ND - Theo các nguồn tin nước ngoài, hàng triệu người châu Á đã chứng kiến nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ trong sáng 22-7. Nhật thực toàn phần bắt đầu xuất hiện từ Ấn Ðộ sau đó di chuyển khắp các vùng rộng lớn khác của châu Á và tới miền nam Nhật Bản và cuối cùng là khu vực Thái Bình Dương.
Tại Ấn Ðộ, hàng nghìn người theo đạo Hindu ở TP Varanasi, đã đổ ra bờ sông Hằng để tắm, cầu nguyện và quan sát khi hiện tượng nhật thực xảy ra. Ở đây có thể nhìn thấy hiện tượng nhật thực rõ nhất và kéo dài 3 phút 48 giây. Tại Trung Quốc, 9 giờ 15 phút (giờ địa phương) bắt đầu diễn ra nhật thực toàn phần và kéo dài khoảng bốn phút. Ở đông Trung Quốc, mưa và mây che phủ khiến nhiều người không thể ngắm hiện tượng này. Tuy nhiên, nhiều người đã kéo tới thung lũng sông Dương Tử, nơi nhật thực diễn ra rõ và lâu nhất. Nhiều khách du lịch từ Anh, Ðức, Australia... cùng với người dân Trung Quốc quan sát hiện tượng nhật thực toàn phần. Nhiều khu vực ở Trung Quốc từ Tây Tạng tới TP Thượng Hải đều được chứng kiến nhật thực toàn phần. Hàng triệu người đã đổ ra bờ sông Hoàng Hà và sông Dương Tử để quan sát nhật thực. Nhật thực cũng xuất hiện ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Nepal, Myanmar, Banglades, Butan và một số đảo Thái Bình Dương. Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), nhật thực kéo dài nhất tại khu vực Thái Bình Dương, với tổng thời gian lên tới 6 phút 39 giây.
Tuy nhiên, Việt Nam nằm ngoài vùng quan sát toàn phần nên chỉ nhìn thấy nhật thực một phần. Từ sáng sớm, các tỉnh phía bắc, nhất là khu vực Hà Nội trời khá quang mây, nắng sớm. Thời điểm 7 giờ sáng, không ít nơi, nhiều người dân bằng các hình thức, dụng cụ khác nhau đã tập trung ở cầu Long Biên, Nhà hát Lớn thành phố, tượng đài Lý Thái Tổ... để quan sát hiện tượng nhật thực dài nhất thế kỷ. Ðặc biệt, tại sân thượng nhà C, Khoa Vật lý, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, nơi đặt kính thiên văn vô tuyến và kính thiên văn quang học, hàng trăm giáo viên, sinh viên và những người quan tâm đã đến đây để quan sát, chụp ảnh.
Theo Phó Chủ tịch Hội thiên văn Việt Nam Phan Văn Ðồng, thời điểm khoảng 7 giờ 20 phút, một số địa điểm ở Hà Nội nhìn thấy nhật thực một phần rõ nhất. Tại TP Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư của thành phố đã chọn Nhà văn hóa thiếu nhi TP Hồ Chí Minh làm nơi quan sát. Các hội viên đã lắp đặt ba kính thiên văn và hàng trăm kính tự tạo bằng vật liệu bảo đảm để quan sát. Tuy nhiên do trời âm u, nên chỉ quan sát được nhật thực tương đối rõ vào lúc 8 giờ 13 phút. Trong khi ở Hà Giang, nơi được dự báo là tỷ lệ quan sát nhật thực lớn nhất ở nước ta (gần 76%) đã không xảy ra như mong muốn. Bởi thời tiết sáng 22-7 ở đây, trời nhiều mây, có mưa lắc rắc, cho nên hơn 9 giờ trời quang thì hiện tượng nhật thực mới xảy ra trong chốc lát.
Nhật thực là hiện tượng thiên nhiên xảy ra khách quan, không có gì bí hiểm. Những dữ liệu do các nhà chuyên môn ghi nhận được là cơ sở khoa học để nghiên cứu và điều chỉnh các thông số thiên văn (nếu cần)...