Theo báo cáo của UBND huyện Lệ Thủy, lũ trong đợt này vượt đỉnh lũ hàng chục năm trước, nên số lượng nhà ở của người dân bị ngập rất lớn, 32 nghìn ngôi nhà bị ngập 2m. Lệ Thủy đã huy động tất cả lực lượng, phương tiện di dời 1.600 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Đến sáng 22-10, nước sông Kiến Giang vẫn trên mức báo động 3 gây ngập lụt nặng nhiều nơi.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật cũng đã báo cáo với Bộ trưởng NN-PTNT và đoàn công tác về hậu quả mà trận lũ lịch sử này gây ra đối với Quảng Bình; đồng thời mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư hỗ trợ về mọi mặt cho tỉnh để khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp dân ổn định cuộc sống.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đây là đợt mưa lũ lịch sử nhưng chính quyền địa phương, các đơn vị vũ trang Quảng Bình đã vào cuộc rất kịp thời, quyết liệt, nhờ vậy giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Hiện, nhân dân cả nước đang nhanh chóng quyên góp, hỗ trợ rất tích cực cho đồng bào miền trung, trong đó có huyện Lệ Thủy các loại nhu yếu phẩm cần thiết để vượt qua khó khăn do mưa lũ.
Theo Bộ trưởng, tỉnh Quảng Bình nói chung và huyện Lệ Thủy nói riêng, cần tập trung lực lượng, huy động tối đa phương tiện để kịp thời cứu trợ, không để dân thiếu ăn, thiếu nước uống; tổ chức tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ bảo đảm hợp lý để vừa đến tay người dân nhưng vẫn an toàn cho người đi cứu trợ; nhanh chóng xây dựng kế hoạch khắc phục, giúp dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
Đặc biệt, về lâu dài, tỉnh Quảng Bình cần chủ động phối hợp các bộ, ngành T.Ư xem xét, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến việc thoát lũ để xây dựng phương án tái thiết hợp lý. Bởi hiện nay, việc thoát lũ cả vùng rộng lớn Lệ Thủy và Quảng Ninh phụ thuộc hoàn toàn vào cửa biển Nhật Lệ, trong khi cửa biển bị bồi lắng và gặp triều dâng cao nên thoát lũ rất chậm, gây thêm khó khăn cho người dân vùng lũ.