Từ vùng quê đặc biệt khó khăn, có hơn 73% số dân là đồng bào Khmer, xã Tham Ðôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã chuyển mình trở thành xã nông thôn mới nâng cao và đang hướng đến trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Do hoạt động kinh tế ở đây chủ yếu là nông nghiệp trồng hoa màu đòi hỏi sự khéo léo, chuyên cần cho nên các chị em phụ nữ chính là nguồn nhân lực quan trọng.
Các cán bộ chủ chốt của Hội Phụ nữ xã Tham Ðôn đều là người dân tộc Khmer, như Danh Thị Cẩm Hằng, Thạch Thị Pholay rất trẻ và năng động. Các chị đã tập hợp phụ nữ tham gia học tập, trau dồi, nâng cao kiến thức kinh tế, xã hội và nhanh chóng hội nhập với 100% số hội viên đã thoát nghèo từ các mô hình chăn nuôi, trồng rau, hẹ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Ðào cho biết, tỉnh triển khai hiệu quả các mô hình phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi, nữ doanh nhân tiêu biểu. Hiện tại tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là gần 48%; nữ người dân tộc thiểu số hơn 30%; nữ là người dân tộc thiểu số tham gia các chương trình, hoạt động hướng nghiệp, đào tạo nghề đạt 26%; tham gia các chương trình, dịch vụ việc làm chiếm 44%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 94%; trẻ em dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học năm 2022 đạt hơn 99%; hơn 98% số học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành cấp trung học cơ sở. Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp và có học vị cao ngày càng tăng.
Tỉnh Sóc Trăng có giải pháp nâng cao kiến thức cho phụ nữ thì các địa phương khác có mô hình hỗ trợ phụ nữ yếu thế phát triển kinh tế kết hợp. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ðồng Tháp Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ để có 943 sản phẩm khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh thành công; đồng thời tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực tham gia phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế". Thực hiện phát triển kinh tế tập thể, hội đã thành lập được 137 tổ hợp tác với 1.806 thành viên và phối hợp vận động thành lập 20 hợp tác xã với 3.060 xã viên.
Còn ở Cần Thơ, mô hình "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ" được các cấp hội phụ nữ đã và đang phát huy hiệu quả. Ðã có hơn 236.281 lượt phụ nữ nghèo được giúp vốn, kiến thức, học nghề; xây dựng và sửa chữa 393 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo; xây dựng 118 mô hình phát triển kinh tế đã giúp 6.555 hộ do phụ nữ làm chủ hộ phát triển kinh tế, trong đó có 2.093 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đã thoát nghèo, góp phần vào chương trình mục tiêu giảm nghèo của thành phố.
Cùng với phát triển kinh tế, phụ nữ yếu thế vùng Tây Nam Bộ còn được cập nhật kiến thức bình đẳng giới, nâng cao vị thế của người phụ nữ. Dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" tại tỉnh Trà Vinh đã vận động và hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, từng bước hội nhập quốc tế. Nhiều tấm gương phụ nữ yếu thế nỗ lực đạt thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được biểu dương, tôn vinh thông qua các giải thưởng, danh hiệu cao quý đã khẳng định vai trò và sự đóng góp to lớn của phụ nữ cũng như truyền cảm hứng, khích lệ cho phụ nữ yếu thế tiếp tục phấn đấu vươn lên.
Với mô hình hỗ trợ truyền thông trực tiếp và đa phương tiện bằng tiếng dân tộc thiểu số, tỉnh An Giang đã tuyên truyền, thu hút 15.205 phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia thực hiện các chương trình, hoạt động do Hội Phụ nữ triển khai; điển hình như: Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình "Ðồng hành phụ nữ biên cương" với các hoạt động như tặng nhà "Mái ấm biên cương", trao học bổng cho trẻ mồ côi và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vốn sinh kế, quà cho hội viên nghèo...
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 5 năm qua, các nhóm phụ nữ đặc thù như phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ di cư, phụ nữ cao tuổi đã được quan tâm, tạo điều kiện phát triển về mọi mặt, khoảng cách chênh lệch về giới trong nhiều lĩnh vực đã giảm đáng kể.
Theo kết quả khảo sát năm 2022 của Hội, khu vực Tây Nam Bộ tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số biết về các chính sách bảo vệ, hỗ trợ liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình khá tốt: Có 54,2% số phụ nữ dân tộc thiểu số biết đến chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 43,7% biết về các chính sách cho vay vốn ưu đãi; 34% biết đến các chính sách hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số; 31,9% biết chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số; 24,1% biết chính sách đào tạo nghề.
Từ nguồn vốn huy động/ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ phụ nữ yếu thế các tỉnh phía nam vay hơn 2.736 tỷ đồng; có 20.553 chị được hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối giới thiệu việc làm thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đánh giá: Các tỉnh, thành phố phía nam nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ các nhóm phụ nữ đặc thù phù hợp điều kiện, tình hình thực tiễn. Qua đó khẳng định vai trò và những đóng góp quan trọng trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ bằng những hoạt động rất cụ thể, có sức ảnh hưởng và tạo sự lan tỏa xã hội nhằm giúp nâng cao mọi mặt của phụ nữ vùng Tây Nam Bộ.