Khó chen chân vào các chuỗi cung ứng
Tận dụng nguồn nông sản dồi dào để sản xuất và xuất khẩu, nhiều năm qua, Công ty CP VISIMEX đã kết nối và trở thành đơn vị cung ứng cho một số Tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở nước ngoài. Ông Thân Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty nhận định, chúng tôi thấy rằng chuỗi cung ứng là rất tốt, rất hiệu quả. Với hoạt động chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu (nông sản), từ một doanh nghiệp nhỏ lẻ ban đầu, chúng tôi tự đầu tư dây chuyền công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tức là chúng tôi tự lớn, tự hoàn thiện mình để thích nghi được nhu cầu của các đối tác.
“Việc tham gia được vào các chuỗi cung ứng mang lại giá trị cao và ổn định cho doanh nghiệp. Đơn cử, trong giai đoạn khó khăn do Covid-19, chúng tôi vẫn tăng trưởng 200%. Công ty tổ chức xây dựng được những vùng nguyên liệu hữu cơ, chất lượng cao nên khi dịch xảy ra, công ty vẫn đáp ứng được yêu cầu của các đối tác từ các thị trường có nhu cầu về nguyên liệu chất lượng cao nên hoạt động kinh doanh ổn định”, ông Thân Văn Hùng cho biết.
VISIMEX là một trong những doanh nghiệp đã làm tốt bài toán tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới. Trong đó tham gia chuỗi và trở thành một trong những nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam là một trong những mục tiêu lớn.
Mong muốn là vậy, tuy nhiên sự liên kết của các DN Việt với các tập đoàn lớn chưa tương xứng với tiềm năng, dù thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận về thu hút FDI và phát triển DN khu vực tư nhân trong nước. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, chỉ có 15% DN trong nước bán hàng hóa và dịch vụ cho các DN FDI, 8,4% xuất khẩu trực tiếp và 7,4% xuất khẩu gián tiếp thông qua công ty trung gian. Đặc biệt, DN Việt Nam chủ yếu tham gia vào các công đoạn giản đơn, chỉ gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, tính bền vững không cao, tỷ lệ nội địa hóa thấp (30-40%).
Bà Đào Thị Thu Huyền, Quản lý cấp cao Canon Việt Nam cho biết, Canon có 147 nhà cung cấp trực tiếp linh kiện, sản xuất máy in ở Việt Nam, trong đó chỉ có 20 nhà cung cấp thuần Việt. Con số này chưa tăng lên trong mấy năm nay, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa Canon đang đạt mức khá cao, chiếm 65%, chủ yếu rơi nhiều vào DN FDI cũng như sản xuất nội chế trong công ty.
Trong khi đó, tại Tổ hợp Samsung Việt Nam, hiện chỉ có 42 DN cấp một, 172 DN cấp hai và hơn 462 DN cung ứng vật tư khác. Nhiều DN Việt Nam mong muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung, Canon hay các Tập đoàn đa quốc gia khác đang có mặt tại Việt Nam, nhưng khả năng đáp ứng không nhiều, do vướng về vốn và trình độ công nghệ. Thậm chí, nhiều DN Việt vẫn còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn, nên chưa có những bước đi đột phá.
Bà Hoàng Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc bộ phận mua hàng toàn cầu Panasonic Việt Nam cho biết, Panasonic luôn mở cơ hội cho tất cả các DN. Song nếu như các DN FDI tiếp cận với thái độ tích cực, muốn hợp tác trực tiếp, còn DN Việt Nam thì hơi rụt rè, e ngại. Tiêu chuẩn lựa chọn đối tác của Panasonic rõ ràng, chỉ cần DN Việt Nam đáp ứng được yêu cầu, tự tin chứng minh cho nhà mua hàng thấy được khả năng thì có thể tham gia vào chuỗi.
Thay đổi tư duy, tìm kiếm cơ hội mới
Thực tế, có nhiều DN Việt băn khoăn nếu bỏ vốn đầu tư, nhưng sản phẩm lại không tham gia được vào chuỗi cung ứng, khi đó sẽ không biết bán sản phẩm cho ai. Chính điều này khiến họ e dè trước khi đầu tư và cần cam kết của nhà mua hàng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, nếu như nhà cung cấp đạt được chất lượng và giá thành cung cấp ổn định thì không lý gì Samsung lại không mua hàng của DN Việt Nam.
Câu chuyện “con gà, quả trứng” vẫn chỉ là vòng luẩn quẩn và sẽ tiếp tục xảy ra nhiều năm nếu như các DN không thay đổi tư duy. Ông Nguyễn Anh Tuấn khuyến nghị, nếu DN muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì đừng nghĩ quá nội địa. Xác định cung cấp linh kiện điện tử thì đừng chỉ nghĩ đến Samsung, mà bên cạnh Samsung còn có rất nhiều công ty khác.
Để giải bài toán vươn lên tham gia vào chuỗi giá trị của các DN, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nỗ lực của DN là yếu tố chính, song hỗ trợ của địa phương rất quan trọng và định hướng nhà nước mang tính quyết định.
Trước làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt thu hút FDI. Tuy nhiên, lần này thu hút FDI được đặt đầu bài và thỏa thuận, đàm phán luôn với các nhà đầu tư. Đó là làm thế nào để chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, đưa các DN Việt tham gia vào chuỗi giá trị. Ngược lại, DN FDI sẽ được dành ưu đãi cao hơn cả ưu đãi hiện hành nếu dự án có tác động mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Ngoài ra, nhiều quy định mới như Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng đầu tư nước ngoài đến năm 2030 hay Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ cũng đang hỗ trợ DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng. Đặc biệt, tác động từ dịch Covid-19 cũng tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới. Các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.
“Tuy nhiên, nếu các DN không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ bị thua ngay trên chính sân nhà. DN Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay, vươn ra thị trường nước ngoài để có thể thâu tóm các DN có công nghệ tiên tiến”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.