Cần làm rõ và xử lý những cá nhân có sai phạm trong thi công lưới điện ở Ðác lắc

Nguồn kinh phí từ chương trình này (gọi tắt là DA 168) được UBND tỉnh giao về cho UBND các huyện làm chủ đầu tư, đơn vị nhận thầu thi công xây lắp công trình điện là Ðiện lực Ðác Lắc (ÐLÐL). Sau khi các công trình gọi là "hoàn công" thì hàng loạt những sai phạm trong quá trình thi công, nghiệm thu đã bị phanh phui, gây nhiều bất bình trong nhân dân.

Dự án bị "rút ruột"

Tại huyện Krông Năng, trong hai năm 2004 - 2005, ÐLÐL đã thi công lắp đặt điện sinh hoạt cho 960 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với giá trị quyết toán hoàn công là 151.774 m dây dẫn loại 30/10 lõi đồng.Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra thực tế thì đơn vị thi công chỉ thực hiện 129.761 m, chênh lệch là 22.012 m. Ðơn cử một vài trường hợp khai khống của đơn vị thi công trong hồ sơ hoàn công như: Tại buôn Alê, xã Ea Hồ, đơn vị thi công chỉ xây lắp được 5.240 m (kéo điện cho 78 hộ), nhưng trong hồ sơ quyết toán lại nâng lên 15.236 m (chênh lệch 9.996 m).

Tại xã Ea Toh, công trình kéo điện cho 63 hộ ở buôn Kai với số vật tư thực tế là 6.123 m dây 30/10 lõi đồng. Vậy mà con số quyết toán lại được "đội" lên 12.600 m. Tại thị trấn Krông Năng, con số chênh lệch giữa thực tế và "ảo" (số quyết toán) là 2.484 m.

Tại huyện Ea H'leo, từ năm 2003 - 2005 DA 168 đã kéo và cấp điện cho 1.997 hộ đồng bào với tổng kinh phí đã được quyết toán theo hồ sơ hoàn công là hơn 3,4 tỷ đồng.

Theo kết quả kiểm tra của Sở Công nghiệp cho thấy có nhiều hạng mục, vật tư trong hồ sơ hoàn công đã được kê khai khống. Thông báo kết quả kiểm tra số 617/TB-SCN ghi rõ: Át-tô-mát 1 pha 20A cho phép 1 cái/hộ nhưng trong hồ sơ hoàn công là hai cái; cáp bọc Muler 2x5 mm2 cho phép 8 m/hộ, nhưng trong hồ sơ hoàn công là 10 m; dây bọc đồng 20/10 cho phép kéo với khoảng cách nhỏ hơn hoặc bằng 50 m, nhưng trong hoàn công lại kê khai từ 50 m đến 150 m...

Ngoài ra nhiều trường hợp thi công kéo dây nhôm bọc 30/10, nhưng trong hồ sơ hoàn công lại ghi là dây bằng đồng... Ðó là chưa kể việc thi công một số công trình không bảo đảm an toàn về điện như: vật tư không đúng chủng loại, sử dụng cột không đúng quy cách, không bảo đảm an toàn. Tình trạng phổ biến là: Chiều cao vượt đường quá thấp (khoảng 3 - 3,5 m); cột đỡ nhỏ, yếu; xà, sứ... không đúng quy cách...

Theo kết quả giám định khối lượng và chất lượng các công trình theo DA 168 tại địa bàn hai huyện Lắc và Krông Bông của Sở Công nghiệp cho thấy, đơn vị thi công đã khai khống để quyết toán một khối lượng lớn vật tự. Cụ thể: Khối lượng thực tế thi công lượng cáp Muler 2 x 5 mm2 là 18.738,5 m nhưng khối lượng trong hồ sơ hoàn công lại được "duyệt" là 21.038 m (chênh lệch 2.299,5 m), dây dẫn 20/10 thực tế là 53.187 m nhưng được quyết toán là 57.042 m (vượt 3.837 m), dây dẫn 30/10 thi công thực tế là 151.530 m nhưng hoàn công là 161.700 m (vượt 10.170 m), cột đỡ trung gian bằng bê-tông cốt thép được thi công thực tế là 451 cột nhưng hồ sơ hoàn công được nâng lên đến 895 cột... Ðiển hình tại xã Krông Nô (Lắc), đơn vị thi công chưa hề dựng được một cột đỡ bê-tông cốt thép nào nhưng trong hồ sơ hoàn công thì lại kê khai là đã dựng được 139 cột.

Theo tính toán sơ bộ, toàn bộ các khoản khai khống trong hồ sơ hoàn công các công trình của DA 168 đã gây thất thoát, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Kiên quyết làm rõ và xử nghiêm các sai phạm

Sau khi có thông tin về những sai phạm này, ông Trần Ðình Thanh, Giám đốc Công ty Ðiện lực 3 (PC3) - Cơ quan quản lý Ðiện lực các tỉnh miền trung, Tây Nguyên đã cử đoàn cán bộ lên kiểm tra thực tế tại địa bàn (trong các ngày từ 11 đến 13-10-2006) và có kết luận ban đầu về sự chính xác, cụ thể, có căn cứ của những thông tin trên.

Tuy nhiên cùng lúc đó, các cơ quan điều tra cũng vào cuộc. Ðể bảo đảm tính khách quan và độ chính xác pháp lý, PC3 chưa tiếp tục tiến hành những bước tiếp theo và chờ kết luận từ cơ quan điều tra.

Ông Trần Ðình Thanh nêu rõ: Trong khi hàng nghìn cán bộ, công nhân Công ty Ðiện lực 3 ngày đêm lao động quên mình nhằm bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cho các địa phương, làm nên những kỳ tích, thì lại có những "con sâu mọt" là cán bộ, công nhân điện lực đã lợi dụng sơ hở để bớt xén quyền lợi của đồng bào. Rõ ràng ngoài sự thoái hóa biến chất của một số cán bộ, công nhân điện lực nói trên, dứt khoát phải có sự móc ngoặc, tiếp tay của những người trực tiếp quản lý vốn, giám sát và nghiệm thu công trình (Dự án 168) nữa. Chính vì vậy, công trình chưa hoàn thiện, thi công không đúng hợp đồng, không đúng thiết kế, thậm chí không thi công vẫn được chủ đầu tư nghiệm thu và thanh toán vốn.

Theo Giám đốc Trần Ðình Thanh, công trình này không phải thuộc nguồn vốn của ngành điện và cũng không thuộc nhiệm vụ kế hoạch Công ty Ðiện lực 3 giao cho Ðiện lực Ðác Lắc, mà do Ðiện lực Ðác Lắc căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để ký hợp đồng với cơ quan chủ quản là UBND các huyện có dự án để tìm kiếm thêm việc làm cho đơn vị, cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân. Ðây là việc làm phù hợp, cần thiết, song đã hợp đồng thực hiện, thì phải tuân thủ nghiêm mọi cam kết trong hợp đồng đã ký. Ðó chính là thực thi nghiêm minh pháp luật.

Sai phạm của Ðiện lực Ðác Lắc liên quan công trình đường điện của đồng bào đã rõ, vấn đề là ai làm sai và sai phạm đến đâu, phải chờ kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ðác Lắc. Về thanh lý vật tư thiết bị, PC3 đã chỉ đạo sâu sát các đơn vị làm thủ tục chặt chẽ, tránh tiêu cực xảy ra, tránh để người khác lợi dụng gây ảnh hưởng không tốt và gây thiệt hại cho Nhà nước.

Quan điểm của lãnh đạo Công ty Ðiện lực 3 yêu cầu Ðiện lực Ðác Lắc phải hợp tác đầy đủ, kịp thời, đáp ứng mọi yêu cầu của cơ quan điều tra; đối với các cá nhân vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, cho dù người đó là ai.