Bầu trời trăng sáng

Cô thắng xe lại, giữa ngã tư nhốn nháo. Đám đông bu đen, tiếng quát tháo vang trời. Đêm đổ vệt dài vàng hiu hắt từ ánh đèn cao áp.
0:00 / 0:00
0:00
Bầu trời trăng sáng

Sau trận mưa dầm ban tối, đường còn loáng nước. Tháng mười hai trời còn mưa muộn. Mưa thể như vắt những đợt nước cuối để bắt đầu cho mùa trăng già. Trăng già là con trăng sau rằm tháng chạp. Trăng vẫn tròn, nhưng độ sáng sẽ không còn rừng rực. Trăng cuối năm, trăng cạn chạp hay trăng lỡ thì. Ngoại vẫn hay nói vậy, khi gió bắt đầu lạnh, khi da thịt nhuốm đồi mồi khô lên từng lớp vảy, và khi lòng ngoại bắt đầu tính toán ngày muối cải, ngày kho thịt, và ngày nào đám sáo về lại bên hiên nhà mình.

Thường mùa này thành phố hối hả cho những ngày cạn năm. Sắp Tết có nghĩa nhiều thứ để lo. Lo nhất vẫn là những khoản tiền tiêu Tết. Với những đứa xa nhà như cô, Tết là chuyến về sau cả năm trường mỏi cánh thiên di. Chuẩn bị quà cáp, tiền biếu cha mẹ, tiền sắm sửa nhà cửa, thêm tiền đám cháu. Quanh quẩn mùa này người ta ai cũng nghĩ đến tiền. Trăm thứ đều từ tiền mà ra. Vậy nên, sau giờ làm trong công ty, cô bươn bả với cái siêu thị nơi phía đông thành phố với chân thu ngân bốn tiếng ca tối. Thêm được đồng nào, là thêm chút niềm vui Tết cho nhà mình.

Hồi cô khăn gói lên thành phố này, cũng chỉ nghĩ là quãng đời bốn năm đại học rồi về quê tìm nơi gần nhà mà xin việc. Nhưng, guồng quay thời gian hun hút xoáy cô vào dọc ngang phố xá đất này, chừng ra trường thì đã được công ty thực tập mời ở lại làm việc. Đám bạn sinh viên thời cơm áo gạo tiền chia cho nhau từng chút một để bám víu vào ước mơ thị thành bảo cô may quá trời. Thiên hạ dáo dác chạy xin việc. Cô lại có ngay cái thư mời. Đất này đôi khi chọn người gắn đời mình với nó. Là duyên thì chẳng thể cưỡng cầu. Nhận lời đi, cơ hội chẳng đến lần thứ hai đâu. Về quê kiếm tiền sao bằng trên này.

Cô trở mình nguyên đêm. Trong suy nghĩ hiện rõ mồn một hình ảnh cha mình vẫn hằng ngày cắt cỏ cho bò, mẹ vẫn hì hục với đám heo sau nhà, ngoại vẫn đuổi theo đám gà ngoài vườn. Căn nhà xây hồi mấy năm trước vẫn còn nợ một khoản tiền trong ngân hàng. Sáng hôm sau, cô bấm điện thoại trả lời nhận việc chính thức. Cú điện thoại gắn cô với thành phố này cũng thêm gần sáu năm trời.

★★★

Ngã tư nối liền xóm ven đô và khu trung tâm thành phố bằng một cây cầu vừa khánh thành. Chỉ chạy một đoạn thôi là người ta như đi qua hai miền không gian khác nhau. Bên này vẫn còn những khu nhà trọ bình dân cho những người tứ chiếng quá giang phần đời với đất này, nhọc nhằn mưu sinh với thu nhập ở mức trung bình thì làm sao trọ gần trung tâm thành phố. Họ tìm về phía ven đô, khi đất còn chờ nứt lên thành lô thành lốc, thành những tòa nhà lung linh như quy hoạch. Nhưng, sau dịch, quy hoạch tạm treo chờ các nhà đầu tư bơm tiền vào. Vậy nên, xóm tạm bợ vẫn còn lay lắt được, dẫu trong thấp thỏm. Bên kia là khu trung tâm với những cao ốc nguy nga, những cửa hiệu sang xịn và hơn hết là những con người khoác áo vest, mang giày tây sành điệu gõ lộp cộp trên đường.

Cô cũng từ những tòa nhà văn phòng đó, cũng khoác chiếc áo vest và mang đôi giày cao gót tám phân để chân mình thẳng gối, để chiều cao thêm nhỉnh đôi chút mình tự tin nhìn đời. Mà đi giày đế bằng, khi đi cái đầu gối chẳng thẳng, cái chiều cao không bằng người ta. Thiếu đi sự tự tin ngay. Đấy báo viết vậy, tại sao dân văn phòng phải mang giày cao gót. Con bạn gõ vài dòng như thế lên công cụ AI, thì được trả lời một dọc dài các lý do. Cả đám xúm nhau cười, quyết đầu tư cho nhỏ bạn để bằng chị bằng em của văn phòng công ty mới.

Cô vẫn hằng ngày từ ngã tư xóm ngụ cư đi qua cây cầu vào khu trung tâm làm việc. Công việc pháp chế phải đọc và chỉnh các văn bản, hợp đồng khiến cô mỏi nhừ cả mắt, ong óc đầu mình. Lương tháng cũng tạm ổn, có thể dời về những quận trung tâm để trọ nhưng rồi cô vẫn bám xóm nghèo ven đô này, bởi ở lâu thành quen. Bởi cái xóm nhỏ này nằm ngay một con kênh thông ra sông Sài Gòn. Con kênh có đồng cỏ lau ngút mắt. Mỗi bận cuối tuần mát trời, thiên hạ ngược từ trung tâm thành phố ra đây để thả diều, trải bạt ngồi ăn uống thư thả. Đấy, mắc gì cô bỏ cái ngã tư này để tìm kiếm sự chật chội, đông đúc, xô bồ bên kia.

Huống hồ, từ trong gieo neo gian khổ, xóm nghèo nương náu nhau đi qua nhiều thăng trầm phận mình với đất này. Chỉ cần đi qua cây cầu, tới ngã tư sẽ hầu như nhìn mặt nhau biết dân xóm trọ ven đô. Lạ chăng mấy khách nhậu, khoái kiểu cà kê bia rượu cạnh bờ sông tìm đến khu này. Người ta quen rồi cái hỗn danh “Ngã tư không buồn” khi chỉ về phía bên này cầu. Mấy quán nhậu xanh đỏ đèn mầu tiếng nhạc xập xình vang mờ mịt tận đêm khuya hằng ngày. Kể cả lễ, Tết. Vậy sao mà buồn được.

★★★

Cô len vào đám đông, thấy đám nhỏ bị hai người đàn ông mặt đỏ ké hậm hực quát thẳng mặt. Cái bóp tiền. Tụi mày là đám móc túi. Nhìn cái mặt là đặt ngay cái tên được rồi. Dân ngã tư xóm trọ bên sông thì làm gì có người đàng hoàng. Cô đứng lại, hít hơi thở dài, rồi tiến thẳng vào ngay chính giữa đám đông, gỡ tay hai gã đàn ông mặt đỏ bừng bừng, hơi men nồng nặc ra khỏi đôi bàn tay yếu ớt của thằng nhỏ bán vé số. Các ông có bắt tận tay không? Đâu phải nhìn chúng thế là quy chụp tụi nhỏ móc túi. Cứ bán vé số là không đàng hoàng tử tế hay sao? Đất này trăm ngàn người bán vé số kìa. Chắc nhiêu đó người không tử tế à? Hay chỉ mặc áo sơ-mi đóng thùng vào là tử tế. Ngoài kia lừa đảo cũng toàn áo sơ-mi đóng thùng đấy.

Đám đông bắt đầu giãn ra. Vì tiếng xì xào à, ừ, đúng rồi, vang lên giữa những ngọn gió đêm buốt lòng. Muốn gì thì báo công an, nhưng đánh mấy đứa nhỏ là mấy ông sai rồi, vu khống khi không có chứng cứ là cái sai thứ hai, cái sai thứ ba là uống rượu mà lái xe ngoài đường. Cô dõng dạc nói thẳng vào hai gã đàn ông. Hai gã đàn ông chưa kịp nói gì thì đã thấy mấy bóng áo xanh lá xuất hiện. Trật tự vãn hồi, đám đông dần giải tán. Cô nắm tay thằng bán vé số lên phường, chí ít cô biết giờ này ba má nó vẫn đang miệt mài thu gom rác ở phía bên kia ngã tư, nơi các cao ốc văn phòng đã tắt đèn, nơi các nhà hàng sang trọng đã ngưng nhận khách, lúc đó các công nhân làm vệ sinh thu gom rác bắt đầu ca làm việc của mình.

Càng những ngày cuối năm, ba má thằng nhỏ càng đi làm về muộn. Các văn phòng dọn dẹp thải ra cả đống đồ cũ, các nhà hàng đãi tiệc tất niên cũng tăng thêm gấp đôi lượng rác, đó là chưa kể phải tăng ca để quét dọn sạch con đường trung tâm chuẩn bị cho các công nhân thi công đường hoa đón Tết. Bắt đầu tuần này cô đã thấy ba má của thằng nhỏ lục tục tận năm giờ sáng mới về đến phòng ngủ. Chung dãy trọ, họ từ đâu đó của dải đất miền trung vào đây sau vài cơn bão quật sập nhà, tài sản ra đi chẳng còn thứ gì. Thằng nhỏ vốn sanh non, lại câm điếc bẩm sinh, nhưng nó lanh, hiểu chuyện, năm nào nghỉ hè hay dịp lễ, Tết cũng đi bán vé số lòng vòng các quán nhậu để tích cóp tiền mua vé về quê. Cả xóm trọ nghèo ai lại không biết thằng nhỏ nhát hích, lấy đâu ra cái chuyện tinh ranh mà móc túi cho được.

Đêm vẫn quất những ngọn roi gió vào thành phố. Cô chở thằng nhỏ về sau khi khai báo trình tự sự việc trên phường. Xe đến ngã tư, quán hủ tiếu gõ bình dân

vẫn còn chục người ngồi xì xụp. Mấy người thợ hồ chung xóm trọ bảo nãy nghe tin có hai thằng say rượu kiếm chuyện chạy ra đến nơi thì nghe cô lên phường. Có cô là biết thằng câm an toàn, nên tụi tui chạy về công trình làm tiếp. Mọi người lại rổn rảng. Chuyện Tết, chuyện đời trôi mênh mông khắp ngã tư.

★★★

Trăng rằm cuối năm tròn nhất trong những con trăng bởi nó ôm vào lòng đủ đầy những vui buồn của cả một năm ròng. Vậy nên, cứ ngó lên trời sẽ thấy, con trăng tròn quay. Quay vòng vòng đời con người ta qua mười hai tháng tròn có kịp làm gì đâu đã là Tết. Trăng cạn chạp là thắt thẻo nhất trong các con trăng, hình dáng hao gày như thể buộc lòng người tha hương nhớ quê mà tìm về, hay người quê ngó trăng mà ngóng những đứa con xứ mình liệu có men theo Tết mà trở gót thiên di. Trăng lỡ thì là con trăng mờ nhất, bởi đêm trừ tịch, trăng lặn hẳn vào thinh không chờ đất trời giao thoa cho một mùa mới tinh khôi. Trăng của ngày cuối cùng trong năm, ai lỡ bước đời không đoàn viên trọn vẹn cũng chẳng dám nhìn trăng. Ai thất thểu trong nỗi chờ chẳng đặng sự quây quần ấm áp trong ngôi nhà mình cũng đâu thèm ngó trăng. Chẳng ai nhìn thì trăng tự ẩn mình đi. Ngoại hay nói vậy, nói miên miết cho đám cháu con nghe mỗi bận tháng chạp gõ nhịp gió Tết. Mãi sau này lên thành phố, cô hay ngó trăng để xem có đúng như lời ngoại nói. Ngó miết cho đến hôm cô phát hiện trăng mùa này còn có cái tên khác.

Đó là hôm cô ngồi ngay quán hủ tiếu gõ, khi nghe tin xóm trọ sau Tết sẽ giải tỏa. Thành phố đi vào giai đoạn phát triển, quy hoạch nơi đây sẽ thành công viên bờ sông, là lá phổi xanh cho đất này để cân bằng hiệu ứng nhà kính. Từ ngã tư, cô ngó về khu trung tâm bên kia và ngó sang cánh đồng cỏ lau bên này. Ngó tới ngó lui rồi ngẩng mặt lên trời. Trăng vẫn sáng. Ngã tư vẫn rổn rảng tiếng cười nói của dân lao động ghé vào ăn tô hủ tiếu kể chuyện công việc, hỏi nhau chuyện con cái, nhắc luôn chuyện sau này dọn đi đâu chắc cũng nhớ cái ngã tư kỳ lạ này. Ngã tư xập xình quán nhậu ca hát rộn ràng. Cũng ngã tư này, đối diện lại là hàng quán bán buôn xôm tụ cho biết bao thị dân gá phận mưu sinh. Ngã tư không bao giờ buồn.

Có lần ngoại nói, trăng tuần tự tháng năm vẫn vậy, chỉ có người nhìn trăng đổi thay. Nhưng, tròn hay méo thì trăng vẫn mọc, buồn hay vui thì mình cũng phải sống. Đến một ngày nào đó, ai rồi cũng tự đặt tên một con trăng cho riêng mình. Cô ngó trăng ở ngã tư này, hình như trăng cũng không biết buồn. Gió Tết vẫn thổi. Lòng người có ngổn ngang, nhưng hình như ai cũng cười nói rôm rả cho một mùa Tết đang réo rắt trong lòng họ ■