Quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất là một trong những lĩnh vực quan trọng của thành phố Hà Nội. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai kịp thời, đồng bộ các nội dung quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với hơn 10.700 cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đạt khoảng 97% với tổng diện tích đất hơn 43,7 triệu mét vuông, diện tích nhà là hơn 9,9 triệu mét vuông.
Nhiều bất cập, lãng phí
Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý 803 địa điểm nhà chuyên dùng. Đáng nói là trong tổng số 803 nhà chuyên dùng, có tới 357 địa điểm có vi phạm, chủ yếu là cho thuê lại, liên doanh liên kết, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Do những hạn chế trong công tác khai thác, sử dụng, quỹ nhà, đất công tại Thủ đô, nên nhiều vị trí “vàng” lại chưa thể mang lại cho ngân sách thành phố những “quả trứng vàng”. Trong đó phải kể đến điểm nhà chuyên dùng 281 phố Đội Cấn (quận Ba Đình) cho Công ty cổ phần Du lịch và Xúc tiến đầu tư thuê hơn 9.000m2, và bị đơn vị này biến tướng thành nhà xưởng cấp 4, cho các tổ chức, cá nhân khác thuê lại làm các dịch vụ. Nhà chuyên dùng tại số 43 ngõ Văn Hương, quận Đống Đa do Công ty CP Cao-su Hà Nội đứng tên thuê nhà, nhưng hiện là nơi sinh sống của ba hộ dân...
Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội được thành phố cho thuê đất tại ba địa điểm và hai cơ sở nhà đất, đều nằm ở vị trí mặt đường các tuyến phố lớn trong nội thành, có giá trị kinh tế rất cao, nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, nợ thành phố hơn 70 tỷ đồng tiền thuê nhà, đất. Cá biệt, công ty đã biến hai cơ sở nhà, đất thuê của thành phố tại số 88 phố Lò Đúc và số 437 phố Bạch Mai để sử dụng làm cơ sở chiếu phim và các dịch vụ văn hóa, thành kinh doanh vũ trường, sàn nhảy, bi-a...
Đáng chú ý, có tới 66 điểm trong quỹ nhà chuyên dùng của Hà Nội đang để trống, chưa được khai thác, sử dụng, gây lãng phí nguồn lực. Đơn cử, nhà số 37 phố Hàng Khay, ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm bỏ trống từ lâu nhưng chưa được đấu giá. Biệt thự số 17 phố Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) có diện tích 451m2, vị trí đắc địa cũng bị bỏ không từ năm 2019 nay đã xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn nguồn tài sản của Nhà nước...
Nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bày tỏ sự quan ngại khi nhiều vị trí nhà chuyên dùng ở vị trí đắc địa nhưng đang được cho thuê với giá “tượng trưng”. Đơn cử nhà chuyên dùng 26 phố Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) với diện tích nhà 353m2, diện tích đất 435m2, nhưng tổng tiền cho thuê cả nhà và đất là hơn 39,7 triệu đồng/tháng. Hay khu nhà đất số 57 phố Trần Phú (quận Ba Đình) với hơn 600m2 diện tích nhà và hơn 1.000m2 đất, nhưng Công ty CP Du lịch Kim Liên hiện chỉ phải trả gần 100 triệu đồng/tháng. Đáng lo ngại hơn, khi hiện nay số tiền nợ thuê nhà chuyên dùng của thành phố Hà Nội đã lên đến 1.200 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm, nhưng không rõ trách nhiệm, không rõ lộ trình giải pháp.
Không chỉ có quỹ nhà chuyên dùng, hiện rất nhiều chung cư tái định cư của Hà Nội được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách đã hoàn thành mà chưa sử dụng, hoặc xây dang dở rồi bỏ không, cũng gây lãng phí lớn nguồn ngân sách... Trong đó phải kể đến dự án nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) được khởi công xây dựng từ năm 2010, nhưng thời điểm này vẫn chưa thể hoàn thiện. Dự án nhà tái định cư N3-N4-N5 Khu đô thị Sài Đồng thuộc phường Phúc Đồng (quận Long Biên) với 150 căn hộ bị bỏ hoang tới 15 năm nay, gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân…
Tại 199 tòa nhà chung cư tái định cư, tổng diện tích quỹ nhà kinh doanh dịch vụ tầng 1 thành phố đang quản lý là hơn 85.000m2. Trong số này, có gần 50.000m2 diện tích kinh doanh dịch vụ đã cho thuê; hơn 35.000m2 còn trống chưa bố trí cho thuê, hoặc bị sử dụng trái phép, sai mục đích, chiếm tỷ lệ 41%.
Sẽ công khai đơn vị nợ tiền
Trước hàng loạt những lỗ hổng trong quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng, tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị làm rõ trách nhiệm của đơn vị chủ quản.
Ông Vũ Ngọc Anh (đại biểu Hội đồng nhân dân quận Bắc Từ Liêm) chỉ rõ: Có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong quỹ nhà, đất chuyên dùng của thành phố. Số tiền nợ 1.200 tỷ đồng kéo dài nhiều năm, vì vậy cần xem xét lại trách nhiệm cá nhân các đồng chí được giao nhiệm vụ và lãnh đạo thành phố. Đồng thời cần nêu rõ lộ trình để giải quyết vấn đề.
Ông Nguyễn Minh Đức (đại biểu Hội đồng nhân dân quận Hoàng Mai) đề nghị, thành phố cần quyết liệt trong việc đòi nợ các đơn vị không trả tiền thuê nhà và cần phải thực hiện với quan điểm công khai minh bạch, công khai các đơn vị nợ tiền thuê nhà trên báo chí, phương tiện truyền thông... Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt là quy định về đấu giá, định giá, đơn giá cho thuê để có căn cứ làm hợp đồng khi thu hồi nợ.
Trả lời về vấn đề đòi nợ tiền thuê nhà, đất, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, Sở sẽ rà soát, nếu đơn vị có khả năng chi trả sẽ tiến hành thu nợ, nếu đơn vị không có khả năng chi trả, đơn vị sẽ áp dụng các quy định để xử lý theo quy định. Sở sẽ yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cung cấp thông tin và đăng tải trên báo để người dân, các cơ quan quản lý giám sát, nắm bắt được. Thời gian tới, Sở sẽ khẩn trương cùng Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phân loại sơ bộ, đôn đốc thực hiện. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp của Trung ương, Sở sẽ kiến nghị cơ quan chủ quản có biện pháp thu hồi. Đối với tổ chức, cá nhân khác thì sẽ phân loại, có biện pháp hành chính để tuyên truyền, vận động. Tập trung làm rõ trong quý III/2022 và sớm có kế hoạch thu hồi. Trong trường hợp cần thiết thì đề xuất thành phố thành lập ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện.
Liên quan đến 357 trường hợp nhà chuyên dùng có vi phạm, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Võ Nguyên Phong cho biết: Sở sẽ rà soát tổng thể toàn bộ quỹ nhà để lập hồ sơ dữ liệu nhà chuyên dùng và phân định từng loại vi phạm để có chế tài phù hợp, đồng thời, Sở xem xét lại sự bất cập của mô hình quản lý của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, từ đó xác định lại mô hình của công ty trong việc thực hiện đầu tư công, giao tài sản công cho các công ty quản lý.
Những tồn tại, hạn chế trong quản lý quỹ nhà công tại Hà Nội đã diễn ra nhiều năm, nhưng do các chế tài, biện pháp chưa đủ mạnh, cho nên kết quả giải quyết chưa hiệu quả. Cử tri Thủ đô mong muốn sau phiên chất vấn, công tác khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố nhanh chóng được chấn chỉnh, góp phần tạo nguồn lực để Thủ đô phát triển.