Là huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Lạng Sơn, huyện Cao Lộc có nhiều loại cây thế mạnh như: mận Hải Yến, hồng Bảo Lâm và rau xanh Tân Liên... Tuy nhiên, sản phẩm của một số loại cây này đang đứng trước nguy cơ bị thoái hóa, tiêu thụ khó khăn. Chính vì thế, huyện Cao Lộc đã tập trung mở rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển sản xuất với quy mô vừa và nhỏ theo hướng hàng hóa.
Chúng tôi lên xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc, nằm ngay dưới chân núi Mẫu Sơn, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông thường bị bao phủ sương giá, băng tuyết, đồi núi khô cằn nhưng bà con các dân tộc Tày, Nùng nơi đây, vẫn bám giữ lấy mảnh đất, đưa những giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất. Gặp ông Lưu Văn Trưng, dân tộc Tày, nay đã 90 tuổi, ở xóm Đông Nọi, xã Hòa Cư, ông cho biết: Hơn 20 năm trước, bà con dân tộc Tày ở đây rất nghèo, ruộng ít, nương thì nhiều nhưng cũng không đủ ăn, vào những lúc nông nhàn chỉ biết trồng mấy cây sắn và vào rừng hái củi đem bán... Đến nay, đời sống bà con khá hơn nhiều là nhờ cán bộ huyện lên ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đem giống mới vào gieo trồng như: ngô lai, dưa hấu, khoai tây và mận cơm... kết hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông Lưu Văn Trưng cho biết thêm, vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi sang biên giới (Trung Quốc), thăm thân nhân trao đổi mua bán hàng hóa, cứ vào mùa xuân là những cánh rừng bên đất họ trắng xóa hoa mận, hoa đào. Hỏi ra mới biết, đó là cây mận được ghép với cây táo, cho rất nhiều quả, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Cây mận có nhiều tên gọi khác nhau, người thì bảo mận cơm, mận thép, mận lai táo, mận chín sớm...
Với ước vọng thoát nghèo cho gia đình, ông Lưu Văn Trưng đã đem cây mận về trồng thử, sau ba năm đã cho quả, rồi lại tự lấy cây mận ghép với cây táo bản địa cho phù hợp với khí hậu... Hiện nay, trong vườn nhà ông có hơn một nghìn cây mận (tương đương hơn 2,5 ha), năm được mùa cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Dù đã tuổi cao sức yếu, nhưng vào mùa hái quả hằng ngày, ông vẫn cùng vợ lên trông nom vườn mận, rồi bán cho tư thương mỗi kg từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn bà con trong bản lai tạo và nhân giống mận. Hiện nay, cả bản ai cũng noi gương ông trồng cây mận để góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Chủ tịch UBND xã Hòa Cư Hoàng Văn Lương cho biết: “Từ khi cây mận cơm được bà con đem trồng, đến nay, toàn xã có hơn 22.600 cây mận, với tổng diện tích hơn 56 ha, hầu như gia đình nào cũng có vườn mận từ 100 đến 200 cây.
Anh Hoàng Văn Khánh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc khẳng định, hiện nay bà con nông dân ở 18 xã trong huyện đều tận dụng vườn đồi phát triển cây mận cơm, mỗi hộ trung bình trồng từ 50 đến 100 cây. Cây mận được bà con trồng trên vườn đồi, khe suối, chân ruộng một vụ thiếu nước. Cây mận rất dễ trồng chỉ sau ba năm đã cho quả và khả năng cho quả kéo dài hơn 20 năm… Năm vừa qua, nhờ mận chín sớm, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, xây dựng được nhà ở khang trang, lo cho con cháu ăn học… Ngoài cây mận, hằng năm, huyện có kế hoạch tuyên truyền nhân dân tận dụng và lựa chọn cho mình mô hình phát triển kinh tế phù hợp nhất. Các đơn vị chức năng tích cực đôn đốc, khuyến cáo, hướng dẫn người dân nên nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp và tranh thủ nhiều nguồn đầu tư hỗ trợ từ các tổ chức khác để phát triển các mô hình sản xuất. Trong số đó phải kể đến vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), vốn từ thiện nhân đạo. Riêng từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng cho bốn xã điểm thực hiện các mô hình phát triển sản xuất như: nuôi lợn nái Móng Cái ở xã Gia Cát; nuôi lợn nái ở xã Hải Yến; trồng lúa bao thai nguyên chủng ở xã Cao Lâu; trồng lạc L14 tại xã Gia Cát và Tân Liên...
Phong trào trồng cây mận cơm đến nay không chỉ phát triển mạnh ở huyện giáp biên Cao Lộc, mà đã lan tỏa đến khắp các địa phương trong tỉnh Lạng Sơn. Theo số liệu thống kê, hiện nay tỉnh có hơn 1.400 ha mận, trong đó có hơn một nghìn ha cho thu hoạch, năng suất bình quân 38 đến 40 tạ/ha, tổng sản lượng khoảng 4.200 tấn/năm. Các huyện có diện tích mận lớn nhất là: Cao Lộc hơn 185 ha, Văn Lãng 150 ha , Văn Quan 120 ha...Thấy giá trị kinh tế cao, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đưa cây mận vào trồng, với ưu điểm là mận cơm này chín sớm trước mận Tam hoa một tháng, nên bán được giá. Nhiều hộ gia đình có diện tích mận lớn từ 100 đến 300 gốc mận, vào chính vụ thu hoạch mỗi cây mận cho khoảng 30 đến 50 kg/cây, với giá bán tận gốc từ 20 đến 30 nghìn đồng/ kg trở lên, có hộ gia đình do chăm sóc tốt quả mận to, tròn đẹp giá 30 đến 40 nghìn đồng/kg. Với nhiều gia đình một vụ mận mỗi năm trừ chi phí cho thu từ 30 đến 60 triệu đồng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Quang Chinh cho biết: Cây mận cơm rất dễ trồng, thích hợp với điều kiện khí hậu mát mẻ, thời gian cây sinh trưởng ngắn, cho nhiều quả, ăn giòn, ngọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển cây mận trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, hầu hết là do tự phát của người dân. Vì thế cây mận không được chăm sóc đúng quy trình như: bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh... nên năng suất chưa cao và ổn định. Trong thời gian tới, tỉnh cần chú trọng tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân tiếp tục phát triển diện tích mận, coi cây mận là một trong những loại cây hàng hóa, có thể hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả sạch cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh... Trước thành công nêu trên, thời gian tới, huyện vùng cao Cao Lộc tiếp tục đưa thêm nhiều mô hình hay, phù hợp vào sản xuất. Đồng thời, tranh thủ tối đa các nguồn vốn đầu tư, phối hợp các đơn vị trong và ngoài tỉnh lo đầu ra cho sản phẩm mà người dân làm ra, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo bền vững.