Gã "khùng" không sợ đám đông

Thay vì khó chịu, hậm hực, Dũng "khùng" lại có vẻ khoái điều đó, như cách mà anh đã chọn để tạo dựng tên tuổi trong làng nghệ thuật: tài hoa, độc đáo và đầy cá tính.

NGUYỄN QUANG DŨNG là con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nhưng, danh tiếng của người cha đôi khi lại khiến Dũng khó xử, khi luôn bị cái bóng của ông trùm lên. Cách để Dũng "phản kháng" với định kiến "con ông cháu cha" mà người đời thường mặc định, chính là nộp đơn thi vào Khoa Ðạo diễn - Trường Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh, hồi ấy mới ở hệ cao đẳng. Rồi, bài tập tốt nghiệp của Dũng, một phim ngắn lấy tứ từ truyện ngắn của cha mình, lập tức tạo được ấn tượng với các thầy cô, bạn bè đồng nghiệp và cả một số ít các nhà báo.

Dịp ấy, hai bộ phim ngắn "Con gà trống" và "Chuột", hai phim tốt nghiệp của Nguyễn Quang Dũng và Vũ Ngọc Ðãng đã phát lộ tố chất của những đạo diễn điện ảnh thế hệ mới, những người trẻ năng động, không hề bị lệ thuộc vào quá khứ. Chỉ cần một "Con gà trống", Dũng đã đủ tự tin xông xênh bước vào làng điện ảnh. Gặp buổi "thiên thời, địa lợi", lúc hiệu ứng phim "Gái nhẩy" của đạo diễn Lê Hoàng đã tạo nên cú hích đáng giá, kéo công chúng quay trở lại các rạp chiếu phim, bỏ tiền mua vé xem phim Việt Nam. Một tư duy mới đã đánh thức cơn mơ ngủ kéo dài của những người làm điện ảnh, phim làm ra không còn chỉ để trình chiếu miễn phí mỗi dịp lễ lạt, kỷ niệm, hay Nhà nước bỏ tiền làm phim rồi lại bỏ tiền cho phát hành phim mang về vùng sâu, vùng xa chiếu phục vụ đồng bào... Các nhà làm phim tư nhân vào cuộc, đáp án bắt buộc cho bài toán đầu tư vào điện ảnh chính là các bộ phim hút người xem. Trong bối cảnh ấy, Nguyễn Quang Dũng đương nhiên là người được tin cậy "chọn mặt gửi vàng", giao trọng trách. 

Trong một khoảng thời gian chưa dài, chỉ năm, sáu năm, Nguyễn Quang Dũng đã có cơ hội làm được nhiều việc hơn thế hệ đàn anh, những người đã phải bỏ ra, có khi là cả cuộc đời. Sau "Con gà trống", Dũng thật sự đã làm phim thị trường, phim để ra rạp, bán vé. "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", một bộ phim hài giả tưởng, lấy tích từ câu chuyện dân gian đầy thâm thúy do Hãng phim Việt - Công ty BHD đầu tư, làm các rạp chiếu phim "sốt" vé tưng bừng. Ngược lại không khí ở các phòng vé, "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" bị chê tơi bời trên các mặt báo. Nhưng Dũng "khùng" chỉ cười, đúng cung cách của mình, rất lễ độ dù vẫn thây kệ.

Dũng "khùng" sở trường dòng phim hài giả tưởng, đầy chất kinh dị nhưng vẫn vô cùng lãng mạn. "Nụ hôn thần chết" ra mắt vào mùa Tết, thắng giòn giã tại các rạp chiếu, khiến nhà sản xuất mùa Tết năm sau lại giao cho Nguyễn Quang Dũng làm tiếp phần sau: "Giải cứu thần chết". Dũng, từ một anh chàng quái tướng, đã trở thành lực hút với công chúng "tuổi teen". Người xem phim của Dũng hầu hết đều trẻ, những cô cậu học trò mơ mộng, thích bay bổng với những mơ tưởng hồn nhiên, trong sáng về tình yêu và cuộc sống. Dũng cũng mát tay, tạo nên nhiều diễn viên mới toanh, trẻ trung, và góp phần đưa họ thành "thần tượng" của một bộ phận công chúng.

Ưa tìm tòi, thậm chí phá phách, không chịu phụ thuộc vào khuôn phép, Nguyễn Quang Dũng đã xác định rạch ròi được cái tên mình trong làng đạo diễn điện ảnh thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Trẻ, thích mạo hiểm, Dũng còn tung tẩy đạo diễn các chương trình nghệ thuật lớn, từ các đêm diễn ca nhạc, cuộc thi hoa hậu đến những sự kiện bó gọn trong một không gian hẹp.

Không phải là nghệ sĩ biểu diễn, nhưng Dũng "khùng" cũng đã thành "người của công chúng". Anh ngồi ghế giám khảo cuộc thi khiêu vũ "Bước nhẩy hoàn vũ", rồi tiếp tục là một trong ba người cầm cân nảy mực cuộc tìm kiếm thần tượng ca nhạc Việt Nam 2010, Việt Nam Ido. Ở bất kỳ đâu, vẻ hài hước đầy bẽn lẽn, cách nói chuyện dí dỏm, đáo để nhưng ân tình của Dũng cũng giúp cả thí sinh lẫn người xem truyền hình thấy thư thái, thoải mái hơn. Nguyễn Quang Dũng, một đạo diễn thế hệ 7X, đã tự tìm lối đi riêng cho mình, không ngại va chạm, không nề hà đám đông, và anh đã bước đầu gặt hái được những trái ngọt dịu dàng.