Sương miền xa vắng

Khắp nơi nước xâm xấp. Bùn đất, gỗ mục la liệt trên lối đi. Chiếc xe chở hàng cứu trợ như con trâu đằm trong vũng bùn.
Minh họa: Thu Hà
Minh họa: Thu Hà

Bên kia, mấy xác nhà đổ lẫn trong đất đá. Mấy đứa trẻ đứng ngây chờ đợi. Sương bắt đầu xuống. Những bóng người sau mấy ngày quăng quật xúm lại. Cửa xe mở, bà con hồ hởi thận trọng dỡ hàng, mắt long lanh hy vọng. Thụy ấn tượng người phụ nữ đeo khẩu trang, với đôi mắt to. Gương mặt trái xoan làm chị khá giống người con gái anh biết…

★★★

Ở cơ quan, tôi và Thụy gắn bó như hình với bóng. Ngay cả những chuyến thiện nguyện đến các vùng nghèo khó, chẳng may gặp thiên tai, bọn tôi cũng có nhau. Lúc vui buồn, thường về gia đình, cơ quan hay những vấn đề nhân tình thế thái cũng đều nhỏ to tâm sự. Đi bên nhau, Thụy đậm người, cao, nụ cười sáng, điển trai hơn tôi, thế mà chậm vợ. Khi đứa con gái lớn của tôi lên năm, Thụy vẫn chưa lấy vợ, dù gã hơn tôi một tuổi. Bỗng một ngày, cả cơ quan vui lây vì Thụy tuyên bố lấy vợ. Thụy lấy vợ thật. Cô vợ tên Lê, tuy không xinh nhưng rắn rỏi và nụ cười khá duyên. Sau này tôi biết, vợ Thụy học cấp ba, cùng trường, sau gã năm khóa. Ở quê, tuổi đó người ta đã bảo là cứng rồi. Thế mà phải đầu tư lắm Thụy mới chinh phục được.

Gã kể với tôi về cái lần đứng trú mưa lớn ở mái hiên trên đường đi làm. Thụy hỏi vu vơ vài câu, thế rồi chuyện nọ xọ chuyện kia, hai người biết mình học cùng trường cấp ba. Lấy số điện thoại, rồi phải nửa tháng gã mới gọi, nhưng cô nàng giữ ý, chẳng muốn gặp gỡ. Cô chẳng thích tạo cơ hội cho người khác để dẫn đến tương tư, hy vọng. Lạ thế, nếu trước đây là gã tự ái, bỏ cuộc đấy. Nhưng lần này gã nhẫn nại đến bất ngờ, dẫu bị chối từ như hắt nước vào mặt vẫn cứ cười, nhăm nhe mời Lê đi cà-phê. Đồng ý đi cà-phê không có nghĩa là yêu đâu nhé. Thời buổi này cô nào thực dụng thì thực dụng tận cùng. Cô nào kiêu căng là cứng như sắt thép. Còn Lê, cô không kiêu căng, chẳng thực dụng mà thuộc dạng khép mình, ngại những ràng buộc của cuộc sống, rồi có cái nhìn tiêu cực khi ở đời nhiều cặp đôi vừa cưới đã bỏ nhau. Ròng rã nửa năm cô nàng mới bị chinh phục…

Hỏi vì sao chuyện này ông giấu? Thụy bảo, vì xấu hổ. Chuyện chinh phục người ta đã khổ sở lắm rồi, lỡ nói ra với bạn mà chuyện chẳng thành thì càng xấu hổ. Tôi cười, vỗ vai ông bạn, đồng cảm.

Có điều vợ chồng Thụy mãi chẳng có con, dù gã và gia đình rất sốt ruột. Rồi gã đi hỏi han, chạy chữa tốn kém không biết bao nhiêu tiền của. Có lần, tôi đi vào thành phố phương nam cùng vợ chồng gã hai ngày để động viên chữa trị.

Một hôm, cơ quan vui như sắp có hội. Gã thông báo vợ đã có bầu. Niềm vui đến chưa được bao lâu, gã lại ủ dột nói vợ sẩy thai. Tôi đến nhà động viên, huy động những mối quen biết, cắt thuốc bồi bổ cho vợ Thụy. Lần thứ hai, Thụy báo Lê có thai rồi lại sẩy. Hẳn gã khổ đau lắm khi lòng dâng lên nỗi hồi hộp, đợi chờ, hy vọng rồi rơi xuống thẳm sâu thất vọng. Sao Thụy cứ bị cái niềm ao ước đay đi đay lại, hành hạ đến khổ sở thế!

Chuyện có thai hay không có thai rồi cũng thành bình thường với người trong cơ quan, bởi Thụy không muốn người khác hồi hộp, rồi tắt hy vọng cùng mình. Gã chờ đợi một kết quả chắc chắn mới dám nói ra.

★★★

Thụy có vẻ không bình thường từ lúc xuống xe. Khi chuyển đồ mặt ngây ngây. Dự cảm có chuyện gì đó, tôi quan sát chung quanh. Đúng khi ấy tôi nhận ra Ngoan đang đón đồ cùng người dân. Phải rồi, chính là cô ấy. Xâu chuỗi các sự kiện, tôi nhớ ra mình đã từng đến vùng này thiện nguyện cùng Thụy cách đây sáu năm. Chỉ là lần trước đến một điểm khác chứ không phải bản vừa bị trận lũ hoành hành này. Lần trước, chúng tôi gặp Ngoan, cô con gái của trưởng bản đầy năng động, vừa về dạy học. Khuôn mặt ấn tượng của Ngoan làm Thụy “ưng cái bụng” lắm.

Sau lần ấy, hình như Thụy có vài lần gọi điện lên. Ngoan là cô gái có thể nói là xinh đẹp ở xứ núi. Còn Thụy, có vợ ở thành phố và đang cầu mong một đứa con. Mà chắc gì cô gái đã quý Thụy. Hai người chưa có nhiều thời gian nói chuyện hay tìm hiểu, mới chỉ lướt qua đời nhau trong hoàn cảnh bão lũ thôi. Ở cuộc đời này thiếu gì những chuyện như thế. Tôi không nghĩ Thụy có gan vượt qua ranh giới này. Một ranh giới vừa hữu hình, vừa vô hình mà hẳn Thụy đã rất dằn vặt, nghĩ ngợi. Ở hoàn cảnh của mình, tôi cũng chẳng biết giải quyết thế nào.

Sáu năm rồi, chắc Ngoan cũng đã yên bề gia thất. Vậy hà cớ gì Thụy có vẻ ngường ngượng? Tôi bảo Thụy: “Ông cứ mạnh dạn hỏi chuyện cô ấy đi xem nào”.

Chỉ chờ có thế, Thụy gọi tên, buộc Ngoan tháo khẩu trang ra chào. Tôi cười vì sự ngường ngượng ở hoàn cảnh này. Tôi hét lên: “Là người quen của chúng ta đấy…”. Không khí của buổi trao nhận quà sôi nổi hơn. Bản vơi hoang vắng. Đám trẻ lăng xăng khoe đồ.

Ngoan đã có chồng và một con gái. Gương mặt cô rắn rỏi hơn xưa, chỉ đôi mắt to vẫn đầy cuốn hút như thế. Mấy anh cùng đoàn trêu: “Chú mày nhìn cô ấy không chớp mắt, mê à?”. Một anh mạnh bạo hơn: “Dáng cô nàng này là mắn đẻ lắm đấy. Thụy nhờ đẻ thuê đi”. Thụy ngượng chín mặt, chỉ biết cười để che giấu sự lộn xộn của mình. Sương buông dày hơn. Trên chuyến xe ngược về thị trấn nghỉ ngơi để đón đồ, ngày mai đến một địa điểm khác, gã vui ra mặt, huýt sáo liên hồi. Tôi đùa: “Ông vớ bẫm rồi à?”. Thụy lảng: “Vớ vẩn. Người ta nghiêm túc”. Tôi nghĩ nhiều đến cái duyên ở đây, nơi mà lúc thiên nhiên hiền hòa đã đón nhiều du khách. Tuy không nhiều nhưng đủ giúp không gian trở nên thắm tươi.

★★★

Chẳng biết Thụy và Ngoan có thường xuyên qua lại sau hai lần thiên nhiên nổi giận, đưa đẩy chúng tôi đến vùng núi đó không, nhưng mặt gã trầm quá. Vợ chồng Thụy lục đục. Hai người cãi vã nhau chuyện phải chạy chữa thế này, thế kia. Cả hai đã mệt mỏi bơ phờ sau những đôn đáo mưu sinh và tìm thầy tìm thuốc. Thụy đòi nhận con nuôi, Lê nhất quyết phải chạy chữa bằng được. Nguyên nhân của chuyện không có con đến từ hai phía nên chẳng ai trách được ai. Nhưng tiếng nói chung giờ không còn nữa. Mãi sau này tôi mới biết, chuyện Lê sẩy thai là giả. Chỉ là cô nàng phịa ra để người khác nhìn vào vẫn có chút hy vọng, hai vợ chồng cũng phần nào giữ được một chút sĩ diện. Bây giờ Thụy chẳng cần sĩ diện nữa, muốn có con thế nào tùy Lê. Thụy vẫn có trách nhiệm đưa đi khám và chi tiền. Một hôm ngồi nhậu, Thụy nói mình đã đưa vợ đi viện xin “con giống”. Thời hiện đại, đó cũng là cách tốt để thắp hy vọng. Thụy uống khá nhiều mà không say… Gã nói toàn chuyện tương lai tươi sáng. Thôi thì đành hy vọng.

Vợ gã có bầu thật. Gã vui sướng khoe bụng vợ đã lùm lùm. Rồi gã phát hiện cái thai là của gã đàn ông cùng cơ quan. Nỗi đau đớn làm mắt Thụy trĩu xuống. Chẳng cần tra khảo, Lê đã khai tuốt tuột. Cô ta bảo mình cùng gã ở cơ quan ăn ở với nhau mấy tháng rồi. Cái mặt nạ đã được tháo xuống. Máu trong cơ thể sôi lên, Thụy thẳng tay ký vào tờ đơn ly hôn mà Lê đã viết sẵn. Hết duyên rồi thì đường ai nấy đi. Tôi nói nhỏ với lãnh đạo, cho Thụy đi công tác ngoại tỉnh, rồi tranh thủ nghỉ xả hơi ít ngày. Nghĩ mà buồn cho bạn quá. Một người lành hiền mà cứ đôn đáo khổ sở mãi chuyện vợ con.

★★★

Phòng làm việc hoa hồng tỏa thơm. Thụy gõ cửa bước vào nói có lời nhờ vả. Tôi buông tập tài liệu, rót nước mời gã. Hương hoa quyện mùi trà sen thật ấm. Nhận lời trong vui sướng vì bạn mình có tin vui. Chúng tôi sẽ trở lại vùng núi quê Ngoan. Lần này không phải thiện nguyện hay cứu trợ, mà là nói chuyện hạnh phúc của Thụy và Ngoan. Hóa ra, sâu bên trong đôi mắt lớn, trong veo của Ngoan là một cuộc đời nhiều bi ai. Ngoan là cô gái có tương lai sáng nhất ở bản, những tưởng sẽ lấy được người chồng tử tế, nào ngờ chồng cô dính nghiện ngập. Bao năm qua cuộc sống chìm trong tối tăm khổ ải. Cứ sau mỗi lần ăn chơi trác táng, chích hút là gã đánh đập vợ con. Ngôi nhà như tù ngục, lúc nào cũng căng thẳng, bí bách. Vào một ngày nhiều sương lắm, gã theo nhóm bạn lẫn vào sương. Nghe đâu bọn họ lên núi tìm vàng. Ở đó, do mâu thuẫn nên bọn đào vàng xông vào đánh nhau. Chồng Ngoan dính một nhát dao vào ngực… Ngoan lại cạn nước mắt tiễn chồng về thế giới bên kia…

- Thế ông biết chuyện đó khi nào?

Ngồi trên xe, tôi hỏi. Thụy bảo, những ngày cô đơn một mình, tự dưng gã nhớ Ngoan, nhưng không liên lạc được. Gã bắt xe về xứ núi để rồi trào nước mắt khi biết chuyện đời cô. Lòng thương đã biến thành niềm cảm mến, Thụy chinh phục Ngoan bằng cả sự chân thành và niềm khát khao mái ấm giản dị.

- Bây giờ, ông sẽ được cả nghé lẫn trâu còn gì. Có đứa nó gọi bằng bố luôn.

Thụy cười sảng khoái, khuôn mặt giãn ra:

- Đó là cái kết có hậu. Nhưng ai mà lường trước được cuộc sống này. Thôi thì mưa đến đâu mát mặt đến đó đã. Nhưng tôi tin Ngoan là người chân tình.

Đến đầu xã, sương tan dần. Ánh nắng bắt đầu chan trên những tán cây, những nếp nhà thấp trôi lại sau chiếc ô-tô. Thụy hấp háy vui. Gã nói thêm:

- Hôm gần đây nói chuyện dưới gò đá có cây tếch lớn, Ngoan có bảo, thân thể em nhiều vết sẹo do bị bạo hành... Tôi bảo cô ấy, anh cưới cả những vết sẹo trên người em.

Mọi người ngồi trên xe vỗ tay, cười tít cả mắt.

Xe dừng đầu ngõ nhà Ngoan. Lúc này, sương đã tan hẳn, ánh nắng chan hòa trên đỉnh núi. Xa xa, con suối dội về thanh âm nước chảy như tiếng nhạc. Nhà gái đón đoàn nhà trai đến thăm với những cái bắt tay thật chặt. Thụy và Ngoan nhìn nhau đắm đuối. Mong sao, ở bến này, hai người được bình yên.