Châu Âu chao đảo trong “bão” di cư

Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng khi số người tị nạn vượt Địa Trung Hải đến các “miền đất hứa” tăng lên theo cấp số nhân. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Đ.Tu-xcơ cảnh báo, quá trình giải quyết vấn nạn này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm.

Đảo Lê-xbốt (Hy Lạp) hiện trong tình trạng như đang ở cạnh thùng thuốc súng khi hàng nghìn người tị nạn kéo đến. Ảnh IBI
Đảo Lê-xbốt (Hy Lạp) hiện trong tình trạng như đang ở cạnh thùng thuốc súng khi hàng nghìn người tị nạn kéo đến. Ảnh IBI

Những ngày qua, hình ảnh hàng nghìn người tị nạn chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, thậm chí phải hứng chịu những cái chết thương tâm trên hành trình đi tìm “miền đất hứa” đang là nỗi đau nhức nhối đối với dư luận. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), kể từ đầu năm đến nay, gần 3.000 người di cư đã bỏ mạng trong các vụ tai nạn trên biển Địa Trung Hải khi rời bỏ vùng chiến sự ở Trung Đông, Bắc Phi để hướng tới I-ta-li-a. Mỗi ngày, nhân viên cứu hộ các nước châu Âu như: CH Síp, Hy Lạp, I-ta-li-a… lại thông báo cứu được hàng trăm người tị nạn chen chúc trên các con thuyền ọp ẹp gặp nạn ngoài khơi.

Dòng người tị nạn ùa vào châu Âu quá đông cũng dẫn đến tình trạng hỗn loạn tại nhiều nước. Đảo Lê-xbốt của Hy Lạp đang rơi vào cảnh “mồi lửa cạnh thùng thuốc súng” khi lực lượng bảo vệ bờ biển và cảnh sát chống bạo động được huy động nhằm kiểm soát khoảng 2.500 người nhập cư ở cảng trọng yếu của hòn đảo này. Hơn 2.000 người tị nạn từ thị trấn I-đô-mê-ni của Hy Lạp cũng dồn về phía cửa khẩu biên giới với Ma-xê-đô-ni-a. Trên tuyến đường cao tốc từ biên giới Xéc-bi-a dẫn tới thủ đô Bu-đa-pét của Hung-ga-ri, khoảng 200 người nhập cư đã xông qua hàng rào của cảnh sát và tuần hành phản đối tình trạng người di cư bị mắc kẹt tại đây. Nhiều vụ xô xát giữa cảnh sát và người tị nạn xảy ra, do người tị nạn quá mệt mỏi khi phải chờ đợi nhiều ngày tại các lán trại để làm thủ tục nhập cảnh.

Trước tình thế “nước sôi lửa bỏng”, các nước châu Âu đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm khẩn trương giải quyết vấn nạn này. Đức mới đây vừa tuyên bố nới lỏng quy chế tị nạn cho những người di cư tới từ Xy-ri. Không dừng lại ở đó, Chính phủ Đức còn quyết định cấp bổ sung sáu tỷ ơ-rô để giải quyết làn sóng nhập cư đang ồ ạt tiến vào nước này, đồng thời nhất trí một loạt biện pháp như: đẩy nhanh thủ tục xét quy chế tị nạn, xây dựng thêm trại tị nạn… Tương tự như Đức, Anh cũng tuyên bố tiếp nhận khoảng 20.000 người tị nạn trong giai đoạn 2015-2020 và nới lỏng các tiêu chí của chương trình hỗ trợ người tị nạn Xy-ri tái định cư, trong đó ưu tiên trẻ nhỏ và trẻ mồ côi. Trước đó, Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ tuyên bố tiếp nhận khoảng 24.000 người nhập cư nhằm giảm tải cho các quốc gia “cửa ngõ”.

Bộ trưởng Ngoại giao Áo X.Cua-dơ cho biết, dòng người di cư đổ về Áo đang là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với toàn châu Âu và không một nước nào có thể đứng ngoài vấn đề này. Những ngày qua, mặc dù lãnh đạo các nước châu Âu đã nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư, song theo giới phân tích, đây không phải là các giải pháp lâu dài. Gốc rễ vấn đề nằm ở chính tình hình nghèo đói, bất ổn ở khu vực châu Phi. Và việc “lục địa già” mở cửa tiếp nhận người tị nạn có thể phần nào tiếp thêm hy vọng cho nhiều người tị nạn khác vượt biển tìm đến “miền đất hứa” châu Âu. Trước đó, những hàng rào dây thép gai ngăn dòng người di cư đã được lập lên tại Hung-ga-ri, Hy Lạp, Tây Ban Nha..., nhưng những chướng ngại vật này không thể dập tắt ở họ quyết tâm rời bỏ quê hương chiến tranh, loạn lạc để tìm đến miền đất mới với tương lai tươi sáng hơn.

Hiện tại, giữa các nước thành viên EU còn tồn tại những khác biệt trong cách thức giải quyết vấn nạn di cư. Trong khi Anh, Pháp, Đức lên tiếng ủng hộ việc phân bổ hạn ngạch để chia sẻ gánh nặng thì Ba Lan, Hung-ga-ri, Xlô-va-ki-a lại không đồng tình với quan điểm nêu trên. Lý do các nước Đông Âu này đưa ra là những khó khăn về mặt kinh tế và phúc lợi xã hội nếu họ tiếp nhận một số lượng lớn người nhập cư. Các vấn đề như xung đột văn hóa, tôn giáo và an ninh cũng được các nước này cân nhắc.

Theo người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) A.Gu-tê-rết, cuộc khủng hoảng di cư hiện nay đang được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Nỗ lực bảo vệ, tiếp nhận người tị nạn của các nước EU đã góp phần ngăn chặn những vụ tai nạn thương tâm, nhưng trên tất cả, biện pháp lâu dài và hiệu quả nhất vẫn là chấm dứt tình trạng nghèo đói, xung đột tại châu Phi. Do đó, vấn đề người di cư sẽ tiếp tục khiến châu Âu phải chao đảo trong quãng thời gian dài phía trước.