Chàng trai dân tộc Lào với mong ước thoát nghèo

Dù đã được thông tin về mô hình kinh tế kết hợp vườn-chuồng của Lò Văn Dũng, chàng trai dân tộc Lào ở bản Mường Luân 2, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), vậy mà khi tới thăm, chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Lò Văn Dũng (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn người dân bản Mường Luân 2 cách chăm sóc đàn lợn.
Anh Lò Văn Dũng (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn người dân bản Mường Luân 2 cách chăm sóc đàn lợn.

Bởi ở nơi thượng nguồn sông Mã có bốn bên núi liền núi, quanh năm khí hậu khắc nghiệt như nơi này mà rau, đỗ trong vườn nhà Dũng vẫn xanh mướt. Chẳng những thế, đàn lợn với gần 100 con mượt lông, chũn chĩn của gia đình Dũng càng khiến nhiều người thán phục!

Đưa chúng tôi thăm khu chăn nuôi, trồng trọt trong khuôn viên hơn 15.000m2, Lò Văn Dũng giới thiệu chức năng từng khu riêng biệt: Ô đầu trong dãy dành để nuôi gà; tiếp đến dãy chuồng lợn và sau cùng là khu nhốt bò.

Sở dĩ Dũng cho xây dựng khu chăn nuôi liền nhau là để tiện chăm sóc, vệ sinh chuồng trại và thêm nữa là đêm hôm nếu có động ở chuồng gà thì lợn, bò sẽ kêu. Cách khu chăn nuôi một quãng là khoảnh vườn 7.000m2 trồng nhiều loại rau, đỗ, bí. Cây nào cây ấy xanh mướt, trĩu quả.

Nghe khách trầm trồ khen cách làm vườn-chuồng, Dũng mới khẽ nói: Những gì các anh chị thấy hôm nay là thành quả mấy nghìn ngày vợ chồng em đổ mồ hôi kiến thiết. Nói rồi, anh ngồi xuống bấm đốt ngón tay để nhớ lại những tháng ngày vất vả đã qua.

Năm 2005, Dũng tròn 20 tuổi. Như bao thanh niên khác ở nơi này, Dũng đã quyết định kết hôn với cô gái xinh đẹp Lò Thị Việt và hy vọng có vợ có chồng sẽ có thêm sức thực hiện ước mơ. Chẳng cao sang gì, vợ chồng Dũng chỉ mong trời thương cho mưa thuận gió hòa để cây lúa trĩu bông và cây ngô cho bắp, để gia đình Dũng và người Lào bản Mường Luân không còn cảnh ăn bữa hôm nay lo bữa ngày mai.

Vậy mà năm lại năm, qua sáu mùa măng chọc đất chui lên, gia đình nhỏ của Dũng vẫn thuộc hộ nghèo. Cuối năm 2010, người dân bản Mường Luân 2 “bình chọn” gia đình Dũng là hộ nghèo, nên vợ chồng anh được hỗ trợ một con trâu làm giống. Ngày đem trâu về, Dũng buồn lắm. Người trong gia đình, dòng họ và cả dân bản đều hỏi nguyên do nhưng anh chỉ lẳng lặng quay đi…

Những ngày sau, Dũng làm ngày làm đêm, làm đến quên ăn quên ngủ trên nương ngô, nương lúa. Mỗi mùa thu hoạch anh lại cẩn thận cân từng bao rồi để riêng nhà ăn; còn bao nhiêu anh đem bán lấy tiền gửi mẹ giữ. Cuối năm 2012, Dũng dốc toàn bộ tiền dành dụm thuê máy san gạt mảnh nương sau nhà để làm vườn trồng rau.

Nhìn vườn rau rộng tới 7.000m2, nhiều người cùng bản… cười khẩy, nhưng Dũng chẳng bận tâm. Chỉ tới khi lứa rau đầu được thu hoạch bán cho trường học trong xã thì anh mới lựa lời nói khẽ để người dân hiểu về dự định, về những tháng ngày anh trăn trở tìm cách thoát nghèo.

Mải miết làm mùa này qua mùa khác, suốt hai năm liền vợ chồng Dũng chỉ chuyên tâm trồng rau cung cấp cho trường học và người dân trong xã. Tiền bán rau thu về, Dũng tiếp tục đầu tư nuôi lợn thịt, lợn nái. Cuối năm 2014, gia đình Dũng chính thức được “xóa” tên trong danh sách hộ nghèo của bản Mường Luân 2.

Những ngày sau, khi đã có nhiều vốn hơn từ tiền lãi trồng rau, nuôi lợn, Dũng bàn với vợ làm thêm chuồng để nuôi trâu, nuôi bò đẻ; lợn thịt, lợn nái cũng tăng từ 10 đến gần 100 con… “Trong 5 năm trở lại đây mỗi năm gia đình em đều có nguồn thu nhập hơn 500 triệu đồng từ bán rau, bán lợn, trâu, bò giống. Thóc, ngô làm ra cũng nhiều nhưng gia đình em không bán mà để lại chăn nuôi” - Dũng vui vẻ cho biết.

Cùng chúng tôi thăm mô hình vườn-chuồng của gia đình Dũng, Trưởng bản Mường Luân 2 Lò Văn Tuấn tự hào khoe: Không chỉ là điển hình của bản hay xã, mô hình kinh tế của gia đình Dũng còn là điển hình trong huyện, trong tỉnh. Cách làm kinh tế của gia đình Dũng là minh chứng rõ ràng cho sự chăm chỉ làm lụng trên đồng đất quê hương.

Nhìn vào cách làm, thành công của gia đình Dũng, mấy năm gần đây thanh niên trong bản Mường Luân 1, Mường Luân 2 và các bản lân cận đã mạnh dạn vay vốn thực hiện các mô hình. Bản thân Dũng, sẵn kinh nghiệm của mình, anh luôn nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống để các gia đình trẻ lập nghiệp.

Từ sự giúp đỡ của Dũng, mỗi năm toàn xã Mường Luân có thêm hàng chục gia đình phát triển kinh tế bằng trồng trọt, chăn nuôi; từ đó người dân có điều kiện chung sức thực hiện chương trình nông thôn mới. Đến hôm nay, Mường Luân đã là xã hoàn thành cơ bản các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và trở thành xã tiêu biểu cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Điện Biên Đông vốn rất nhiều gian khó.

Trước lúc chào Dũng và người dân bản Mường Luân 2 về thành phố, tôi cố nán lại hỏi thêm Dũng về cái nguyên do “Vì sao Dũng buồn khi nhận trâu hỗ trợ hộ nghèo ngày ấy?”, thì Dũng khẽ cười. Tiễn khách thêm một quãng đường, anh mới nói: “Ngày ấy em thật sự xấu hổ chị ạ.

Bảo là ốm bệnh, đau yếu thì đành nhẽ, đằng này em còn trẻ lại có sức khỏe mà lại thuộc diện cuối tốp nghèo của bản, của xã. Em xấu hổ lắm! Xấu hổ đến nỗi không thể nói với ai, nhưng hôm nay thì em nói được điều này rồi. Và chính điều làm em xấu hổ cũng là điều thôi thúc em không ngừng suy nghĩ, không ngừng làm việc với mong ước thoát nghèo…”!.

Trong số năm cá nhân điển hình tiên tiến của tỉnh Điện Biên vinh dự được dự Hội nghị biểu dương tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc tại Hà Nội, Lò Văn Dũng ở bản Mường Luân 2, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023).