Ông Thân không đồng ý câu trả lời qua quýt ấy. Như thế thì hỏi làm gì. Khi cả làng bỏ trồng hoa, trồng đào theo những chuyến buôn lắm lãi lời, tìm ra các khu công nghiệp lớn kiếm việc thì ông vẫn bám trụ như thể hoa lá là tất cả cuộc đời mình. Nghề gì mà bận hơn chăm con mọn, lúc nào cũng tỉ mỉ, nghe ngóng thời tiết để săn sóc, chiều chuộng. Nghĩ rồi ông tự nhủ, mai kia đồng đất, hoa thơm sẽ trả ơn cho mình. Không biết hương sắc các loài hoa sẽ trôi đi những đâu, nhưng con sông quê nhờ hoa mà mãi lãng đãng, xinh đẹp.
Đang mải ngắm những thân đào cổ, gốc sần sùi, đầy rêu, nhưng cành khỏe khoắn, hoa đang chuẩn bị bung nở thì có tiếng gọi. Đó là một vị khách lạ. Anh ta đeo khẩu trang, khăn quàng kín cổ. Sau khi dựng chân chống xe, chào ông Thân lần nữa anh ta mới bỏ mũ bảo hiểm ra, để lộ mái tóc dày. “Em muốn mua đào, có thể các loại hoa khác nếu hợp lý”. Ông Thân tiến lại, nói chắc nịch như đã từng với vài vị khách trước đây tìm đến: “Thuận mua vừa bán mà. Chú cứ xem đi”. Ban đầu người ta tưởng ông khó gần, nhưng khi vào việc, thấy ông rất thoải mái. Lúc này, vị khách bỏ hẳn khẩu trang, nhìn anh ta, ông Thân chợt sững người. Còn vị khách, như có luồng xung điện như thể vừa chạy qua gáy, làm anh không thể nhúc nhích, thất thần nhìn. Ông nhận ra người quen, đúng là một người quen đặc biệt.
★
Đó là một tối mùa đông rét đến nỗi những chiếc lá ngoài vườn cũng như quắt lại, hoa ngại tỏa hương, cách đây hơn chục năm. Ông Thân vừa đi vừa nghĩ mông lung đoạn đường gần đến thị trấn, bất chợt gặp một người đàn ông ngã bên lề đường. Trong ánh đèn nhập nhoạng, ông tấp vào, chỉ nghĩ đến việc duy nhất là giúp người. Chiếc xe máy đâm vào bụi, người đàn ông văng vào gốc cây, gãy tay, đầu chảy máu. Trong lúc đau đớn, người đàn ông, cỡ bằng tuổi con gái cả của ông vẫn cố nói: “Nhà em không xa đây lắm, phiền bác bấm vào số máy… để em nghe”. Ông Thân nhanh chóng bấm số người bị nạn đọc cho, rồi áp vào tai anh. Lát sau hai người anh em của người bị nạn tới. Không để anh em đưa đi viện, người bị nạn nói: “Các anh ơi, ông này đâm vào em, mau bắt đền…”. Ông Thân như chết đứng. Hai người đàn ông liền quay sang ông Thân, chộp lấy chìa khóa xe máy. Ông Thân buộc phải đưa giấy tờ cá nhân cho họ giữ, rồi cùng vào bệnh viện. Suốt quãng đường đi, mình mẩy ông run rẩy trong nỗi buồn. Làm phúc phải tội rồi, thật trái ngang! Ông tự nhủ thế.
Hôm ấy, khi đã bước sang ngày mới, ông phải nộp viện phí mất gần chục triệu họ mới trả lại giấy tờ. Trên đường ông về nhà, trời rải đầy sương. Mệt. Miệng đắng. Tổn thương. Ông thấy mình sao mà dại dột.
Ngại người khác chê cười, ông đã giấu nhẹm chuyện đó đi. Mình dại thì thiệt thân chứ ai thương. Nhưng về nhà, định thần lại, ông nghĩ mình vẫn may mắn. May mắn là vì còn đủ tiền trả một khoản viện phí cho họ, vì có lòng thương người để người khác lợi dụng. Có lúc chăm hoa, ông còn thấy vui vì mình đã đủ bản lĩnh để cho đi trong lúc quẫn bách và ngộp thở. Ông thủ thỉ với hoa. Hoa tán dương ông bằng sắc màu tươi thắm. Chuyện trò với chim chóc, chim chóc rộn ràng sà liệng bên những tán lá thấp. Nhưng lạ là, sau lần làm phúc phải tội, ông gặp nhiều may mắn hơn. May mắn nhất là thằng con út của ông dạo mấy năm trước nhớn nhác đi theo người ta buôn chuyến, bỏ vườn hoa xác xơ đã trở lại, làm vườn cùng bố. Ông hỏi: “Con buôn không gặp may à?” Thằng Luân thưa: “Con làm tốt, nhưng thấy cả làng bỏ hết nghề, chỉ còn mỗi bố. Con thương…”. Cứ thế, cả gia đình bám vườn. Người chăm hoa. Hoa tôn cao ước mơ của người…
★
Không hề có chút giận trách, ông Thân từ tốn mời vị khách đặc biệt ngồi, rồi pha nước. Còn vị khách, đôi mắt vừa hối lỗi, vừa vui mừng vì gặp lại được ông Thân.
- Em không biết phải nói với anh như thế nào. Thật sự, em rất hối hận vì đã đổ vấy cho anh. Ngay lúc anh đi khỏi bệnh viện sáng sớm hôm đó, em đã ân hận rồi. Nhưng em không biết phải tìm anh ở đâu. Hôm ấy em chẳng kịp nhìn giấy tờ cá nhân của anh nên không biết tên, quê quán.
Chiêu ngụm trà thơm, ông Thân bảo:
- Anh với chú như thế cũng là có duyên. Duyên nữa là bây giờ chúng ta lại được gặp nhau.
Khách nói vẻ hối lỗi:
- Thú thực, suốt những năm qua, em đã để ý, mong có thể được gặp lại người tốt như anh để xin lỗi. Nhớ lần đó, bị đổ oan mà anh vẫn bình tĩnh, chấp nhận, chẳng cự cãi to tiếng. Đúng là, anh tốt đến... Em không thể diễn đạt được!
Ông Thân cười tươi, gật đầu. Thực tình, ông đã quên chuyện đó. Chính ông cũng từng nghĩ mình sẽ mất lòng tin vào con người, thế rồi vẫn lại đâu ra đấy. Ông vẫn giúp đỡ mà chẳng sợ bị lợi dụng. Ở làng, người ghen ghét cũng có, nhưng ông vẫn giữ thái độ khoan hòa. Có người càng ghét ông, ông càng tốt. Cuối cùng người ta phải bắt tay, khâm phục.
Vị khách tên Thụy đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nụ cười của ông Thân xóa nhòa tất thảy sự ngượng ngùng của anh. Thụy tự nhủ, đúng là cuộc sống vẫn nhiều người đặc biệt! Anh và chủ vườn đi đến thống nhất nhanh chóng, anh sẽ mua một nửa số lượng đào bán cành, hai sào hoa ly, một sào hoa cúc. Vậy là tất cả số lượng hoa của ông Thân đã có người nhận mua buôn. Lúc Thụy đi, còn không quên hỏi:
- Vì sao hầu hết dân làng đi làm việc khác, anh vẫn trồng hoa?
Ông cười:
- Vì người ta quá sốt ruột. Khi họ vắt kiệt chất đất, lại không chăm, cho chúng dưỡng chất nên nhiều vụ hoa rất xấu. Xấu thì sinh chán, bỏ cho sâu bệnh hành. Lâu dần thì bỏ ruộng hoang. Tôi khác họ. Tôi chọn chăm cho đất trước. Vì đất tốt thì cây mới khỏe khoắn, làm nên sự tươi nhuần của cây với hoa.
Thằng Luân, con trai ông, nghe bố nói vậy, lém lỉnh nói thêm với khách:
- Bố em nói cứ như thể chăm người ý, anh ạ!
Cả ba cùng cười vang trong buổi chiều nắng vàng nhẹ, trải cái lung linh trên lá hoa. Khách đi rồi, Luân mới hỏi bố:
- Thì ra bố từng bị ăn vạ khi giúp người, thế bố không giận sao?
Ông Thân lắc đầu:
- Giận sao được con. Mình làm việc tốt mà người ta đối xử tệ, người ta sẽ phải gánh hậu quả. Việc của mình là cứ làm những gì mình thấy đúng. - Ông lại hỏi con - Thế nhìn những cánh chim chiều nhảy múa bên hoa, con thấy gì?
Luân thưa:
- Con thấy sự bình yên, công lao của bố để có những mùa hoa đẹp.
Ông Thân nói thêm:
- Con nói chưa đủ. Đây là đất lành, bố trồng hoa đẹp và chim chóc cổ vũ. Bố tin rồi một số người làng ta sẽ về, cải tạo đất đai cha ông, lại trồng hoa. Khi đó, làng ta sẽ thật nhộn nhịp, rực rỡ.
Hai bố con dõi mắt xa xa, phía mênh mông đồng bãi. Đi xuống nữa là con sông quê, vẫn dội về những cơn gió lành lạnh.
★
Mấy đêm nay ông ra lán canh hoa, cũng vì mùa đông phải thắp điện cho hoa nở đúng Tết. Dẫu khách buôn đã đặt mua, nhưng ông còn phải chăm cho đến khi họ chuyển đi bán hết. Đêm cuối tuần, cận Tết, trăng khá tròn. Vừa pha xong ấm trà, ông bất ngờ phát hiện hai người cắt trộm đào trong góc vườn mình. Ông đi vòng lối ngõ dẫn, bước qua hàng rào thấp, tiến lại, làm họ giật mình, suýt bỏ chạy. Ông Thân đã kịp từ tốn: “Các anh mua đào thì đến ban ngày, sao lại đi lúc đêm khuya?”. Hai người đeo khẩu trang liền định bước đi, nhưng ông đã bảo: “Các anh đã cưa ba cành rồi, vậy cứ cầm về dùng đi. Coi như tôi tặng các anh. Mong là các anh sẽ đón mùa xuân vui ấm”. Bất ngờ trước thái độ của ông Thân, hai tên trộm đào liền vác những cành đào cưa được, lững thững đi. Ánh trăng rải đầy trên lối nhỏ.
Họ đi rồi, ông Thân quay lại với ấm trà, với trăng. Đúng là trăng cũng chuẩn bị đón xuân, thật đẹp. Ông chợt nhớ những ngày xưa cũ, thuở hàn vi cùng vợ về gây dựng khu vườn. Hai vợ chồng vượt bao gian khó để giờ có hai cô con gái thành đạt, làm việc ở thành phố. Vợ ông, giờ thêm thằng Luân nữa, đều chịu khó. Nhiều ô ruộng người ta bỏ cỏ mọc, ông xin thuê lại, cùng vợ con cải tạo, hoa đã phô sắc rực rỡ.
Ba hôm sau, hai người trộm đào đến gặp ông, xin được trả tiền. Ông bảo họ: “Các anh biết hối hận là tốt. Như đã nói, tôi xin tặng các anh”. Nói vậy chứ ông lạ gì. Ông biết hai người này, những năm trước vẫn lợi dụng để cắt trộm đào trong vườn. Họ đi rồi, ông trở lại việc. Rồi đến ngày Thụy cắt đào, chuyển ra phố bán cho những mối quen của anh. Ông trao tiền cho Thụy, bảo:
- Đây là số tiền tôi đã bán thay anh ba cành đào. Tôi nghĩ là giá chẳng kém người ta bán ngoài chợ đâu. Anh vẫn có lãi đấy nhé.
Thụy xua ngăn ông lại. “Không cần anh ạ”. Anh kể cho ông Thân nghe về một mối duyên nữa. Đúng là duyên nối duyên. Hai kẻ ăn trộm đào với mục đích mang ra thị trấn bán kiếm tiền. Họ đã mang sang nhà Thụy. Thụy nhận ra những cành đào này chỉ có ở vườn ông Thân. Hỏi cặn kẽ, hai người ăn trộm liền nói lại sự tình, rằng đã gặp một người tặng đào cho… kẻ trộm. Qua dăm câu ba điều, Thụy khuyên bọn họ mang trả lại tiền ông Thân. Thụy cười, xúc động:
- Em biết, gặp anh rồi họ sẽ sống tử tế đấy anh ạ.
Thụy bắt tay ông Thân thật chặt, xin phép đi cắt hoa. Hôm nay vợ Thụy cũng đến. Chị có mái tóc dài và dày. Chị nhờ vợ chồng ông Thân cắt giúp hoa ly. Cuối chiều thì hoa đào, hoa ly đã chất đầy một xe tải.
Chim chóc cứ múa ca mãi không thôi. Những cánh chim làm mùa hoa xốn xang, làm xuân rộn ràng. Ông biết, khi những chuyến xe hoa về thành phố, thị trấn hay đi bất cứ đâu, sẽ gieo xuân ở đó. Và chỉ nay mai thôi, khi người làng thấy được hoa trong vườn ông đã cười thế nào, họ sẽ nghĩ lại. Chắc có người ở lại, để sống và cười bên hoa.