Thời gian qua, một số doanh nghiệp phàn nàn về tình trạng không ít đoàn khách quốc tế phải hủy tour đến Việt Nam vào phút chót chỉ vì không lấy được visa, nhất là với visa điện tử. Dù không phải phổ biến nhưng điều này gây ra thiệt hại nhất định cho các doanh nghiệp du lịch trong nước, và nghiêm trọng hơn là làm giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong thời điểm các quốc gia đều đang chạy đua để giành thị phần du lịch.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen du lịch của du khách toàn cầu với sự gia tăng của các nhóm khách nhỏ đi theo hình thức tự túc. Song theo phản ánh, nhiều khách lẻ đến từ các quốc gia không được miễn thị thực gặp khó khăn liên quan các giấy tờ, thủ tục để được cấp visa, ngay cả việc đề nghị cấp thị thực điện tử cũng chưa được xác nhận thời gian trả kết quả. Quy trình thiếu tính chuyên nghiệp khiến du khách nhiều khi phải chờ lâu nhưng kết quả không như mong đợi, dẫn đến bị động, hủy lịch trình.
Giới chuyên môn lo ngại tình trạng này sẽ gây cản trở lớn cho việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Thay vì chọn Việt Nam làm điểm đến, du khách sẽ chọn các nước có chính sách thông thoáng hơn về visa để có hành trình suôn sẻ.
Theo phân tích của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), sự thuận lợi của việc cấp thị thực nhập cảnh có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 đến 25% mỗi năm. Nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) về tác động của việc miễn thị thực cho năm nước Tây Âu cũng cho thấy lượng khách trung bình từ các quốc gia này tới Việt Nam đã tăng gần 20%. Điều này khẳng định, chính sách visa là một trong những điều kiện đầu tiên tác động đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách quốc tế.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, chính sách thị thực của Việt Nam vẫn chưa đủ sức hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Trong khi nhiều nước ASEAN như Thái Lan áp dụng miễn thị thực cho công dân hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; Indonesia áp dụng cho khoảng 70 quốc gia, Philippines miễn cho hơn 150 quốc gia…; thì số lượng các quốc gia được Việt Nam miễn vẫn còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, du khách đến từ những thị trường xa thường có nhu cầu đi du lịch từ 18-21 ngày, nhưng phần lớn các quốc gia mới đang được hưởng chế độ miễn thị thực 15 ngày, dẫn đến không thu hút được khách có khả năng lưu trú dài ngày với mức chi tiêu cao.
Một ngôi nhà đẹp đến mấy mà cửa chỉ mở hé thì không thể đón nhiều khách đến chơi. Vì thế, đi cùng với những nỗ lực xúc tiến, quảng bá thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch…, còn cần chính sách thị thực cởi mở, linh hoạt mới có thể thúc đẩy du lịch phát triển đúng như kỳ vọng.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên mở rộng thêm danh sách miễn thị thực với các nước như Mỹ, Ấn Độ, Canada, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… để hút khách quốc tế đến từ thị trường giàu tiềm năng này.
Nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn được tăng số ngày miễn thị thực cho các thị trường xa từ 15 ngày lên 30 ngày, đồng thời cho phép khách được nhập cảnh nhiều lần trong một chuyến đi để biến Việt Nam thành trung tâm trung chuyển hàng không và du lịch đường dài của du khách quốc tế; cùng với đó là đơn giản hóa và chuyên nghiệp hóa việc cấp thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu, tạo sự thoải mái, nhanh chóng, thuận lợi cho du khách.
Đại dịch Covid-19 đã trả ngành du lịch các nước trở về trạng thái ở cùng vạch xuất phát. Cơ hội bứt tốc sẽ thuộc về nơi nào tranh thủ được lợi thế, đón đầu được thời cơ thu hút khách. Để làm được điều này, không thể thiếu độ “mở” về chính sách visa. Độ thông thoáng, cởi mở về thị thực không chỉ thể hiện sự trân trọng, hiếu khách mà hơn hết sẽ tạo ra thế mạnh cạnh tranh cho Việt Nam trong giai đoạn “vàng” phục hồi, phát triển du lịch.