Cánh cửa tăng giá gần như đóng lại đối với các mặt hàng kim loại quý

NDO -

Các thị trường đầu tư tài chính trải qua một năm 2021 bùng nổ, tuy nhiên không phải mặt hàng nào cũng duy trì được xu hướng tăng tới cuối năm. Trong số các nhóm hàng, dù ít nhận được sự chú ý như nhóm nông sản, hay dầu thô, các mặt hàng kim loại quý cũng vẫn có những mức biến động rất đáng kể. Và cũng như phần lớn các loai hàng hóa, giá bạc và bạch kim đều đang giảm mạnh trong cuối năm nay.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây giá bạc giảm 9,5% về 22,7 USD/ounce, còn giá bạch kim giảm 10,6% còn 924,4 USD/ounce. Sức hấp dẫn của hai mặt hàng kim loại quý vốn xuất phát từ vai trò trú ẩn an toàn, chống lại lạm phát, nhưng trong thời gian này, đây không còn là thế mạnh của cả hai mặt hàng.

ảnh 1.jpg -0
 

Không thể trú ẩn khỏi “bóng ma lạm phát”  

Do những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu, mà nhà sản xuất phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên vật liệu. Theo đó, hàng hóa cũng trở nên khan hiếm hơn, và ngày càng khó đến tay người tiêu dùng. Vì thế, giá hàng hóa ngày một tăng cao, gây áp lực trực tiếp lên đời sống của người dân và kìm hãm lại sự hồi phục của nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI, vốn là thước đo chính của mức lạm phát tiêu dùng của các nước đều tăng “phi mã” trong năm nay. Cụ thể, CPI của Trung Quốc trong tháng 11 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và là mức cao nhất kể từ tháng 8/2020. Đáng chú ý, mức lạm phát của nền kinh tế số một thế giới là Mỹ tăng 6,8% so với năm ngoái, và là tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong vòng 40 năm.

ảnh 2.jpg -0
 

Tuy nhiên, trước những số liệu lạm phát này, vai trò trú ẩn của bạc và bạch kim không những không phát huy, mà giá của hai mặt hàng này còn giảm. Dòng tiền của các nhà đầu tư quay trở lại thị trường trái phiếu, phản ánh qua mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt hơn 50% lên 1,41%.

Áp lực tiếp tục dâng cao vì chính sách thắt chặt của các Ngân hàng Trung ương

Không phải những lý do về dịch chuyển dòng vốn liên thị trường, lý do chính dẫn đến việc giá bạc và bạch kim giảm mạnh trong một tháng trở lại đây, đến từ sự thay đổi trong quan điểm về chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn. Hiện Mỹ và Anh là hai nước tiên phong trong việc thiết lập một lập trường “cứng rắn” hơn đối với các chính sách nới lỏng được duy trì suốt hơn một năm qua. Bất chấp những rủi ro tiềm tàng đến từ biến thể Omicron,

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra “lộ trình” thắt chặt, bắt đầu bằng việc kết thúc chương trình thu mua trái phiếu vào tháng 3 năm sau, và tiếp theo đó là ba lần tăng lãi suất.

Nối tiếp Mỹ, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng đã tiến hành tăng lãi suất cho vay cơ bản từ 0,1 lên 0,25%. Động thái này của các ngân hàng sẽ làm cho các đồng tiền mạnh lên, đặc biệt là đồng USD, và đây là yếu tố gây sức ép trực tiếp lên giá bạc và bạch kim.

Trong nửa đầu năm 2022, giá bạc và bạch kim khó có thể đạt được chuỗi tăng mạnh như đầu năm nay, bởi vai trò trú ẩn của cả hai mặt hàng sẽ bị thất thế trước tính thanh khoản cao của đồng USD. Dòng vốn đầu tư vào thị trường kim loại quý sẽ tiếp tục bị cạnh tranh gắt gao bởi thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử.

Đối với các yếu tố cơ bản về cung cầu, nguồn cung bạc và bạch kim không gặp quá nhiều gián đoạn và có thể ở trong trạng thái thặng dư trong năm 2022. Bên cạnh đó, biến thể Omicron sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp, nên nhu cầu tiêu thụ của hai kim loại này khó có thể tăng mạnh. Nhìn chung, thị trường kim loại quý sẽ gặp rất nhiều thách thức trong năm 2022.