những ý tưởng, triết lý thâm sâu mà tôi chẳng bao giờ hiểu được. Tài năng đưa bố lên hàng nổi tiếng. Bạn trong giới hội họa của ông khá nhiều. Có người khen tôi vẽ có tứ nhưng còn phải học nhiều. Một ngày kia tôi nảy ra một ý định, vẽ chân dung bố. Tôi vẽ liên tục với nhiều góc khác nhau rồi đẩy lên các trang mạng chào bán. Thành công đã đến ngoài mong đợi. Dù bán giá không cao nhưng ra bức nào là bán hết luôn. Đúng là đứa con gái ăn theo. Có lúc tôi tự cười, rằng mình đã khai thác hình ảnh bố triệt để, nhưng ông chẳng bao giờ trách. Chắc hẳn ông luôn muốn là phẳng những vết hằn trong mối quan hệ giữa hai bố con, cố kéo đứa con gái ương bướng gần mình, song nhiều lần, chỉ nhận về sự mệt mỏi vì thói ích kỷ của tôi.

Đang chỉnh lại mầu trên mũi của cô tiểu thư kiêu sa thì bố gọi, bảo kiếm cái gì cho bố và bác Đúc lai rai. Chắc bố và ông Đúc sẽ uống mấy ly. Có bạn và rượu, bao giờ bố cũng hoạt bát hơn và vài lần lui được cảm cúm cũng nhờ mấy chén rượu. Tôi đẩy phông tranh sát vào gốc khế hơn. Hoa khế rơi nhiều hơn. Tôi nghe bên tai mình một khúc gió lùa. Tôi đi bộ ra cái chợ cóc ở đầu phố. Chỗ đó, thi thoảng tôi vẫn mua đồ nhậu cho bố…

★★★

Ngày còn bé tôi luôn bị đám trẻ con trong xóm trêu ghẹo rằng tôi không phải do bố mẹ đẻ ra, mà được nhặt về từ một bãi rác. Có đứa độc mồm độc miệng nói tôi là kết quả từ sự phản bội của mẹ, chứ người thương binh đó làm sao có con được. Lại có kẻ bảo, bố tôi trở về, chắc bị chê nên phải lấy một người chửa hoang như mẹ. Bao lời lẽ ác độc cứa vào tâm trí tôi. Lớn lên chút ít, làng lên phường, xóm thành phố đông đúc, bọn trẻ vẫn không ngớt trêu ghẹo. Đi học về, tôi chạy vào hỏi mẹ. Mẹ vẫn chỉ một niềm, rằng tôi là con đẻ của bố mẹ. Những lần sau cũng vậy, tôi bị cào vào tim những vết xước, rồi chạy về, mẹ cũng vẫn bảo tôi là cô gái có bố mẹ đàng hoàng. Vết thương trong lòng tôi lở loét từng ngày. Lời lẽ của bọn trẻ đẩy hết niềm tin về mẹ ra khỏi tôi. Tôi ghét mẹ và ghét cả bố. Rất nhiều lời lẽ từ bên ngoài đã bôi trát vào tâm trí tôi những nỗi niềm, làm tôi ao ước giá mình có một người bố khỏe mạnh, đẹp trai phong độ hơn thì đã chẳng trở thành cái thùng cho người ta xả rác.

Mẹ mất năm tôi vào lớp 8. Hai cây khế góc sân thê thiết một mầu tím trầm buồn. Ở bệnh viện, tôi nghe loáng thoáng bác sĩ nói với bố, để chữa được bệnh của mẹ phải mất rất nhiều tiền. Gia đình tôi nghèo, bố đã phải đôn đáo vay mượn khắp nơi, có thứ gì bán được trong nhà thì đều bán đi nhưng vẫn không đủ để chữa bệnh cho mẹ. Khi đó, bố còn chưa nổi tiếng và tranh chưa được giá. Tôi căm cái nghèo, tôi hận vì bố nghèo. Nếu bố đủ tiền thì mẹ đã không mất. Ngôi nhà từ đó chỉ còn hai bố con nên lúc nào cũng có cảm giác lạnh lẽo. Tôi để tóc dài ngang hông. Đứa con gái với khuôn mặt buồn chẳng có ao ước gì khác, ngoài một niềm rằng mình phải vẽ thật nhiều tranh để kiếm tiền. Vậy là tôi được bố cho đi học thêm hội họa, vừa học mỹ thuật sáng tạo, vừa học mỹ thuật ứng dụng. Tôi đã đỗ vào trường mỹ thuật ở cái tuổi được gọi là đẹp nhất, và cũng cô đơn nhất. Sau này tôi nghĩ lại, thứ làm ngôi nhà không lụi tàn chính là những bức tranh của bố, hai cây khế và vài chậu phong lan treo lên gốc cau ở góc sân.

Bố cũng thường gặm nhấm nỗi cô đơn, một mình. Nhưng có một điều lạ là, sau khi mẹ mất chừng hai năm, tranh của bố tạo nên sự khác biệt. Chúng có vẻ trống rỗng, cô đơn thăm thẳm, nhưng ẩn tàng trong hun hút là niềm lạc quan. Bố vẽ bức nào cũng được khách trả giá cao. Nhờ thế có tiền trang trải sinh hoạt và cho tôi ăn học. Bố sửa lại ngôi nhà khang trang hơn và dành tầng thượng làm xưởng vẽ. Còn tôi, chiếm trọn vị trí trong căn phòng rộng của mình và góc sân, bên dưới tán khế. Ra trường thì khuôn mặt bố đã cho tôi một khối tài sản nho nhỏ, tôi xin làm thiết kế cho một công ty ít việc, nhàn hạ. Bù lại tôi được đắm trong không gian của mình. Tôi vẽ như lên đồng, dù nguệch ngoạc hay trau chuốt thì gương mặt bố vẫn hiện lên đầy cá tính, góc cạnh. Dẫu vậy cũng chưa có cách gì xóa nhòa lằn ranh giữa tôi và bố, dù nhiều lần ông cố gắng gạt bỏ cá tính để đến gần con gái hơn. Bố hỏi gì tôi cũng cắn cảu, lôi thôi vô lý.

★★★

Bố và bác Đúc ngồi uống được một lát thì thầy Chiến đến. Thầy Chiến dạy tôi khi ở trong trường và là người truyền cảm hứng cho rất nhiều sinh viên. Thầy dạy mỹ thuật ứng dụng nhưng vẽ cực hay. Thầy nhìn qua bức tranh tôi đang vẽ dở, nói một câu: “Thầy vẫn thấy trong tranh có sự cố chấp, nóng nảy”. Thầy vào với bố. Tôi không biết thầy chơi với bố. Chắc lẽ, hội họa đã gắn kết và những lần ra ngoài, bố và thầy có giao lưu.

Không đói và tôi cũng chẳng muốn ăn. Lời thầy Chiến làm tôi chùng xuống. Tranh tôi có sự cố chấp và nóng nảy ư? Vậy những bức chân dung về bố, tôi đã bán được có phải vì trong đó cũng hằn đầy khiếm khuyết của tôi, vì sự trống rỗng trong tâm hồn tôi, hay vì gương mặt bố góc cạnh, bố nổi tiếng hay còn lý do gì khác?

Tôi quay về phòng, rồi lúc nhá nhem tối mới tỉnh dậy. Tôi bấm điện thoại rủ mấy đứa đi nhậu. Tôi đã uống thật nhiều và mấy đứa bạn giục tôi mau chóng lấy chồng, không thì già mất. Tôi cãi. Chúng mày có lấy đâu mà xui tao. Bọn họ cười khanh khách. Bọn tao lười thì mới bảo mày, chẳng lẽ cả lũ đều lười. Một đứa hô hố bảo, đúng là tuổi trẻ ngày nay lòng dạ đứa nào cũng hun hút, chờ người khám phá. Tôi cự lại, bảo, vì sâu hun hút nên đựng rất nhiều toan tính. Sau cùng chẳng đứa nào hứa sẽ lấy chồng.

Trở về nhà khi đã khuya lắm.

Tôi đập cửa oành oành. Tôi nôn trước mặt khi bố vừa mở xong cửa cổng. Ông cõng tôi lên phòng, mặt tôi tì vào bờ vai trơ xương của bố, nôn thêm lần nữa. Phải đến gần sáng, tôi mới ngóc đầu dậy trong biêng biêng, rồi tưởng tượng hình ảnh bố lui cui tìm cách giải say, dọn dẹp cho con gái. Tôi bỗng ứa nước mắt. Tại sao mình ác với bố thế dù bố lúc nào cũng nhân hậu, chăm sóc cho con. Ánh sáng lọt qua khe cửa vào phòng, tôi trở dậy đẩy cửa sổ, ngó ra bên ngoài thấy trời đầy mây trắng, bồng bềnh và tinh tuyền. Lúc đó, bố gõ cửa rồi bảo, bố sẽ nấu mì, con xuống ăn nhé. Giọng bố ân cần bình thản. Tôi đã định không nói gì, nhưng rồi chợt bật ra một tiếng vâng, vừa nặng, vừa méo.

Bát mì làm tôi ấm bụng trở lại, người đỡ mệt hơn. Sau khi uống cốc nước ấm, tôi bị thu hút bởi những tiếng chim lích chích ngoài sân. Một cảnh tượng chưa từng có diễn ra trước mắt tôi. Bố đặt phông tranh ngay dưới tán khế và say sưa vẽ khi bầy chim nhỏ ríu rít múa quanh. Dáng bố nhỏ gầy nhưng hiền. Hình như đó là bức tranh bố đã vẽ nhiều năm mà chưa hoàn thành, ba nhân vật là ba người trong gia đình tôi dưới vòm hoa khế tím. Tôi tiến lại gần và ngồi xuống bên cạnh. Bầy chim không bay đi mà dạn dĩ vây quanh cả tôi nữa. Bố bảo: “Bố yêu chim chóc thiên nhiên từ khi ở chiến trường, những con chim bé nhỏ vui múa trên đường hành quân, những lúc nghỉ, chim đậu trên nòng súng, trên mâm pháo… Bố cũng đã tự bó hẹp mình nhiều năm. Giờ bố sẽ cởi bỏ nhiều thứ, không thể giày vò mình, giày vò cả những sắc tranh…”.

Tôi không hiểu lắm những lời bố vừa nói, bởi hai bố con có bao giờ tâm sự. Rồi bố kể cho tôi một bí mật. Tôi là con của thầy Chiến chứ không phải ai khác, nhưng tình yêu dành cho con là vô biên, vô điều kiện. Thầy và bố là đồng đội, năm đó bố vì giúp thầy Chiến tránh một đợt tấn công của địch mà cụt một bàn tay. Ngày trở về, mẹ và thầy Chiến bị ngăn cản, nhưng mẹ đã có bầu. Ngày đó, trong nhóm cùng chơi, cả thầy Chiến và bố đều thích mẹ, nhưng mẹ yêu thầy Chiến. Ôi chuyện của một thời với những tình huống sao mà éo le. Vẫn lại là bố mở vòng tay đón mẹ để khỏi mang tiếng với người đời. Nhưng những bí mật như màn sương ấy vẫn lờ mờ được hé mở, và tôi là kẻ hứng chịu những lời trêu ghẹo.

Bố đã chịu ấm ức suốt bao năm qua. Vừa rồi, bố và thầy Chiến thường xuyên gặp nhau. Thầy tỏ lòng xin lỗi bố và mong cho thầy nhận con.

Khi bầy chim bay lên cây theo một làn hương gió thì tôi và bố đứng dậy. Bỗng nhiên bố loạng choạng muốn ngã. Đầu bố đau như búa bổ. Tôi đưa bố vào nhà nhưng thấy tình hình có vẻ không ổn. Tôi lập tức gọi xe cấp cứu. Thì ra bố bị suy nhược cơ thể vì những ngày qua bào mòn sức lực cho sáng tác, vả lại, trong cơ thể bố vẫn còn mảnh đạn, vết thương từ đó tái phát. Tôi ứa nước mắt, bây giờ mới thấy thương bố và ân hận vì mình đã quá vô tâm. Tôi bấm điện thoại báo cho thầy Chiến. Thầy ào vào bệnh viện trong nháy mắt.

Bố tỉnh lại, người nhỏ thó. Bố nhìn tôi và thầy Chiến, mắt ướt đẫm, bảo, đây là bố đẻ của con. Bố ơi, con thương bố. Cho con xin lỗi. Giờ bố có phải là bố đẻ của con hay không đâu còn quan trọng. Bố đã cho con được sống, làm người, và giờ có hai người bố cũng là vinh hạnh. Bố hãy khỏe lại để về với vòm hoa tím biếc, về với hàng cau thăm thẳm xanh và những cánh chim nhỏ đáng yêu.

Tôi nắm tay bố thật chặt. Thầy Chiến không cầm lòng được, rơm rớm nước mắt.