Cây cao-su mở hướng xóa đói, giảm nghèo ở Sơn La

NDO - Sau hơn ba năm được trồng trên vùng đất mới Sơn La, đến nay, những cây cao-su đến từ miền nam xa xôi đã phủ một mầu xanh bạt ngàn trên khắp triền núi, sườn đồi các huyện Mường La, Quỳnh Nhai... mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Sơn La và cả khu vực Tây Bắc.

Nảy mầm trên vùng đất mới

Tại vùng Tây Bắc, cây cao-su được xác định là cây xóa đói, giảm nghèo và đang được tập trung triển khai trồng trên diện rộng. Tại tỉnh Sơn La, sau ba năm triển khai chương trình phát triển cây cao-su, đến nay tỉnh đã giao đất và trồng mới 5.400 ha cây cao-su ở các huyện Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Yên Châu, Mai Sơn. Riêng năm 2010, tỉnh Sơn La trồng mới hơn 1.400 ha. Toàn bộ số diện tích đất trước khi trồng cây cao-su chủ yếu là đất nương dốc bạc màu, đất trống, đồi trọc người dân trồng ngô, sắn và các cây trồng năng suất thấp.

Ðến thăm vườn cao-su Phiêng Tìn, thuộc Ðội cao-su Ít Ong, huyện Mường La, nơi cách đây ba năm cây cao-su được trồng thử nghiệm và là nơi đặt nền móng đầu tiên cho cây cao-su của cả vùng Tây Bắc, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước các vườn cây cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng nơi này. Ðội trưởng Ðội cao-su Ít Ong Lò Văn Nạo (dân tộc Thái), nguyên là Trưởng bản Phiêng Tìn vừa đưa chúng tôi thăm vườn cao-su vừa hồ hởi giới thiệu, Bản Tìn có 69 hộ gia đình với 300 nhân khẩu. Từ trước đến nay, đồng bào chủ yếu trồng ngô, sắn, giá trị kinh tế thấp. Khi Công ty cổ phần cao-su Sơn La triển khai trồng cây cao-su, nhiều gia  đình trong bản đã tiên phong góp đất vào công ty, điển hình như gia đình anh Lò Văn Nối góp 1,4 ha, gia đình chị Lò Thị Lan góp gần một ha, bản thân gia đình anh Lò Văn Nạo góp 2,1 ha. Ðến nay, 100% số hộ dân trong bản đã góp cổ phần vào công ty bằng đất sản xuất của gia đình mình với giá trị mười triệu đồng/ha. Những diện tích sản xuất của đồng bào nay đã trở thành những vườn cao-su xanh tốt và chỉ ba năm nữa sẽ cho thu hoạch nhựa. Ðội Ít Ong hiện trồng được 360 ha cao-su, tất cả đều phát triển vượt yêu cầu đặt ra. Vừa  rẫy cỏ trên đồi cao-su ba năm tuổi cao quá đầu người, anh Lò Văn Nối vui vẻ 'khoe',  bây giờ chúng tôi đã được tuyển làm công nhân Công ty cổ phần cao-su Sơn La với mức lương ổn định từ 1,5 đến 1,7 triệu đồng/tháng và hưởng đầy đủ quyền của người lao động. Cây cao-su đã và đang từng bước mang lại đời sống ấm no cho người dân chúng tôi. Không chỉ có sự hỗ trợ từ Công ty cổ phần cao-su Sơn La, ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng cây cao-su với mức mười triệu đồng/ha đối với đất đang trồng cây lâu năm, sáu triệu đồng/ha đối với đất trồng cây hàng năm, thời gian hỗ trợ ba năm và có kinh phí cho đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp. Công ty cổ phần cao-su Sơn La còn hỗ trợ, khuyến khích trồng xen canh dưới tán cao-su, cho đồng bào vay không lấy lãi để mua giống ngô, đậu, cỏ và  trâu, bò... Thoát nghèo, nhiều hộ còn mua được xe máy, ti-vi, tủ lạnh... Ðến nay, hàng trăm km đường nối từ tỉnh lộ vào các đội cao-su đã được đầu tư nâng cấp giúp bà con đi lại dễ dàng, thúc đẩy giao thương. Các xã được đầu tư xây trụ sở mới khang trang. Các đội sản xuất được xây dựng hoàn chỉnh theo mô hình mỗi đội có một nhà văn hóa, một nhà trẻ, nhà bán hàng, sân thể thao, khu tập thể và nhà làm việc làm bộ mặt nông thôn ở nơi đây có sự thay đổi đáng kể. Nhiều bản như Phiêng Tìn đang được đầu tư xây dựng thành 'bản phát triển toàn diện' qua đó nhân rộng trong toàn tỉnh.

Không được thuận lợi như Phiêng Tìn, cây cao-su đến với xã Mường Bú phải trải qua rất nhiều khó khăn. Tâm sự với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã, Quàng Văn Minh cho biết, bước đầu tuyên truyền, vận động bà con tham gia góp đất trồng cây cao-su gặp rất nhiều khó khăn, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với cán bộ Công ty cổ phần cao-su Sơn La đến từng bản nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, các đồng chí cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước. Ðồng thời, các bản tổ chức cho già làng, cán bộ bản, các đoàn thể và đại diện bà con đi tham quan mô hình trồng cây cao-su tại Phiêng Tìn. Ðến nay, nhân dân trong xã đã thật sự tin tưởng vào chủ trương của tỉnh phát triển cây cao-su, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Các bản đều xây dựng hương ước và những quy định bảo vệ cây cao-su. Mới hơn một năm cây cao-su được đưa vào trồng trên địa bàn xã Mường Bú, những gì thấy được qua sự phát triển của loại cây trồng mới này thật ấn tượng. Từng hàng cao-su cao ngang đầu người. Những vùng đất trống, đồi trọc, đất hoang hóa, bạc màu đang dần được phủ mầu xanh của cây cao-su.

'Vàng' trắng nơi núi rừng Tây Bắc

Giờ đây, sau ba năm vượt qua những gian khó ban đầu, cây cao-su đã thật sự bén rễ vào mảnh đất Sơn La, từng bước đem lại ấm no cho người dân nơi đây. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Văn Chính cho biết, đến năm 2015, Sơn La phấn đấu trồng 20 nghìn ha cây cao-su, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời rừng cao-su sẽ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, thành những cánh rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, chống xói mòn. Cùng với phát triển cây cao-su, kế hoạch xây dựng các nhà máy chế biến cao-su ở Sơn La cũng đang được gấp rút triển khai, nhằm đưa Sơn La thành vùng sản xuất, chế biến khép kín, góp phần vào công cuộc  xây dựng nông thôn mới, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung.

Nhìn những đồi cây cao-su thẳng tít tắp vươn lá xanh như chạy tới tận chân trời..., xa xa, công trình nhà máy thủy điện Sơn La đang tấp nập, hối hả như rực sáng cả một vùng trời. Bí thư Huyện ủy Mường La Lạc Hồng Mai, một người tâm huyết với cây cao-su trên vùng đất gian khó này bộc bạch, khi nhà máy thủy điện lớn nhất đất nước hòa vào lưới điện quốc gia, những cây cao-su ở Ít Ong, Mường Bú vươn cao, cho những giọt nhựa trắng đầu tiên, sẽ là lúc nước ta có thêm một mỏ 'vàng' trắng nơi núi rừng Tây Bắc.