Đón tiếp Đoàn công tác có đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum và lãnh đạo UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các huyện, thành phố, sở, ban, ngành tỉnh Kon Tum.
Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn công tác, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính đạt 17,626 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,75 nghìn tỷ đồng, tăng 6,19%, đóng góp 1,36 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung của cả tỉnh. Có thể nói, đây là mức tăng khá cao so với các năm gần đây, thể hiện đầy đủ và đúng xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhiều chỉ tiêu chính đã vượt và đạt kế hoạch đề ra, như: Diện tích cao-su hơn 77,491 nghìn ha, vượt 2% kế hoạch; diện tích cây ăn quả hơn 9,423 nghìn ha, vượt 0,51% kế hoạch; diện tích cây mắc-ca 2,326 nghìn ha, vượt 6,5% kế hoạch; diện tích cây sâm Ngọc Linh ước đạt hơn 1,749 nghìn ha, vượt 0,5% kế hoạch; diện tích dược liệu khác hơn 5,119 nghìn ha, vượt 9,8% kế hoạch; trồng mới hơn 5,261 nghìn ha rừng, vượt 16,91% kế hoạch…
Năm 2023, tỉnh Kon Tum đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành nông nghiệp đạt từ 6,4% trở lên; cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt từ 19 đến 20%; Diện tích lúa đạt 22,648 nghìn ha, ngô đạt hơn 5 nghìn ha, sắn đạt hơn 38 nghìn ha…; trồng mới 1,1 nghìn ha cây ăn quả, 1.000 ha cây mắc-ca, 500ha sâm Ngọc Linh, 900ha cây dược liệu…
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã nêu các kiến nghị, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các nội dung liên quan chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; các nhóm vấn đề thuê rừng và thuê môi trường rừng; chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp; lĩnh vực kinh tế tập thể; thu hút đầu tư; công tác phòng, chống thiên tai.
Trong đó, để phát huy các lợi thế từ rừng, tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ xem xét bổ sung đối tượng rừng được cho thuê, cụ thể là rừng phòng hộ và đặc dụng, để phát triển các nhóm ngành nghề có lợi thế dưới tán rừng trong Luật Lâm nghiệp và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ báo cáo Chính phủ xem xét bổ sung các hoạt động được thực hiện dưới tán rừng khi cho thuê môi trường rừng, thí dụ như trồng dược liệu dưới tán rừng trong Luật Lâm nghiệp.
Xem xét ban hành hướng dẫn cụ thể việc xác định giá và trình tự thủ tục cho thuê rừng và cho thuê môi trường rừng để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện thống nhất và bảo đảm theo quy định.
Sớm có ý kiến thẩm định về việc điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí để khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng, phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan của Bộ quyết liệt đeo bám các vấn đề của địa phương, giải quyết ngay trong khả năng cho phép hoặc trình lên cấp trên nếu vượt khả năng.
Tỉnh Kon Tum cần nhìn nền nông nghiệp bằng tư duy kinh tế và nhìn nền kinh tế bằng tư duy tích hợp: tích hợp giá trị sản xuất với giá trị chế biến, dịch vụ thương mại, thị trường. Tỉnh cũng cần tích hợp yếu tố văn hóa, xã hội, nhìn nền kinh tế với tư duy phát triển bao trùm, bền vững giữa kinh tế-môi trường-xã hội.
Tỉnh Kon Tum cần thực hiện tốt nông nghiệp và kinh tế nông thôn, trong đó chú trọng nông nghiệp đa giá trị, nông dân chuyên nghiệp, nông thôn bản sắc, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tỉnh Kon Tum cần xác định tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng ra làm cầu nối, kết nối với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu vùng nguyên liệu, đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, dược liệu.