Theo EEA, gần như tất cả người dân sống tại các thành phố của châu Âu đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm gây hại cho sức khỏe con người.
Báo cáo của EEA cho rằng, ô nhiễm không khí hiện là mối đe dọa lớn nhất của môi trường đối với sức khỏe con người. Chuyên gia về chất lượng không khí của EEA, ông González Ortiz cho biết, dù mức độ của các hạt có hại trong các thành phố của châu Âu đang giảm nhưng chưa đủ nhanh. “Chúng ta chưa đạt được tiêu chuẩn của EU và dĩ nhiên chúng ta vẫn cách xa các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)”, ông Ortiz cảnh báo.
Quy định của Liên hiệp châu Âu (EU) yêu cầu các nước thành viên đánh giá mức độ của các chất gây ô nhiễm, đặc biệt là tại khu vực thành thị, và đưa ra hành động nếu có một số chất vượt giới hạn cho phép.
Tòa án Tối cao EU trong tháng 6 vừa qua đã ra phán quyết, các thành phố cần hành động khi tình trạng ô nhiễm vượt mức cho phép dù chỉ tại một địa điểm, thay vì đưa ra quyết định dựa trên mức trung bình trên toàn khu vực. Ngoài ra, EU cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn chặt chẽ hơn để ứng phó với tình trạng ô nhiễm dạng hạt.
Tháng 7-2019, Ủy ban châu Âu đã đưa vấn đề ô nhiễm không khí ở Tây Ban Nha và Bulgaria ra Tòa án Công lý EU, đồng thời cảnh báo các nước trong khu vực đang không thể bảo vệ người dân trước tình trạng ô nhiễm.
EU đã công bố giới hạn cho phép của từng chất gây ô nhiễm, và trong năm 2017, 16 trong tổng số 28 nước thành viên EU đã ghi nhận ít nhất một trường hợp có mức độ nitrogen dioxide, một loại khí độc trong phát thải xe ô-tô, cao hơn mức bình quân hằng năm mà EU cho phép. Trong danh sách các nước này có Pháp, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức và Anh. Một số nhà ga tại thủ đô London đã ghi nhận có hơn 50 microgram nitrogen dioxide/m3 không khí, nhiều hơn 10 microgram theo quy chuẩn của EU.
Thứ ba tuần này, Chính phủ Anh đã đề xuất một dự luật môi trường mới, gồm những tiêu chuẩn mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm làm giảm các hạt mịn trong không khí và buộc các hãng sản xuất xe hơi thu hồi sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn phát thải các loại hạt ra môi trường.
* Ô nhiễm không khí tác động nặng nề nhất tới trẻ em ở Nam Á