Cần nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy lùi nạn ngộ độc rượu

NDO -

NDĐT - Sáng nay, Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam cùng với các ngành chức năng tổ chức hội thảo với mục đích làm thế nào để làm giảm nguy cơ ngộ độc rượu đang có xu hướng gia tăng và phức tạp như hiện nay.

Doanh nghiệp cũng cần chung tay đẩy lùi rượu độc

Hiện nay, nước ta có hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất rượu bia, nước giải khát đã được nhà nước công nhận và cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là giá thành đã khiến cho rượu chất lượng không đến được với người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội để rượu độc, rượu kém chất lượng tràn lan trên thị trường, gây ra hàng loạt vụ ngộ độc rượu trong thời gian qua.

Theo Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát Việt Nam thì hiện nay nhiều mặt hàng rượu khi xuất bán ra thị trường không đáp ứng đủ các quy định về thông tin thông tin về nhãn hàng hóa công bố tiêu chuẩn chất lượng; thông tin về chỉ tiêu an toàn vệ sinh; thông tin xuất xứ nhãn hàng; đồng thời trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải có tên cơ quan y tế có chức năng cấp giấy phép để sản phẩm bảo đảm tính pháp lý khi lưu thông, lưu hành trên thị trường…. Các yếu tố trên cũng là nguyên nhân khiến thị trường rượu bị rượu độc, rượu không có nguồn gốc xuất xứ làm lũng đoạn.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch hiệp hội rượu, bia, nước giải khát Việt Nam cho biết: Các doanh nghiệp có uy tín tại Việt Nam như Sabeco; Halico… cũng cần phải có trách nhiệm trong việc đẩy lùi rượu độc, rượu kém chất lượng trên thị trường bằng cách nghiên cứu các loại rượu mới, giá thành giảm nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn để đến được với tay người tiêu dùng.

Cần nâng cao trách nhiệm của địa phương trong phòng ngừa ngộ độc rượu

Đại diện ban chỉ đạo 389 Quốc gia trong buổi hội thảo cũng cho rằng: Việc tăng cường kiểm tra, truy tìm rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Để kiểm soát tận gốc vấn đề ngộ độc rượu do pha cồn methanol, quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của chính quyền địa phương; tổ chức, hướng dẫn các hộ gia đình sản xuất theo quy định của luật pháp. Từ đó, cấp phép cho các cơ sở có đủ điều kiện, tổ chức kiểm tra định kỳ nhằm kiểm soát tình trạng rượu trôi nổi như hiện nay. Đây cũng là tinh thần mà công điện số 371/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai, thực hiện.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Công thương khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm rượu trên toàn quốc; yêu cầu các đơn vị này hoàn thiện các văn bản quy định về quản lý đối với sản phẩm rượu, đặc biệt là rượu do người dân tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật, kể cả đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, chất men nấu rượu bằng phương pháp thủ công. Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương các cấp (đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường) trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, hướng dẫn người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.

Rõ ràng, trong thời điểm hiện nay, nếu chỉ tăng cường kiểm tra mà không duy trì thì thực trạng ngộ độc rượu sẽ tiếp tục tái diễn, vì vậy ngoài việc tăng cường kiểm tra thì các đơn vị địa phương cũng cần tăng cường giám sát việc mua bán, sản xuất rượu tại các cơ sở và hộ gia đình. Ngoài ra cần tuyên truyền cho người tiêu dùng biết để chọn các sản phẩm rượu được nhà nước cấp phép kinh doanh để bảo đảm an toàn khi sử dụng.