Chặng đường nhiều thách thức của Ai Cập

Đương kim Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Người dân kỳ vọng nhà lãnh đạo Ai Cập sẽ chèo lái quốc gia Bắc Phi thoát khỏi tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay, cũng như giữ vững hòa bình, ổn định trước những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đang nổi lên trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi. Ảnh: Reuters
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi. Ảnh: Reuters

Với 89,6% số phiếu ủng hộ, ông Abdel Fattah El-Sisi đã giành chiến thắng áp đảo trước các ứng cử viên tổng thống, cụ thể là Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Ai Cập Farid Zahran, Chủ tịch đảng Wafd Abdel-Sanad Yamama và Chủ tịch đảng Nhân dân Cộng hòa Hazem Omar - những người lần lượt giành được 4%, 1,9% và 4,5% số phiếu bầu. Như vậy, ông El-Sisi tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước đến giữa năm 2030.

Chiến thắng của ông El-Sisi được cho là không nằm ngoài dự đoán, nhờ uy tín và những thành tựu trong hai nhiệm kỳ qua. Vượt qua những giai đoạn bất ổn, đến nay, Ai Cập đã giữ vững tình hình an ninh, chính trị nội bộ trong một khu vực đầy rẫy biến động, xung đột. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống El-Sisi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với mọi công dân tham gia cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ sáu năm tới, bộ máy lãnh đạo của quốc gia Bắc Phi sẽ phải đương đầu không ít khó khăn để chèo lái đất nước, trong đó có triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm. Thời gian qua, như mọi nền kinh tế khác trên thế giới, nền kinh tế vốn rất mong manh của Ai Cập cũng chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19 và hệ lụy từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo báo cáo mới đây của Viện Tài chính quốc tế (IIF), nền kinh tế Ai Cập dự kiến chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 3,3% trong tài khóa 2023-2024, thấp hơn so với mức tăng 3,8% ghi nhận trong tài khóa 2022-2023. Báo cáo của IIF nêu bật một số yếu tố có thể gây ra sự suy giảm xuất khẩu của Ai Cập trong tài khóa 2023-2024, như lạm phát gia tăng, thiếu hụt ngoại tệ, căng thẳng địa chính trị và gián đoạn nguồn cung hàng hóa.

Tình trạng bất ổn trong khu vực, nhất là các cuộc xung đột ở Libya, Gaza và Sudan, cũng tạo ra những thách thức an ninh đối với Ai Cập. Đặc biệt, xung đột giữa Hamas và Israel không chỉ khiến lực lượng hai bên chịu thiệt hại mà còn ảnh hưởng lớn đến các nước láng giềng. Xung đột ở Gaza có thể dẫn đến một làn sóng khổng lồ người tị nạn đổ về bán đảo Sinai của Ai Cập. Sự leo thang các cuộc giao tranh đe dọa hủy hoại an ninh và hòa bình của toàn khu vực, và chắc chắn môi trường đầu tư cũng như các chính sách phát triển đất nước của Ai Cập sẽ bị ảnh hưởng.

Nguy cơ quá tải dân số là một vấn đề khác của quốc gia Bắc Phi. Người đứng đầu Hội đồng dân số quốc gia Ai Cập (NPC) Tarek Tawfik từng cảnh báo, dân số Ai Cập ước tính sẽ đạt từ 142 đến 157 triệu người vào năm 2050, tạo những áp lực lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, nhà ở.

Theo quan chức này, vùng Thượng Ai Cập và các tỉnh biên giới có tỷ lệ sinh cao nhất do các chiến dịch kiểm soát sinh đẻ tập trung vào khu vực thủ đô Cairo và các tỉnh đồng bằng sông Nile. Trong nhiều năm qua, Ai Cập đã nghiên cứu và triển khai nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng quá tải dân số.

Bà Neven Othman, thành viên Hội đồng Quốc gia về trẻ em và làm mẹ của Ai Cập đánh giá, sự gia tăng dân số sẽ tạo ra một nguồn nhân lực lớn nếu có thể phát triển phù hợp tăng trưởng kinh tế và được đầu tư tốt. Bên cạnh đó, Ai Cập vẫn đang nỗ lực giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước liên quan đập thủy điện Đại phục hưng được xây dựng trên sông Nile Xanh.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới cùng lãnh đạo các đảng phái trong nước đã chúc mừng chiến thắng của ông El-Sisi, nhấn mạnh rằng kết quả cuộc bầu cử phản ánh niềm tin của người dân Ai Cập vào tương lai đất nước dưới sự dẫn dắt của ông. Thời gian tới, giới lãnh đạo Ai Cập sẽ phải nỗ lực cải cách kinh tế, đẩy mạnh chống khủng bố, tham gia tích cực xử lý các cuộc khủng hoảng để bảo đảm tình hình ổn định trong khu vực.