Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 8-11, đại biểu Thuận Hữu (Hải Phòng) bày tỏ băn khoăn về việc mỗi môn học có thể có một hoặc một số sách giáo khoa để các cơ sở giáo dục lựa chọn. Mặc dù các sách này đã được Hội đồng quốc gia về sách giáo khoa thẩm định nhưng theo ông, nếu quản lý không chặt chẽ thì dễ gây tình trạng xáo trộn và lãng phí.
“Nhiều sách giáo khoa quá thì liệu suốt ngày ta cứ chạy theo một thứ không ổn định?” – đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Thuận Hữu đề nghị chương trình và sách giáo khoa phải có sự ổn định tương đối. Ông cho rằng, nếu mỗi môn có nhiều sách giáo khoa, việc biên soạn sách giáo khoa lại được xã hội hoá, người ta cứ làm hoài, chúng ta cứ thẩm định hoài thì đến lúc nào mới ổn định được bộ sách giáo khoa?
Đại biểu Thuận Hữu cũng cho rằng cần xem xét việc tiến hành thực nghiệm chương trình mới, sách giáo khoa mới trước khi ban hành. Theo ông, nhiều chính sách của Bộ GD-ĐT đưa ra thiếu sự thực nghiệm nên mới gây ra sự xáo trộn, hoài nghi.
“Nếu chương trình thực nghiệm thì những cái mới trong sách giáo khoa có cần thực nghiệm không?, hay hội đồng thẩm định xong là đưa ra dạy luôn?”, đại biểu đoàn Hải Phòng băn khoăn. Ông cho rằng nên thực nghiệm bởi mỗi chính sách mỗi vấn đề ngành giáo dục đưa ra đều ảnh hưởng rất lớn đến xã hội.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cũng cho rằng, phụ huynh vẫn e ngại nếu thực hiện một chương trình, một số bộ sách giáo khoa.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Hải Phòng) đóng góp ý kiến đối với một số môn liên quan đến khoa học, kiến thức nhân loại như: Toán, Lý, Hoá, Sinh,…nên tìm chương trình phù hợp để khai thác, áp dụng luôn. Đối với một số môn như: Ngữ văn, Lịch sử…thì chúng ta mới nên nghiên cứu để phù hợp điều kiện, mục tiêu của Việt Nam.
Trước đó, trong Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục do Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày nêu ý kiến của các đại biểu tại Kỳ họp thứ năm về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Điều 30) là: Để bảo đảm thống nhất trong quan điểm và phương thức triển khai thực hiện, cần quy định rõ việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy và học tập; nghiên cứu và luật hóa một số quy định về chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Nghị quyết số 88/2014/QH13.
Bộ trưởng cho biết, tại Dự án Luật Giáo dục (bổ sung) tiếp thu ý kiến về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Ban soạn thảo đã rà soát và luật hóa một số quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Nghị quyết số 88; quy định cụ thể việc lựa chọn sách giáo khoa theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, theo đó các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh; nâng một số quy định trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 thành các quy định của Luật như: bổ sung quy định giao UBND tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiên cụ thể của nhà trường. Bổ sung quy định tài liệu giáo dục của địa phương phải đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương và được thẩm định bởi hội đồng cấp tỉnh và được Bộ GD-ĐT tạo phê duyệt. Đồng thời, dự thảo Luật đã luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; sách giáo khoa điện tử, học liệu; Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, sách giáo khoa; bổ sung quy định thực hiện giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh; bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định việc thực nghiệm một số nội dung, phương thức giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông.