Châu Âu lao đao trước cuộc khủng hoảng nông nghiệp

NDO -

NDĐT - Giá nông sản và thực phẩm giảm mạnh đang đẩy nông dân tại nhiều nước châu Âu vào thế bế tắc, không chỉ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, mà còn kéo theo những hệ lụy xã hội, khi các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính sách nông nghiệp ngày càng lan rộng.

Nông dân biểu tình trước trụ sở EC.
Nông dân biểu tình trước trụ sở EC.

Cuộc khủng hoảng di cư chưa có lối thoát, Liên hiệp châu Âu (EU) lại phải đau đầu trước tình cảnh nhiều nông dân đứng trước nguy cơ phá sản vì giá thực phẩm lao dốc. Đơn cử, giá sữa giảm trung bình 20% so cùng kỳ năm ngoái. Người nông dân châu Âu xót xa khi giá sữa rẻ gần bằng nước lọc. Tại Anh, sữa được thu mua với giá thấp hơn chi phí sản xuất khiến nhiều hộ nông dân chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí phải bán trang trại. Bộ Nông nghiệp Pháp ước tính, khoảng 22 nghìn trang trại, tương đương 10% số trang trại trên toàn quốc, đang gánh nợ lên đến một tỷ euro và đối mặt nguy cơ phá sản.

Thống kê cho thấy, ngành thực phẩm nông sản châu Âu tạo ra 40 triệu việc làm, thu về hơn 120 tỷ euro từ xuất khẩu mỗi năm. Do vậy, việc giá nông sản lao dốc đang gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và đẩy nhiều hộ nông dân vào thế bế tắc. Các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra khắp “lục địa già”. Mới đây, khoảng 6.000 người đến từ nhiều nước như Pháp, Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Italia… biểu tình quy mô lớn tại Bruxelles (Bỉ), kêu gọi các nhà lãnh đạo EU có biện pháp can thiệp, giải quyết tình trạng giá lương thực, thực phẩm giảm mạnh. Cuộc biểu tình bùng phát thành bạo lực và làm tê liệt hệ thống giao thông công cộng tại thủ đô Bruxelles trong nhiều giờ. Trước đó, tại Pháp, khoảng 5.000 nông dân tại nhiều địa phương cũng đổ về thủ đô Paris, yêu cầu chính phủ hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất sữa và chăn nuôi gia súc.

Giới chuyên gia nhận định, cuộc khủng hoảng nông nghiệp tại châu Âu xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tháng 4 vừa qua, EU bãi bỏ hạn ngạch sản xuất các sản phẩm sữa, để nông dân tự do sản xuất với số lượng tùy ý. Quyết định này đã dẫn đến tình trạng lượng cung trên thị trường nội địa dư thừa quá lớn và giá sữa giảm. Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen ăn uống, nhu cầu của các thị trường lớn giảm sút càng đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng thừa nông sản.

Ngoài ra, lệnh cấm vận thực phẩm từ châu Âu do Nga áp đặt nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng nông nghiệp ở châu Âu hiện nay. Theo Copa-Cogeca, liên đoàn đại diện cho lợi ích của nông dân châu Âu, Nga là một trong những thị trường tiêu thụ sữa lớn nhất của châu Âu, điểm đến của 32% lượng pho-mát và 24% bơ xuất khẩu của EU. Nghị viện châu Âu (EP) tuyên bố, lệnh cấm nhập khẩu nông sản của Nga khiến nông dân châu Âu thiệt hại khoảng 5,5 tỷ USD.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước thành viên EU đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 500 triệu euro nhằm giảm bớt áp lực cho nông dân gặp khó khăn do thiếu vốn và khôi phục thị trường. Số tiền này sẽ được cung cấp cho tất cả các quốc gia thành viên dưới hình thức gói hỗ trợ cho ngành sữa. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jyrki Katainen khẳng định, gói hỗ trợ này sẽ giúp nông dân giải quyết các khó khăn về chi phí, ổn định thị trường và củng cố hoạt động của các nguồn cung ứng, nhất là trong lĩnh vực sản xuất bơ sữa. Tuy nhiên, Copa-Cogeca cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế. Số tiền nêu trên chỉ bằng một nửa khoản nợ mà nông dân Pháp đang phải gánh chịu vì nông sản rớt giá và bằng khoảng một phần mười tổng thiệt hại của nền nông nghiệp EU trong một năm do các lệnh cấm vận của Nga.

Đây không phải lần đầu EU đưa ra các giải pháp ngắn hạn nhằm hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng do lệnh cấm nhập khẩu từ Nga. Từ tháng 3-2014, EC đã chi hàng trăm triệu euro hỗ trợ nông dân đối phó lệnh cấm trên. Tuy nhiên, câu hỏi “Trợ giá bao nhiêu thì đủ?” vẫn đang được đặt ra. Nông dân châu Âu mong muốn EU xây dựng một chính sách nông nghiệp đủ mạnh để bảo vệ người sản xuất, có khả năng đối phó những biến động thị trường, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Do vậy, việc đưa ra giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng nông nghiệp đang là bước đi cần thiết của châu Âu, nhất là khi sự phẫn nộ của người nông dân có thể châm ngòi cho những bất ổn xã hội mới.