Cầu vồng mọc ngược trên bầu trời Italy

NDO -

Một nhiếp ảnh thiên văn vừa chụp được bức ảnh cầu vồng lộn ngược phía trên cây cọ ở Ragusa, Sicily, Italy. Ngày 11/3, bức ảnh này được NASA bình chọn là Hình ảnh thiên văn trong ngày.

Cầu vồng ngược mọc phía trên cây cọ ở Ragusa, Sicily, Italy vào ngày 24/2. Ảnh: NASA/Marcella Giulia.
Cầu vồng ngược mọc phía trên cây cọ ở Ragusa, Sicily, Italy vào ngày 24/2. Ảnh: NASA/Marcella Giulia.

Hình ảnh cầu vồng thường gợi lên cảm giác hy vọng và hòa bình. Màu sắc của nó làm tăng thêm vẻ đẹp của thiên nhiên, như thể bầu trời đang mỉm cười với Trái đất. Trong một số trường hợp hiếm hoi, một số cầu vồng xuất hiện lộn ngược như bức ảnh gần đây của NASA.

Đó là một hình ảnh tuyệt đẹp về cầu vồng ngược, còn được gọi là vòng cung Circumzenithal, xuất hiện trên một cây cọ ở Ragusa, Sicily, vào ngày 24/2.

Theo NASA, cầu vồng lộn ngược là một hiện tượng quang học có bề ngoài tương tự như cầu vồng, nhưng là quầng sáng phát sinh từ sự khúc xạ của ánh sáng mặt trời, các tinh thể băng trong mây chứ không phải từ các hạt mưa.

Cầu vồng mọc ngược trên bầu trời Italia -0
Bức ảnh độc đáo về cầu vồng ngược được NASA bình chọn là Hình ảnh thiên văn trong ngày 11/3. Ảnh: NASA/Marcella Giulia.

MailOnline đưa tin, cầu vồng ngược do giáo viên tiểu học kiêm nhà nhiếp ảnh thiên văn người Italy Marcella Giulia, 47 tuổi chụp khi mặt trời xuống thấp ở Sicily.

Việc chụp ảnh cầu vồng ngược rất hiếm hoi vì chúng thường bị che khuất bởi những đám mây lớn, đó là lý do tại sao không nhiều người nhìn thấy chúng. Như tác giả bức ảnh đã viết trong chú thích của mình, hình ảnh cầu vồng thường bị bỏ qua vì mọi người ngày nay có xu hướng cúi đầu xuống khi sử dụng điện thoại, mặc dù chúng xuất hiện trên bầu trời nhiều lần.

Nhiều người gọi vòng cung Circumzenithal là cầu vồng cười vì hình dạng và màu sắc của nó đảo ngược so với các cầu vồng thông thường quan sát được trên bầu trời. Cô Giulia cho rằng, cầu vồng lộn ngược trong bức ảnh có sắc thái sáng và sống động nhất trong số tất cả các hiện tượng vầng hào quang và thậm chí còn nổi bật hơn cầu vồng điển hình.

Do vẻ đẹp và sự độc đáo của nó, NASA đã chọn bức ảnh cầu vồng ngược của Giulia làm "Hình ảnh thiên văn trong ngày" vào thứ Sáu, ngày 11/3.

Văn phòng Khí tượng của Vương quốc Anh cho biết, các cầu vồng ngược thường liên quan đến các đám mây ti (Cirrus), nơi các tinh thể băng dễ dàng hình thành. Loại cầu vồng này khá phổ biến vì chúng xuất hiện quanh năm, mặc dù chúng chủ yếu ẩn trong các đám mây.

Để xuất hiện cầu vồng ngược, cần phải có sự kết hợp của các điều kiện khí quyển. Đó là chiều cao, độ sâu và vị trí của các đám mây băng đối với ánh sáng đi vào góc lồi cụ thể so với mặt trời. Hơn nữa, vị trí của người quan sát cũng rất quan trọng vì tầm nhìn của cầu vồng ngược có thể thay đổi trong khoảng cách ngắn.