Cây xóa nghèo của nông dân Củ Chi

Những năm gần đây, phong trào trồng hoa lan cắt cành ở huyện Củ Chi phát triển khá mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp người dân nơi đây từng bước xóa nghèo, vươn lên khá giàu nhanh. Hiện, huyện đang có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, con giống nhằm mở rộng diện tích và kết nối với các ngành liên quan để cây lan Củ Chi phát triển ổn định theo hướng bền vững.

Vườn hoa lan Mokara rộng 2.000 m2 của ông Trần Văn Phên.
Vườn hoa lan Mokara rộng 2.000 m2 của ông Trần Văn Phên.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Tân Phú Trung Trần Văn Lập cho biết, ngoài nguồn lợi từ chăn nuôi bò sữa, nông dân xã còn quan tâm phát triển mô hình trồng hoa lan cắt cành vì loại cây trang trí này đang cho thu nhập cao. Hiện, trên địa bàn xã có gần 30 ha đất sản xuất lúa được bà con chuyển đổi sang trồng hoa lan, với hàng trăm hộ tham gia. Cụ thể, hộ ông Nguyễn Việt Hoàn, ở ấp Phú Lợi đã mạnh dạn chuyển đổi hơn một ha chuyên canh cây lúa sang trồng lan, vì sản xuất lúa bấp bênh, lợi nhuận không cao. Trên diện tích chỉ hơn 2.000 m2 trồng lan Mokara mà ông đã đầu tư hoàn chỉnh, mỗi năm gia đình ông Hoàn thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng. Ông Hoàn cho biết: Trồng loại hoa lan Mokara theo phương thức cắt cành không khó, quan trọng nhất là phải nắm được kỹ thuật và vốn đầu tư ban đầu khá cao, nhưng hiệu quả kinh tế mà cây hoa lan mang lại thì rất lâu dài...

Nhằm tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi đã phối hợp HND xã Thái Mỹ đưa mô hình trồng lan Mokara về giới thiệu và mở lớp đào tạo nghề trồng hoa lan tại địa phương, thu hút đông đảo nông dân tham gia. Điển hình, hộ ông Trần Văn Phên, ấp Bình Thượng 1, xã Thái Mỹ có hơn năm công đất (5.000 m2), chuyên canh rau màu, hiệu quả kinh tế thường không cao cho nên, ông quyết định đăng ký học lớp kỹ thuật trồng hoa lan, thời gian ba tháng do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân TP Hồ Chí Minh đào tạo. Kết thúc khóa học, được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ 500 gốc lan giống, trị giá 25 triệu đồng và với số vốn tích lũy của gia đình, ông Phên nhanh chóng bắt tay xây dựng vườn lan ban đầu rộng 1.000 m², quy mô hơn 4 nghìn gốc. Không dừng lại, từ thành công bước đầu, ông Phên tiếp tục mở rộng diện tích chuyên canh và sở hữu vườn hoa lan rộng 2.000 m², quy mô 10 nghìn gốc, trang bị đầy đủ hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt rất bài bản. Ông Phên chia sẻ kinh nghiệm: Chỉ cần quỹ đất từ 1.000 m² đến 3.000 m² là nông dân có thể xây dựng được một vườn hoa lan như ý. Sau sáu tháng cây lan cho thu nhập. Và, khi cây phát triển được 5 năm, hoặc thân cao hơn 2m thì phải hạ độ cao của cây để cây mẹ nảy mầm phát triển thêm các cây con. Cây con (giống) giúp nông dân mở rộng thêm diện tích, hoặc bán giống với giá 50 nghìn đồng/cây. Còn cây mẹ sau khi hạ độ cao tiếp tục sinh trưởng, phát triển cho hoa bình thường. Với cách làm nêu trên, chỉ hoa cắt cành, trung bình mỗi tuần, gia đình ông Phên cắt hơn 2 nghìn cành hoa lan, với giá bán dao động 6.000 đồng/cành, thu nhập ổn định khoảng 12 triệu đồng.

Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi Dương Văn Minh cho biết: Mô hình trồng hoa lan Mokara theo phương thức cắt cành đang được nhiều nông dân trong huyện quan tâm lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Đây là mô hình rất phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Mô hình này không cần nhiều quỹ đất, phù hợp với nhiều đối tượng. Toàn huyện hiện có 167 ha trồng lan Mokara, với 287 hộ tham gia. Tính bình quân, một ha trồng hoa lan Mokara cắt cành, mỗi năm cho thu nhập hơn một tỷ đồng.

Từ giá trị thực tế của cây hoa lan góp phần xóa nghèo, vươn lên khá giàu nhanh, phù hợp với phát triển nông nghiệp đô thị, ngành nông nghiệp huyện Củ Chi đã có kế hoạch mở rộng diện tích, trước mắt là 200 ha. Theo đó, huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn, thực hiện thí điểm các mô hình, hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ các sở, ngành liên quan, Hiệp hội Du lịch, Hội Khách sạn thành phố để kết nối tạo đầu ra ổn định; tạo điểm du lịch mới thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, thưởng thức vẻ đẹp kiêu sa của các loài phong lan, nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân và tăng ngân sách địa phương.