Người Anh, người bạn lớn của văn nghệ sĩ từ thuở ban đầu của Hội Văn hóa cứu quốc

NDO -

NDĐT- Trong hồi ký của mình, nhớ về cái thuở ban đầu, khi được đồng chí Lê Quang Đạo chỉ đạo công tác văn hóa cứu quốc: ông Vũ Quốc Uy đã dành những dòng quý trọng, thương mến: “Lúc này, đồng chí Đạo còn mang bí danh hơi lạ là Miện, người gầy còm bé nhỏ, bề ngoài trẻ hơn tuổi thật nhiều, thường mặc quần áo ta, giống y hệt một anh học trò đệ nhị hay đệ tam trung học; nhưng tiếp xúc mấy bận, chúng tôi đã mến đồng chí, vì dưới con mắt chúng tôi lúc đó, không những đồng chí là một người vững vàng, hoạt bát mà còn có nhiều tình cảm và rất yêu văn hóa văn nghệ”.

Đó là sức hút, là mối tương giao đồng cảm để ông thu phục anh e

Ông “Đốc lý đỏ” trong lòng văn nghệ sĩ Hà Nội

Lần nào cũng vậy, câu chuyện về ông, người bạn đời, người đồng chí, luôn được bà Nguyễn Thị Nguyệt Tú đã 91 tuổi kể lại bằng cách gọi rất trẻ: “anh Đạo”. Bà lọ mọ tìm ra cho tôi xem tư liệu cũ, sách cũ đã ố vàng trong thư viện gia đình để tra lại một sự kiện, một nhân chứng… và chia sẻ cái sự lục vấn chuyện ngày xưa không bao giờ hết của tôi.

“Dưới sự chỉ đạo của anh Trường Chinh, các anh Hoàng Quốc Việt, Mười Hương, Lê Quang Đạo đều có các nhân mối bí mật để chuẩn bị cho việc thành lập nhóm văn hóa cứu quốc đầu tiên, nhưng anh Đạo là Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội, Ủy viên Xứ ủy nên được Trung ương Đảng phân công trực tiếp phụ trách trí thức văn nghệ sĩ của thành phố Hà Nội”. Nghe bà nói, tôi vỡ lẽ ra một điều rất hiển nhiên - một số trí thức văn nghệ sĩ đã từng xung trận, theo Đảng làm báo công khai thời kỳ mặt trận Dân chủ Đông Dương chính là lực lượng quan trọng, làm nòng cốt để chuẩn bị cho cuộc cách mạng về văn hóa trong tình hình mới. Ngay từ bước chuẩn bị thành lập tổ chức văn hóa cứu quốc, tháng 4-1943, Trung ương đặc biệt quan tâm đến Hà Nội. Thường vụ Trung ương giao cho ông Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt theo đường dây đơn tuyến, bí mật chỉ đạo công tác văn hóa ở địa bàn Hà Nội; đồng thời, giao nhiệm vụ cho ông Lê Quang Đạo trực tiếp phụ trách giới văn nghệ sĩ của thành phố: nắm lại tình hình tư tưởng của họ và từng bước tuyên truyền Đề cương văn hóa Việt Nam để lập tổ chức Văn hóa cứu quốc Hà Nội, lấy đó làm hạt nhân để phát triển ra các địa phương.

Nhưng cái gì toát lên ở ông Đốc lý đỏ - cái tên mà bọn địch kính phục gọi ông là Maitre Rouge, khiến cho những văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn như Vũ Quốc Uy, Như Phong, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, ưa tự do sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán, khát khao xã hội dân chủ, bình đẳng, bác ái của cách mạng dân chủ tư sản Pháp, đã tâm phục khẩu phục ông ngay từ đầu? Khí chất hòa nhã, lịch lãm của người Đình Bảng - Kinh Bắc ngấm vào máu thịt; và sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến anh em, khiến người diện kiến cảm mến ông. Nguyễn Đình Thi, vốn là cây triết học của trường Luật lúc ấy, đã viết bài cho tạp chí Tri Tân, in sách ở nhà xuất bản Tân Việt, nhớ như in cảm xúc ban đầu khi gặp ông: “Tôi thấy đồng chí cấp trên của Đảng cũng còn trẻ như chúng tôi, có lẽ Anh chỉ hơn tôi vài tuổi. Gương mặt anh hiền. Anh cười hòa nhã hỏi chúng tôi có suy nghĩ gì về bản Đề cương văn hóa của Đảng…Nói hết một ý anh Đạo hay cười nhìn chúng tôi và thêm hai tiếng “Thế à” (1).

Ánh sáng của Đề cương văn hóa Việt Nam đã rọi chiếu vào Hà Nội cuối thu năm 1943.Trên gác thượng nhà 124 phố Lô cốt Bắc (nay là phố Phó Đức Chính) trong một đêm trăng sáng vằng vặc, các ông Như Phong, Vũ Quốc Uy, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi được họp với đồng chí Lê Quang Đạo. Đồng chí “khai hội”, nêu phương hướng cho các hội viên: Văn hóa cứu quốc phải tranh thủ mọi khả năng hợp pháp, hoạt động công khai để đưa tư tưởng văn hoá của Đảng vào các buổi nói chuyện, diễn kịch, cố gắng ra bằng được một tờ báo bí mật của Hội... Những trái tim tràn đầy nhiệt huyết cứu nước, cùng chung nhịp đập khi họ hiểu rằng, họ đã trở thành người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa. Sau này, các ông Vũ quốc Uy, Như Phong, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài thường nhắc đến kỷ niệm thành lập tổ văn hóa cứu quốc mà hình ảnh người Anh Lê Quang Đạo bé nhỏ, hòa nhã, lấp lóa chiến kính cận đã sát cánh bên họ, thấu hiểu tâm tư của họ không bao giờ phai. “Cuộc họp kéo dài đến quá nửa đêm…Đường phố mờ mờ dưới ánh đèn phòng thủ..Chúng tôi cứ thắng đường mà đi, trong lòng như reo như thét.Phía trước chúng tôi đã có một đường của chúng tôi, thẳng và sáng”(2).

Từ nhóm cốt cán này, lực lượng của Hội văn hóa cứu quốc phát triển ra các nhà văn, nhà báo Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Văn Lợi,Thép Mới, Nam Cao, Trần Huyền Trân…Các cụ Đặng Thai Mai, Ngô Tất Tố…thì vào Hội Văn hóa cứu quốc theo đường dây đơn tuyến của cụ Học Phi, nhận chỉ thị của Thường vụ Trung ương. Đến trước khởi nghĩa, Hội đã có khoảng 30 hội viên ở Hà Nội và từ đây, lan xuống Nam Định, lan ra Hải Phòng...

Làm báo cứu quốc

Nguyễn Đức Nguyện là tên cha mẹ đặt cho ông khi chào đời năm 1921. Cái tên Lê Quang Đạo – Con đường sáng - gắn với ông từ khi thoát ly đi hoạt động bí mật năm 1940. Nhưng duyên nghiệp báo chí, làm công tác viên một số báo công khai của Đảng thì ông đã kết từ khi ông Đào Duy Kỳ làm báoThế giới bồi dưỡng cách làm báo. Năm 1943, Ban biên tập báo Cứu quốc do ông Nguyễn Khang phụ trách; ông Lê Quang Đạo và bà Trần Thị Minh Châu đều là ủy viên. Mỗi tháng một lần, ba người của nhóm biên tập gặp nhau về một địa điểm bí mật, ngồi lỳ trong buồng ở nhà cơ sở để kiểm lại tình hình số báo cũ và phân công viết bài của số báo mới. Ông Trường Chinh tổng duyệt trước khi in. Những ngày gian khổ ấy, ông Nguyễn Khang và bà Minh Châu đặt biệt hiệu cho ông là Người vui tính, bởi cách đùa dí dỏm, hài hước của ông (3).

Năm 1944, chính ông Lê Quang Đạo tìm về Xuân Phương - quê hương ông Xuân Thủy để đưa ông Thủy đang bị quản thúc - bí mật rời làng, đến gặp Tổng Bí thư Trường Chinh và được giao nhiệm vụ làm báo Cứu quốc cùng ông Đạo. Từ tháng 10-1944, báo chuyển về thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn; ông Xuân Thủy trực tiếp phụ trách Tòa soạn. Dù ở BanThường vụ Xứ ủy, ông Lê Quang Đạo vẫn trong Ban biên tập, thường xuyên đến Đa Phúc và không quên viết bài cho báo với bút danh Ái Dân. Bài viết chung với ông Xuân Thủy thì hai ông lấy bút danh Hai chàng (4).

Ra đời tại làng Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, Sóc Sơn, báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh nhanh chóng phát triển và phát hành bí mật đến các tỉnh thành. Bà Nguyệt Tú kể: “Hồi học ở trường Đồng Khánh, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, nhóm nữ sinh cứu quốc của Quốc học Huế đã được đọc tờ Cứu quốc rồi”. Tiếng nói của Việt Minh đã đến với muôn nhà, muôn người yêu nước,thúc giục họ vùng lên giành quyền sống của Con Người trong tự do độc lập.

Cách mạng tháng Tám thành công, Hội Văn hóa cứu quốc đóng trụ sở tại 36 phó Vua Lê (nay là phố Lê Thái Tổ, trụ sở báo Hà Nội mới). Ngày 24-8-1945, báo Cứu quốc đã ra phát hành công khai, rộng rãi toàn quốc. Thành công lớn, niềm vui lớn đó có sự chỉ đạo nhạy bén của đồng chí Lê Quang Đạo, Xuân Thủy, mà người trực tiếp tạo điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật cho báo in được hàng vạn bản là ông Nguyễn Trí Uẩn. Ông đã có sáng kiến xin “thượng cấp” trưng dụng máy móc nhà in Taupin (Tô-panh) của chủ tư bản Pháp để in kịp thời in báo Cứu quốc đêm 23-8-1945. Sáng 24-8-1945, hàng vạn tờ báo thơm mùi giấy mới đến tay bạn đọc trong niềm hân hoan khôn tả của toàn dân đang mê say và tràn đầy nhiệt huyết xây cuộc đời mới trong những ngày “vui bất tuyệt”.

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Cố Chủ tịch Quốc Hội Lê Quang Đạo đã thấm lời dạy ấy của Bác ngay từ trong những ngày gian khổ của cách mạng, để làm người Anh, người bạn lớn của giới trí thức văn nghệ sĩ, thức dậy khả năng tiềm tàng và sức sáng tạo mới của họ, phục vụ quần chúng nhân dân. Trung tướng Hồng Cư đã dành những lời gan ruột với người đồng đội chung chiến hào: Một con người tài năng và tâm huyết, đầy sức thuyết phục, hấp dẫn bởi trí thức và tấm lòng. Một tâm hồn nhạy cảm và nhân ái, vị tha; một trí tuệ sắc sảo không khuôn sáo, luôn luôn tìm tòi luôn luôn phát hiện, luôn luôn đổi mới. Bao trùm lên trên hết là một phẩm chất cộng sản vì Nước vì Dân chí công vô tư “(5).

Ông và những người đi tiên phong trong công cuộc khởi dựng nên diện mạo mới của Văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đã và sẽ mãi mãi đồng hành cùng văn hóa dân tộc.

(1), (3), (4): Lê Quang Đạo (1921-1999), NXBQĐND, 2000, tr 94;50;68; 196

(2) Như Phong: Tuyển tập Như Phong,tập I, NXBVH, 1994, tr 301