Dòng kênh đen kịt, bốc mùi hôi
Khởi động từ năm 2015, dự án kênh Hàng Bàng đi qua địa bàn hai Quận 5, 6 thuộc dự án cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu cải tạo tuyến kênh để giải quyết ngập trên các tuyến đường thuộc Quận 5, 6 và 11, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo ghi nhận, một đoạn tuyến kênh thuộc Phường 5, Phường 8,
Quận 6 dài khoảng 400m đã được chỉnh trang, làm bờ kè, trồng cây xanh dọc hai bên nhìn mát rười rượi. Song, dưới con kênh, dòng nước thải vẫn đen thui, bốc mùi hôi thối. Ông Lê Ngọc Phú, một người dân ngụ đường Bãi Sậy, Phường 8, Quận 6 thả bộ vào sáng sớm quanh một vòng tuyến kênh lắc đầu: “Thành phố đã chỉnh trang, làm kè hai bên tuyến kênh Hàng Bàng gần 10 năm nay, nhưng chỉ có nước thải là chưa được xử lý, nên vẫn còn ô nhiễm nặng. Người dân chúng tôi mong sao thành phố quan tâm, xử lý chất lượng nước thải, giống như tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè thì mới hy vọng môi trường sống thật sự được cải thiện”.
Đầu năm 2023, hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc con kênh Tham Lương phấn khởi vì dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị toàn bộ tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước lên dài gần 32 km được thành phố khởi công xây dựng. Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư gần 8.200 tỷ đồng. Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là giải quyết tiêu thoát nước mưa cho lưu vực có diện tích 14.900 ha, giải quyết ô nhiễm môi trường, thu gom, xử lý nước thải, nạo vét và mở rộng lòng kênh thành 70m. “Dọc tuyến kênh này hầu hết bị ô nhiễm nặng, dòng nước đen quánh, rác thải và xà bần bị đổ lén khiến lòng kênh ngày càng bồi lắng. Chỉ mong dự án sớm hoàn thành để người dân không phải sống chung với ô nhiễm”, bà Nguyễn Thị Búp (ngụ Khu phố 1, phường Đông Hưng Thuận, Quận 12) chia sẻ.
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) Lương Minh Phúc cho biết: Với công suất 469.000 m3, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho lưu vực hơn 2.100 ha, khoảng hai triệu người. Hiện công trình đã hoàn tất thi công giai đoạn 2 và Ban Giao thông-chủ đầu tư đang chờ làm thủ tục liên quan cấp phép môi trường để bàn giao nhà máy cho đơn vị vận hành. Ông Phúc kỳ vọng, đây là nhà máy có công suất lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, sẽ bảo đảm thu gom nước thải lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-kênh Đôi-kênh Tẻ đưa về nhà máy xử lý, từ đó giải quyết ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan đô thị xanh, sạch cho địa bàn sáu quận trung tâm gồm Quận 4, 5, 6, 8, 10, 11.
Cần đầu tư đồng bộ
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết năm 2020, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị của thành phố mới chỉ đạt 13,2% tổng lượng nước sinh hoạt. Nguyên nhân tỷ lệ thấp là do số nhà máy xử lý nước thải đi vào vận hành còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu thực tế.
Cụ thể, thành phố đã xây dựng hoàn thành ba Nhà máy xử lý nước thải tập trung: Bình Hưng, Bình Hưng Hòa và Tham Lương-Bến Cát. Tuy nhiên, hiện nay mới đưa vào vận hành hai nhà máy, gồm nhà máy Bình Hưng-giai đoạn 1 công suất 141.000m3/ngày, nhà máy Bình Hưng Hòa, công suất 30.000m3/ngày và một phần công suất nhà máy Tham Lương-Bến Cát (15.000m3/ngày/131.000m3/ngày), với tổng
công suất xử lý thực tế đạt 186.000 m3/ngày. Một điều bất hợp lý là nhà máy Tham Lương-Bến Cát (Quận 12) có công suất xử lý đạt 131.000m3 nước thải mỗi ngày, song nhà máy này mới chỉ xử lý đạt khoảng 10% công suất. Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố-chủ đầu tư, lý giải: Nhà máy chưa thể chạy hết công suất vì thiếu hệ thống thu gom, do đó xem như nhà máy xử lý nước thải này chưa thật sự phát huy hiệu quả. Theo thiết kế, nhà máy có khả năng xử lý 131.000 m3 nước thải mỗi ngày cho lưu vực rộng hơn 2 ha, gồm quận Gò Vấp và một phần các Quận 12, Bình Thạnh, nơi có khoảng 700.000 dân, qua đó giúp giảm ô nhiễm cho tuyến kênh Tham Lương, sông Vàm Thuật, Sài Gòn. Được biết, năm 2017 công trình hoàn thành, năm 2018 thành phố ký hợp đồng giao nhà đầu tư (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền) quản lý, vận hành và duy tu nhà máy trong 5 năm, hoặc cho đến khi đủ nước thải để vận hành 33% công suất. Tuy nhiên, tỷ lệ này đến nay chưa đạt nên nhà đầu tư tiếp tục vận hành, bảo trì nhà máy.
Theo PGS, TS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, trước năm 2000, thành phố đã bắt đầu cải tạo, xử lý kênh, rạch ô nhiễm. Điển hình là hai dự án: kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới, kênh Tân Hóa-Lò Gốm từ nguồn vốn vay của Bỉ. Hai dự án này đã hoàn thành, giúp chỉnh trang đô thị và xử lý ô nhiễm kênh, rạch nhưng việc xử lý triệt để nguồn nước thải ô nhiễm vẫn chưa đạt yêu cầu.
Trong đó, nước thải được thu gom ở cuối kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, sau đó bơm nước thải chưa xử lý xả ra sông Sài Gòn để “pha loãng”, mà muốn xử lý lượng nước thải này còn phải chờ thành phố xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè ở thành phố Thủ Đức thì mới có thể coi là triệt để. Ông Lương Minh Phúc nhận định: Nếu công tác giải tỏa nhà trên kênh, rạch và chỉnh trang đô thị cần nguồn vốn đầu tư rất lớn thì khâu thu gom, xử lý nước thải lại cần đến yếu tố thi công, kỹ thuật và giải pháp thực hiện.
Đơn cử, dự án nhà máy Bình Hưng phải thi công mất khoảng 10 năm; trong đó, việc thi công 30 km cống bao để thu gom nước thải từ hệ tuyến kênh Tàu Hủ-Bến Nghé về nhà máy phải đi ngầm rất phức tạp; và hiện nay giai đoạn 1 của nhà máy mới thu gom nước thải, phục vụ cho hai triệu dân thành phố. Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, dự kiến giai đoạn 2020-2025, khi hoàn thành nhà máy Bình Hưng-giai đoạn 2 (469.000m3/ngày), nhà máy Nhiêu Lộc-Thị Nghè (480.000m3/ngày) và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống bao Tham Lương-Bến Cát phát huy công suất của nhà máy Tham Lương-Bến Cát (131.000m3/ngày) thì lúc đó mới kỳ vọng tỷ lệ nước thải đô thị của thành phố được xử lý là 77%.