Bà già im lặng

SÁNG nào cũng thấy bà già ấy cầm cái túi đi ra chợ. Chiếc túi có bông hoa được sơn mầu đỏ to ở giữa nhẹ bẫng trên tay bà cả lúc đi và về. Nhìn vẻ buồn bã của bà, có người dừng lại hỏi thăm nhưng bà chỉ lặng yên. Lâu dần người ta nghĩ bà vừa câm lại vừa điếc nên chẳng ai hỏi chuyện…
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: Thu Hà
Minh họa: Thu Hà

Ngay cả khi có người nào ngang qua hỏi đường bà còn lắc đầu tỏ vẻ không nghe thấy hay không quan tâm rồi đi vội. Giá bà mang gương mặt lạnh lùng hay khó gần thì đã đành. Đằng này, chỉ cần nhìn qua chiếc quần lụa đen với áo bà ba nâu của bà là người ta cũng đoán biết bà từ quê lên phố. Mà người quê thì… có ai như bà!

Đúng là bà cũng từ quê lên, chính xác là từ cái xóm Bãi, nơi một làng quê nằm ở vùng đảo nhỏ quanh năm chua mặn. Nhưng chỉ khác là bà lên phố đã được 5 năm, chính xác hơn là bà lên ở cái chung cư này cùng với vợ chồng thằng con trai duy nhất. Thằng con trai mà bà đã còng lưng mò mẫm nơi đồng chua nước mặn để nuôi nấng, cho ăn học. Và rồi nó trở thành niềm tự hào của bà, trở thành điểm tựa cho tuổi già cô đơn khi chồng bà không còn nữa, hai cô con gái cũng đã yên bề gia thất.

Bà nhớ lại cái ngày hai vợ chồng thằng con đánh xe ô-tô về xóm Bãi bảo đã mua được nhà, muốn bà lên ở để phụng dưỡng tuổi già. Cô con dâu cứ cầm tay bà mà rằng, mẹ lên ở với chúng con, tiện trông coi nhà cửa giúp vợ chồng con. Với lại mẹ ở đây một mình chúng con không yên lòng. Thế nhưng, bà đã đồng ý đâu. Từ trước tới nay bà quen sống lam lũ, cái ăn, cái mặc đều đơn giản, thậm chí tuềnh toàng, sợ lên thành phố lạ người, lạ nước lại nếp sống sạch sẽ bà đâu có quen. Nhưng rồi nhìn thằng cháu bi ba bi bô, mới gần hai tuổi đầu mà mẹ nó đã mang gửi nhà trẻ, bà thương lắm. Nếu bà lên ở với vợ chồng nó thì bà sẽ giữ cháu ở nhà, lo cho nó ăn ngủ chu đáo chứ chẳng để nó phải đến nhà trẻ. Nhìn mặt nó xanh xao bà xót lắm. Thế là bà để lại mấy sào ruộng cho cô con gái, bán căn nhà cấp bốn mà ông bà đã dành dụm bao năm mới xây cất được. Tiền bán nhà bà cũng đưa cho con để vợ chồng nó thêm vào trả nợ ngân hàng, còn thừa thì lấy vốn làm ăn. Âu thì sau này cũng là của con hết. Bà chết cũng có mang đi được đâu.

Bà có riêng một căn phòng chừng mười mét vuông để ngủ và sinh hoạt. Thế cũng là rộng rãi và thoải mái vì đồ dùng cá nhân của bà cũng chẳng có là bao. Một chiếc tủ nhựa đựng quần áo, một chiếc bàn con để kê chiếc quạt, một chiếc giường đơn bà ngả lưng.

Ban ngày vợ chồng con trai đi làm, thằng cháu đích tôn ở nhà với bà. Nó là nguồn vui duy nhất. Cả ngày bà cứ xoay quanh nó, hết đút cơm lại ru ngủ, dẫn đi chơi. Thức ăn của cháu thì mẹ nó làm sẵn để trong tủ, đến bữa bà chỉ cần cho vào cái lò vi sóng, xoay cái núm tròn tròn đúng vào số 5 là bỏ ra bát cho nó ăn. Còn đồ ăn của bà thì đến bữa có người mang lên cho, không phải nấu vì “sợ bà không quen dùng bếp điện, nhỡ làm sao”. Bà chậc lưỡi, mới có hơn bảy mươi tuổi, cũng vẫn còn nhanh nhẹn, đâu có đến nỗi nào mà con cái đã chả cho làm gì.

Ở nhà cả ngày cũng chán, cho cháu ăn xong là bà dẫn nó đi chơi loanh quanh. Gặp ai bà cũng bảo, chào bà, chào bác đi con. Rồi bà cũng đon đả cười làm quen, hỏi thăm người này người kia.

Từ cửa nhà, trông thấy một người phụ nữ đang đi, bà nhanh nhảu: “Chào bác. Hôm nay nóng bác nhỉ”. Người đàn bà mặc chiếc váy hoa cà đang bấm điện thoại, ngước lên nhìn rồi đi nhanh về nhà, đóng cửa lại. Bà lại nghĩ, chắc người ta đang nhỡ cái gì nên không nghe thấy tiếng bà chào. Trưa hôm sau, để dỗ dành thằng cháu ăn hết bát cơm bà lại dẫn nó ra ngoài. Thấy có tiếng người già ở căn nhà phía trước bà mừng lắm, tay dắt thằng cháu, bà bước nhanh lại. Một bà cụ trạc tuổi bà đang đứng trong nhà ngó ra hành lang. Bà lên tiếng: “Dạ, chào bà!”. Bà cụ bên trong đưa cặp mắt sưng mọng, thâm đen gần như híp chặt lại nhìn về phía bà rồi chẳng nói chẳng rằng… đóng cửa. Bà chưng hửng, dắt thằng cháu đi.

Nắng chiếu qua cửa kính vàng rực. Trời đang nắng to. Con dâu bà dặn, nếu buổi chiều mát bà hãy cho cháu xuống sân chơi. Thằng con trai bà thì cẩn thận chỉ bà cách mở, đóng thang máy mấy lần. Nó còn dẫn bà đi vài lần cho quen để bà biết cách. Bà nghĩ, lo gì, không biết thì gặp ai bà nhờ người ta nhấn hộ. “Đường là ở mồm”, bao năm nay bà vẫn thấy cái câu ấy đúng. Bà chỉ cần nhớ số nhà, số tầng thôi thì chẳng lo lạc. Ấy vậy mà lần đầu đi thang máy, bà loay hoay thế nào lại dẫm vào guốc một cô gái. Nhìn cô ta nhăn mũi bà vội vàng xin lỗi rồi đứng nép người vào trong, lặng lẽ.

Khi thằng cháu đã đến tuổi đi học mẫu giáo thì nó chẳng còn ở nhà với bà nữa. Thế là cả ngày bà chỉ quanh quẩn vào ra một mình.

Cả ngày ở nhà bà cứ luôn thấp thỏm tới giờ con dâu đi làm về. Bởi chẳng biết sử dụng đồ dùng trong nhà nên bà chẳng dám mó vào thứ gì, sợ hỏng, sợ cháy. Dần dần bà thấy mình cứ như người thừa trong căn hộ mấy chục mét vuông. Nhất là từ lúc bà gây ra một hiểu lầm không đáng có làm vợ chồng con trai phải “muối mặt với hàng xóm”.

Đang ngồi xem ti-vi, bà nghe tiếng trẻ con khóc. Thấy nó khóc lâu lâu mà không nín bà mở cửa bước ra, nhìn thấy thằng bé chừng hai, ba tuổi đang đứng khóc một mình. Nghĩ nó như cháu mình, bà thương lắm. Bà chạy lại dỗ dành, hỏi gì nó cũng không nói. Bà dỗ nó về nhà bà, bảo vào chỗ bà rồi tí mẹ nó có về thì đón. Sang nhà bà, thằng bé nín khóc, nó ngồi chơi ngoan ngoãn. Bà cũng thấy vui. Ai ngờ đến khi con dâu đi làm về, nó quát bảo bà: “Sao bà lại đưa thằng bé này về đây?”. Bà bảo, thấy nó khóc mà bố mẹ không có nhà nên bà trông giúp. Mẹ nó về thì đón. Cô con dâu mặt từ đỏ chuyển sang tái, gọi điện thoại cho chồng. Thằng con trai bà về, hốt hoảng bảo bà “Thế này thì bà hại con rồi”. Sau đó là tiếng bước chân rầm rập. Người nhà thằng bé chạy sang. Sau khi nắm chặt tay, nhìn kỹ từng centimet trên người thằng bé, người đàn bà mặt trắng bủng, môi mọng mầu cánh sen bảo bà: “Bà định bắt cóc con tôi phải không? Bà đã làm gì thằng bé? Bà hoảng sợ, run rẩy không nói thành lời. May mà cậu con trai bà giải thích rằng bà từ quê lên, bà không biết sử dụng điện thoại thông minh nên không đọc được thông báo tìm trẻ lạc trên nhóm cộng đồng cư dân. Mong anh chị thông cảm. Chị ta đưa con về còn quay lại giải thích với mọi người như kết tội bà rằng, mình chỉ mới để con ngoài đó chừng vài phút vào nhà lấy ví tiền chứ đâu có lâu đâu. Anh công an sau khi nhận được tin báo, đến nơi thấy bà cũng hiền lành chất phác lại mới từ quê lên nên bỏ qua cho bà. Sau lần ấy, con dâu bà bảo: “Bà muốn ở đây lâu dài thì đừng có để ý chuyện nhà người ta. Ở đây không phải ở quê mà ngồi lê đôi mách. Rõ rách việc”. Bà im lặng, đưa bàn tay nhăn nheo lên che miệng, chậm rãi đi vào trong phòng.

Bà cứ nghĩ đến câu con dâu vừa nói. Nó vốn cũng sinh ra từ quê, lên thành phố học hành rồi công tác, vậy mà sao nó lại nói người nhà quê như thế. Bà thu chân, gối đầu lên cánh tay gầy nhẳng, co người như con tôm trên chiếc giường đơn nhắm mắt, giọt nước mắt khô đọng lại trên mấy cọng mi thưa thớt. Bỗng bà giật nảy mình, vội duỗi thẳng chân ra. Tiếng con dâu nói với chồng nó: “Anh bảo bà nằm ngủ thì đóng cái cửa lại. Chứ không nhà có khách, ai vào vô tình nhìn thấy bà nằm ngủ kiểu ấy lại bảo tôi đối xử tệ bạc với mẹ chồng. Rõ khổ, nằm nhìn cũng như là ăn xin ý”. Thằng con trai bà chỉ chẹp miệng, “được rồi, khổ lắm nói mãi”. Lúc ấy bà ngồi trong phòng vô tình nghe được, nén tiếng thở dài trong lồng ngực khô kẹp, lặng lẽ ra khép cửa.

Bà ngẫm mình cứ như một kẻ lạc loài. Cái gì bà làm cũng sai, điều gì ở bà cũng quê kệch, hèn mọn.

Con gái lên thăm. Bà mừng muốn khóc, nước mắt chỉ còn ươn ướt mấy cọng mi thưa. Sau khi đi một vòng xem xét nơi ăn chốn ở của mẹ, cô con gái không ngớt lời khen mẹ dạo này trắng ra, béo ra. Rồi chờ khi chỉ có mình mẹ ở nhà, cô hỏi thăm bà xem chị dâu đối xử với mẹ thế nào? Sao nhìn cứ thấy mẹ buồn buồn, khác hẳn hồi ở quê, hay nói hay cười. Bà cũng chỉ lặng im, mãi bà mới bảo, mẹ ở đây cũng dần quen rồi. Ở đây người ta sống khác lắm, không như ở quê đâu. Chuyện gì cũng phải để trong lòng, cơm ai người đó ăn, việc ai người đó làm. Không quan tâm, không để ý. Thế đấy. Cô con gái nắm chặt bàn tay trắng lằn những đường gân xanh nhằng nhịt của mẹ. Hay mẹ về quê với chúng con? Bà đưa mắt nhìn con. Giá mà là mấy năm trước bà sẽ vui mừng biết mấy, bà sẽ chẳng ngần ngại gì mà không xách quần áo theo con về. Về với ngọn gió đồng rào rạo, về với những người đàn bà nhà quê vốn bỗ bã, gặp người là cười, là chào, là hỏi thăm rồi câu trò câu chuyện. Không biết gì chỉ cần hỏi, muốn đi đâu cũng chỉ cần hỏi, người ta sẽ tận tình chỉ cho, nói cho. Nhưng bây giờ… Bà chẳng còn nhu cầu được chuyện trò, hỏi han nữa. Bà có nên về quê nữa không?

Nhìn bóng đứa con gái liêu xiêu trong cái nắng quái buổi chiều hôm, lòng bà thắt lại. Giá nó lên với bà sớm hơn thì tốt biết mấy.