Cảnh báo tình trạng lạm dụng xét nghiệm

Tình trạng lạm dụng xét nghiệm trong quá trình khám, chữa bệnh không phải là mới được nhắc đến. Tại Hội thảo "Tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng xét nghiệm y khoa" được Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam vừa tổ chức mới đây, một lần nữa các chuyên gia cảnh báo về tình trạng lạm dụng xét nghiệm và chất lượng xét nghiệm chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Tình trạng lạm dụng xét nghiệm tại các bệnh viện đã được nói đến nhiều, nhất là sau vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Ða khoa huyện Hoài Ðức (Hà Nội). Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lạm dụng xét nghiệm một phần là do y đức nhưng phần quan trọng hơn là do chất lượng xét nghiệm hiện chưa được chuẩn hóa. Thực tế cho thấy, hệ thống xét nghiệm y khoa hiện nay chất lượng chưa đồng đều, trang thiết bị, máy móc xét nghiệm chưa được kiểm tra thường xuyên, người phụ trách phòng xét nghiệm (nhất là ở tuyến tỉnh trở xuống và cơ sở y tế tư nhân) còn yếu về năng lực, trình độ chuyên môn, thậm chí chưa có chứng chỉ hành nghề. Do chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở y tế không đồng đều khiến các bệnh viện không tin tưởng kết quả xét nghiệm của nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa liên quan đến vấn đề lợi ích cá nhân, bởi xét nghiệm là lĩnh vực được xã hội hóa nhiều và đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho các bệnh viện. Tình trạng lạm dụng xét nghiệm đang phổ biến tại khu vực khám, chữa bệnh dịch vụ và cơ sở y tế tư nhân. Do chưa chuẩn hóa về xét nghiệm nên kết quả xét nghiệm nơi này không được nơi khác chấp nhận; vì vậy, người bệnh cứ đi khám là phải làm xét nghiệm mới, gây lãng phí và gây quá tải bệnh viện.

Theo PGS, TS Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội hành nghề y tư nhân Việt Nam, sự phát triển công nghệ cao trong các xét nghiệm y khoa đặt ra vấn đề cấp bách là phải chuẩn hóa xét nghiệm. Nếu không tác hại có khi còn lớn hơn khi chưa áp dụng công nghệ cao. Muốn chuẩn hóa được thì nhất thiết phải có các giải pháp nâng cao chất lượng xét nghiệm cũng như tăng cường kiểm tra việc trang bị và sử dụng máy móc, dụng cụ, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm một cách thường xuyên, định kỳ để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác; đồng thời tiến tới xét nghiệm một cửa, nhanh chóng, hạn chế phiền hà và kiên quyết chống lạm dụng xét nghiệm. Trên thực tế, nhiều trường hợp người bệnh vừa xét nghiệm ở cơ sở này rồi chuyển sang nơi khác điều trị thì không cần xét nghiệm lại mà bệnh viện sau có thể sử dụng luôn kết quả của bệnh viện trước. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp dù vừa xét nghiệm ở bệnh viện này xong vẫn bắt buộc phải xét nghiệm lại khi đến bệnh viện mới. Lúc đó, để người bệnh không thắc mắc thì trách nhiệm của bác sĩ là phải tư vấn, giải thích đầy đủ cho người bệnh hiểu. Các chuyên gia lĩnh vực này chỉ rõ, muốn tránh được tình trạng lạm dụng xét nghiệm trong các bệnh viện thì cần thiết phải có lộ trình tiến tới chuẩn hóa các phòng xét nghiệm, từ đó bắt buộc phải công nhận kết quả xét nghiệm của phòng xét nghiệm được kiểm chuẩn.

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học (Trường đại học Y Hà Nội) GS, TS Tạ Thành Văn cho biết, theo quy định, các phòng xét nghiệm tại các bệnh viện phải thực hiện công tác nội kiểm hằng ngày (tự kiểm tra tại cơ sở của mình) và công tác ngoại kiểm định kỳ và thường xuyên (kiểm tra thông qua các trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm hoặc các đơn vị kiểm định độc lập bên ngoài). Các quy định cần chặt chẽ như vậy vì xét nghiệm nếu không chính xác có thể khiến một người bình thường trở thành người bệnh và ngược lại biến một người từ có bệnh trở thành người bình thường. Sai lệch kết quả xét nghiệm dẫn đến chẩn đoán sai, kéo theo điều trị sai, gây ra những hệ lụy không những nguy hiểm cho sức khỏe mà còn tốn kém thời gian và tiền bạc của người bệnh. Trong một số tình huống nhạy cảm như: ung thư, HIV thì hậu quả của sai lệch kết quả còn ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều. Sai sót về kết quả xét nghiệm có nhiều nguyên nhân như: thiết bị máy móc cũ, quy trình chuyên môn chưa chuẩn, chuyên môn của cán bộ làm xét nghiệm không đáp ứng yêu cầu, hóa chất xét nghiệm không đạt yêu cầu và đôi khi cả do nguồn nước.

Năm 2013 có 68 đơn vị chủ động đăng ký tham gia chương trình ngoại kiểm. Ðến thời điểm này đã có 150 đơn vị đăng ký tham gia ngoại kiểm trong năm 2014. Dù có tăng lên nhưng con số này còn rất khiêm tốn so với số lượng các phòng xét nghiệm trong khu vực mà Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học được phân công quản lý. Trong khi đó, ngay cả với các bệnh viện tuyến T.Ư đôi khi cũng bị sai lệch kết quả xét nghiệm.

Một trong những bất cập trong quản lý xét nghiệm y khoa hiện nay là chất lượng trang thiết bị, máy móc xét nghiệm chưa được kiểm tra thường xuyên; người phụ trách phòng xét nghiệm ở tuyến tỉnh trở xuống cũng như cơ sở y tế tư nhân còn yếu về năng lực và trình độ chuyên môn... Vì thế, để nâng cao chất lượng xét nghiệm và hạn chế lạm dụng xét nghiệm, đặt ra yêu cầu cho cơ quan quản lý cần có lộ trình, tiến tới bắt buộc tất cả các phòng xét nghiệm y học phải bảo đảm chất lượng, kiểm tra chất lượng, nội kiểm và ngoại kiểm, tiến tới công nhận kết quả của các phòng xét nghiệm đã được kiểm chuẩn. Cải tiến quy trình kiểm tra các phòng xét nghiệm, tăng cường kiểm tra về kỹ thuật và tin học, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với các hội chuyên ngành, hội hành nghề y tư nhân trong quá trình kiểm tra.

Sau vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Ðức, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế phải rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống máy móc, trang thiết bị, quy trình xét nghiệm. Ðồng thời từng bước mở rộng phạm vi kiểm chuẩn; tăng cường đào tạo, cập nhật kiến thức cho đội ngũ làm công tác xét nghiệm... Bộ cũng đã ban hành Chương trình hành động Quốc gia về nâng cao năng lực quản lý phòng xét nghiệm y học.