Họa sĩ Quang Phòng và những ngày đầu mỹ thuật cách mạng

Ông cũng là người có công ghi lại một cách công phu lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam qua những tác phẩm nghiên cứu đồ sộ như  Các họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương; Mỹ thuật hiện đại Việt Nam; Tranh khắc gỗ Việt Nam; Mỹ thuật Thủ đô Hà Nội thế kỷ 20 ...

Năm 1943, họa sĩ Quang Phòng đang là sinh viên năm thứ hai Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương. Không khí của những ngày tiền khởi nghĩa đã thấm sâu vào tâm hồn những thanh niên, sinh viên, học sinh yêu nước, có tinh thần dân tộc thời ấy, dù họ chưa ý thức rõ ràng về cách mạng. Hưởng ứng phong trào Việt Minh rải truyền đơn, dán khẩu hiệu "đánh Pháp đuổi Nhật" trên đường phố, ở những nơi công cộng, trên thành xe điện Hà Nội- Hà Ðông, cắm cờ trên tà-vẹt xe điện..., là những công việc mạo hiểm mà họa sĩ Quang Phòng, cùng một số bạn học khác như họa sĩ Nguyễn Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên đã làm với niềm hào hứng của tuổi trẻ.

Việc tham gia những triển lãm mỹ thuật do các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nam Sơn, Nguyễn Tiến Chung tổ chức để tạo một không khí nghệ thuật tự khẳng định mình, hay trang trí sân khấu cho vở Hội nghị Diên Hồng của Huỳnh Văn Tiểng, một vở kịch có tính đấu tranh chính trị, với ông, cũng là những hành động yêu nước đầy tự nguyện.

Cách mạng Tháng Tám thành công giống như một cơn gió mạnh thổi bùng ý thức dân tộc của cả giới mỹ thuật Việt Nam thời kỳ ấy. Họa sĩ Quang Phòng nay đã ở tuổi 81, ông vẫn không thể quên được khí thế Việt Nam vừa giành độc lập tháng 9-1945, cả giới mỹ thuật dấy lên một phong trào sáng tác và vẽ tranh cổ động ủng hộ Việt Minh, bảo vệ chính quyền cách mạng với một tinh thần hưng phấn chưa từng thấy. Ông cũng đã vẽ những áp-phích có chú thích bằng thơ lục bát, được nhân dân xem rất đông.

Những ngày ấy, các họa sĩ quên ăn quên ngủ, say sưa, miệt mài trong các phòng vẽ của Trường cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, vẽ những tấm áp-phích khổ lớn hai ba chục mét vuông, với những hàng chữ tiếng Anh to đậm để đập vào mắt quân Ðồng minh. Nước Việt Nam của người Việt Nam của Trần Văn Cẩn treo phủ kín cả tòa nhà Ðịa ốc ngân hàng ở phố Ðinh Tiên Hoàng bây giờ, còn Toàn dân đấu tranh cho độc lập thống nhất Việt Nam của Nguyễn Sáng cũng treo lút tầng trên quán rượu Nhà Vua. Nhiều tranh tường của nhóm họa sĩ Phan Thông, Thân Trọng Sự, Mai Văn Nam. Một phòng tranh khắc gỗ mầu hơn 30 bức của Lê Phả và Huỳnh Văn Thuận cổ động cho phong trào bình dân học vụ và tăng gia sản xuất..., tất cả đều được vẽ với một tinh thần sôi nổi, tự phát, nồng nàn lòng yêu nước, yêu chế độ mới.

Cùng với đó, là các hoạt động mỹ thuật mang tính tổ chức hơn, chẳng hạn các họa sĩ, nhà điêu khắc Tô Ngọc Vân, Nguyễn Thị Kim vẽ tranh nặn tượng Hồ Chủ tịch. Các họa sĩ Mai Văn Hiến, Nguyễn Sáng, Nguyễn Huyến... vẽ mẫu tiền đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước trong thời kỳ đầu mới thành lập. Lượng tác phẩm thời kỳ này khá nhiều, thể hiện lòng say mê sáng tác trong không khí mới tràn đầy háo hức của cả giới mỹ thuật.

Triển lãm mỹ thuật 8-46 tại Nhà hát Lớn Hà Nội được coi là triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất, đã nêu bật chủ đề về con người và cuộc sống mới: Hình ảnh các chiến sĩ tự vệ mũ ca-lô sao vàng, các nữ sinh áo dài tuyên truyền việc quyên tiền cho Tuần lễ vàng, cho công tác Bình dân học vụ, chống giặc đói giặc dốt.

Một không khí sáng tạo tưng bừng được tiếp diễn và nhân rộng chưa từng thấy trong các họa sĩ. Rất nhiều chất liệu và rất nhiều tìm tòi mới mẻ trên sơn mài, sơn dầu, lụa, bột mầu, khắc gỗ..., được trình bày tại triển lãm, cũng tưng bừng như không khí ngoài phố, với những đoàn người rầm rộ biểu tình, cờ đỏ sao vàng tràn ngập trong nắng vàng rực rỡ. Sự dứt khoát trong đổi mới ngôn ngữ hội họa của các họa sĩ vào thời ấy vừa đáng trân trọng, vừa đáng yêu, vừa vô cùng cảm động. Ðấy cũng là thời kỳ đầu của một công cuộc dấn thân sắp đến vào trong cuộc trường chinh của nhiều thế hệ những người nghệ sĩ - chiến sĩ, mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mới chỉ là chương mở đầu.

Những tác phẩm lớn đã manh nha xuất hiện, mở đầu một cách rực rỡ cho nền mỹ thuật cách mạng ngày càng nhiều thành tựu suốt những năm qua. Các tác phẩm đầu tiên: Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ Phủ (khắc gỗ của Tô Ngọc Vân), Xuống đồng (lụa của Trần Văn Cẩn), Chợ Bờ (sơn mài của Nguyễn Văn Tỵ), Lớp bình dân (bột mầu của Dương Bích Liên), Góc phố Hàng Bút (khắc gỗ của Phạm Văn Ðôn), Tượng Hồ Chủ tịch của Nguyễn Thị Kim, Chân dung Hồ Chủ tịch (đồng) của Vũ Cao Ðàm, họa sĩ sống tại Pháp, khi Bác sang dự Hội nghị Fontainebleau 1946..., cho thấy những chuyển biến rõ rệt từ mỹ thuật phục vụ cái đẹp sang mỹ thuật phục vụ cách mạng, mỹ thuật phản ánh hiện thực rộng lớn và những thành tựu đáng kể đầu tiên đủ sức hấp dẫn lòng say mê sáng tạo của nhiều họa sĩ đang trẻ trung, hồ hởi bay theo một làn gió mới.

Quang Phòng cũng tham gia triển lãm Mỹ thuật tháng tám năm 1946 với bốn bức tranh: Trai phòng; Nhà sàn người Trại ở Sơn Tây; Trên cầu thang lên nhà sàn; Gia đình người thợ rèn ... (tác phẩm này được giải Quốc hội tặng).

"Toàn quốc kháng chiến nổ ra, tôi định xin vào Trung đoàn Thủ đô ở lại Hà Nội chiến đấu trong đội quân quyết tử - họa sĩ Quang Phòng kể - Nhưng ông Ðào Duy Kỳ khuyên tôi đi theo đoàn tuyên truyền kháng chiến "Giải phóng" mà ông mới cho thành lập ở Hà Ðông. Thế là tôi gia nhập đoàn "Giải phóng", trước khi đi còn tranh thủ vẽ tranh Hà Nội chiến đấu, cùng Dương Bích Liên vẽ và dán bích chương bằng hai thứ tiếng Việt - Pháp chủ đề "Thủ đô chuẩn bị" có lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bờ Hồ vài hôm trước Ngày toàn quốc kháng chiến...".

Cùng với rất nhiều họa sĩ, nghệ sĩ khác, họa sĩ Quang Phòng tham gia kháng chiến với niềm say mê, rạo rực. Ông đi theo Ðoàn kịch Giải phóng, mở triển lãm lưu động khắp các tỉnh Việt Bắc, rồi tham gia quân đội, vẫn vẽ không ngừng để làm nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng. Sau kháng chiến, ông làm công tác nghiên cứu tại Trường cao đẳng Mỹ thuật, rồi Nhà xuất bản Mỹ thuật và đã hoàn thành nhiều bộ sách có giá trị về mỹ thuật cách mạng Việt Nam - nền mỹ thuật ông đã hết lòng cống hiến sức lực của cả đời mình...