Cầu chữ Y, cây cầu lịch sử

NDO - Ôi! Người đi trên chữ Chữ nâng người lên cao. Ðó là hai câu thơ trích trong bài thơ Cầu chữ Y của nhà thơ Ðặng Hấn, cảm tác về cây cầu ba nhánh, độc đáo và nên thơ, nối liền quận 5 với quận 8. Cầu được thiết kế năm 1937, bắt đầu thi công ngày 13-12-1938, do Công ty Công xưởng và Công trình công chính (Pháp) đảm trách.

Ngày 20-8-1941, chính thức hoàn thành. Cầu có ba nhánh như hình một chữ Y lớn, nhánh tới Nguyễn Biểu dài 175 m, nhánh đến Nguyễn Thị Tần dài 178,3 m, nhánh đến Hưng Phú dài 137 m. Tổng chiều dài các nhánh là 490,3 m, nếu tính cả đoạn cầu dẫn, dài khoảng 913 m. Ðộ cao tĩnh không của cầu là 6,3 m, bề rộng mặt cầu là 9 m, lề rộng 0,7 m. Cầu chữ Y xây dựng hết 800 tấn thép và 4.000 m3 bê-tông. Cầu bắc qua hai con kênh là Bến Nghé và kênh Tẻ, đến vùng chợ Rạch Ông và cù lao Chánh Hưng. Cầu nằm ở vị trí quan trọng, nối các quận nội thành với vùng phía nam TP Hồ Chí Minh như Xóm Củi, quận 7, xa hơn nữa là Nhà Bè, Cần Giờ. Ðứng trên cầu, ta có thể nhìn thấy toàn bộ cảng Sài Gòn và một phần thành phố, trong bán kính hai km. Là một cây cầu lớn và có vị thế chiến lược của hai khu bắc và nam thành phố, nên cầu chữ Y đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Ngày 23-9-1945, khi quân Pháp tái chiếm Nam Bộ, quân và dân ta đã án ngữ vùng này, thành lập một mặt trận vững chắc không cho quân Pháp từ Chợ Lớn đánh chiếm qua phía bắc quận 8. Quân Pháp liều chết mở nhiều đợt tiến công nhưng đều bị đánh bật lại. Ðến đầu tháng 10-1945, mặt trận cầu chữ Y vẫn được giữ vững. Mặt trận số 4 này (còn gọi là 'bức tường thép') của quân và dân ta đã gây cho quân Pháp rất nhiều tổn thất cho đến khi lực lượng cách mạng rút hết về khu căn cứ Rừng Sác, quân Pháp mới chiếm được cầu. Năm 1946, Pháp cho sửa chữa lớn cầu này và đây cũng là đợt trùng tu lớn đầu tiên của cầu chữ Y. Ðêm 30 rạng sáng ngày 31-1-1968 (đợt 1 chiến dịch Mậu Thân), quân và dân ta đã làm chủ cầu chữ Y, mở đường tiến công cho Tiểu đoàn 6 Bình Tân (thuộc Khu Sài Gòn-Gia Ðịnh) vào nội đô Sài Gòn. Từ ngày 6 đến 12-5-1968 (đợt 2), dân quân, du kích địa phương phối hợp với Tiểu đoàn 1 Long An nổ súng tiến công chiếm cầu. Quân địch đã huy động hàng nghìn lính với xe tăng, xe bọc thép cùng máy bay chiến đấu yểm trợ trên không đối đầu với lực lượng cách mạng. Trận đánh cầu chữ Y, phía địch bị quân ta tiêu diệt 500 lính, 10 xe tăng, xe bọc thép và hai máy bay chiến đấu.

Là một cây cầu quan trọng trên trục giao thông ở cửa ngõ tây-nam thành phố, với mật độ người dân cao, nhiều cao ốc và nhiều loại hình dịch vụ cho nên cầu chữ Y phải 'gánh vác' mật độ giao thông rất lớn. Chỉ tính trọng lượng tịnh của số người, số xe trên cầu trong giờ cao điểm đã hơn 500 tấn, cho nên khi cầu Nguyễn Tri Phương hoàn thành, đã 'chia lửa' giảm áp lực giao thông khủng khiếp của cầu chữ Y. Năm 1992,

TP Hồ Chí Minh hợp tác với Hãng Preyssinet tiến hành sửa chữa lớn cầu chữ Y trong 15 tháng với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Ít có cây cầu nào trong nội thành có nét đẹp và kiểu dáng độc đáo như cầu chữ Y, lại mang dấu ấn tiêu biểu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nay lại mang 'trọng trách' lớn trong phát triển kinh tế - xã hội nối vùng nội đô quận 1, 5 và 8 ra  phía tây và nam TP Hồ Chí Minh.